Đổi USD như anh thợ điện có thể chỉ bị phạt cảnh cáo
Thay vì bị phạt 80-100 triệu đồng thì sắp tới, hành vi mua bán trái phép ngoại tệ chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc 10-20 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH.
Từ vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng
Đây là động thái mới nhất của NHNN sau sự kiện anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện ở quận Ninh Kiều) bị UBND TP Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng sau khi đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực).
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 26-10, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết cơ quan này đã đề xuất sửa Nghị định 96. Theo đó, nghị định này đã nằm trong kế hoạch sẽ báo cáo Chính phủ sửa chữa một số nội dung cho phù hợp trong năm 2018.
Theo NHNN, sau bốn năm thực hiện, Nghị định 96 đã bộc lộ một số bất cập như quy định về mức phạt dựa trên hành vi vi phạm chưa phù hợp thực tế, đặc biệt là đối với đối tượng vi phạm là cá nhân. Nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và NH đã sửa đổi, bổ sung; quy định pháp luật về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có sự thay đổi...
Theo dự thảo, hành vi mua bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ hoặc mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 10-20 triệu đồng (Nghị định 96 là 80-100 triệu đồng).
Dự thảo đã sửa đổi mức phạt giảm đáng kể so với Nghị định 96 đối với các vi phạm về mua bán vàng miếng. Hành vi mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 10-20 triệu đồng (hiện nay là 30-60 triệu đồng). Ngoài ra, bổ sung quy định mà Nghị định 96 không có là xử phạt 120-200 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh, mua bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Dự thảo giữ nguyên mức phạt 20-40 triệu đồng đối với các hành vi không niêm yết tỉ giá mua bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch; niêm yết tỉ giá mua bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết không rõ ràng, gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, ngoài mức phạt, dự thảo đã bổ sung một loạt hành vi sẽ bị xử phạt trong hoạt động kinh doanh casino về việc niêm yết, thông báo công khai tỉ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ với đồng tiền quy ước...
Tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ, nơi anh Cà Rê đến đổi 100 USD. Ảnh: H.DƯƠNG
Giảm tiền phạt nhưng vẫn chưa phân hóa vi phạm
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, dự thảo giảm tiền phạt với hành vi mua bán trái phép ngoại tệ là hợp lý bởi mức phạt hiện nay là quá nặng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ không bị tịch thu tang vật mà chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ được áp dụng là hợp lý với từng trường hợp.
Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa phân hóa mức độ vi phạm như số lượng 1 USD hay 1.000 USD, mệnh giá ngoại tệ, vàng miếng để làm căn cứ áp dụng các mức phạt khác nhau. Vì vi phạm khi thu đổi 1 USD khác với 100 UsD hay 10.000 USD về mức độ nghiêm trọng, cần phân hóa để đảm bảo tính công bằng khi xử lý. Bất cập này đã được chỉ ra tại Nghị định 96 để tránh áp dụng cảm tính nhưng chưa được khắc phục.
Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng nếu gom tất cả mức vi phạm trong việc thu đổi ngoại tệ để phạt 10-20 triệu đồng là không ổn mà phải có tiêu chí. Thứ nhất là mức độ vi phạm nhỏ thì số tiền phạt ít, còn lớn thì tiền phạt phải lớn. Thứ hai là phải lượng hóa được thiệt hại, tức là xác định vi phạm đó ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế để xác định mức tiền phạt đúng.
Trong khi TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-NH, đánh giá nhìn chung dự thảo đã đưa ra các mức phạt khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Cạnh đó, dự thảo cũng đã hướng đến việc tăng tính khả thi trong thực thi khi có những mức phân cấp ủy quyền để xử lý các vụ việc, chứ không ôm đồm hay giao trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể nào.
Tuy nhiên, dự thảo cần quy định rõ “địa chỉ” của các cơ quan được phân cấp ủy quyền, vi phạm nào thì giao cơ quan chức năng cấp tỉnh, tương tự; vi phạm nào thì thuộc cấp huyện, cấp xã. Tiếp đó, cần mở rộng đối tượng là đại lý được quyền thu đổi ngoại tệ và công khai danh sách để người dân dễ dàng nhận biết và đổi cho thuận tiện. Ngoài ra, nên ban hành nghị định sửa đổi sớm nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, tránh những sự việc đáng tiếc như với anh Cà Rê nêu trên.
Thu đổi ngoại tệ không đúng tỉ giá: Phạt nặng
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung quy định mới đối với hành vi thu đổi ngoại tệ không đúng tỉ giá. Cụ thể, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 24, phạt tiền 40-80 triệu đồng đối với tổ chức tín dụng, đại lý thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ không đúng tỉ giá quy định của NHNN; thu phí giao dịch ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt tương tự cũng được áp dụng đối với các hành vi ủy quyền cho tổ chức kinh tế làm đại lý chi trả ngoại tệ không đúng...
Một điểm mới tại dự thảo so với Nghị định 96 là đã bổ sung quy định xử phạt trong việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Theo đó, xử phạt 80-100 triệu đồng đối với hành vi mở, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài khi chưa được NHNN cấp giấy phép...