Đối thoại với chuyên gia Vũ Thế Thành: Hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần - độc hay không độc?
Điều người ta e ngại, đó là nhựa PS rất khó phân hủy, gây tổn hại môi trường. Đem đốt chất thải PS phát sinh cả hơn 50 chất độc hại.
Hỏi: Thưa ông, có phải hầu hết đồ nhựa dùng một lần như cốc, đĩa, bát nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm… đều được làm từ nhựa Polystyrene (viết tắt PS, đánh số 6) không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đa số loại đồ nhựa dùng một lần làm từ nhựa polystyrene, nhưng không phải là tất cả. Nhựa polyethylene terephtalate, còn gọi là nhựa PET hay PETE, ký hiệu là số 1 cũng thường được dùng làm chai chứa nước tinh khiết, soda, nước trái cây,… xài một lần rồi bỏ.
Nhựa PS mà bạn hỏi thường là loại trong suốt, cứng và giòn, dễ hình dung nhất là ly nhựa cà phê "take away"đấy.
Một loại nhựa PS khác là loại xốp trắng thường đựng cơm, thức ăn "take away". Hộp nhựa xốp này rất nhẹ, chỉ có 5 % là nhựa PS thôi, phần còn lại là…không khí.
Nhựa xốp này còn gọi là nhựa giãn nở EPS (Expanded PS). Gọi là giãn nở, là gọi theo công nghệ sản xuất ra nhựa, trộn khí vào nhựa, rồi khi tạo hình, nhựa giãn nở theo khí thoát ra và tạo độ xốp. Hộp xốp như bạn thấy rất dễ bị nứt, bóp bể, thậm chí xé rách cũng được.
Hỏi: Loại nhựa PS này có gây hại cho người sử dụng hay không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nhựa PS nói chung là an toàn để đựng thực phẩm. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), và ngay cả Cơ quan về An toàn Thực phẩm "khó chịu" nhất của Châu Âu (EFSA) thử đi thử lại cũng thừa nhận nhựa PS an toàn.
Hỏi: Có nhiều thông tin cảnh báo loại nhựa này có thể giải phóng ra một loại chất độc là monostyren có thể phá hủy tế bào gan, nghe rất khủng khiếp. Ngoài ra, loại nhựa này còn được khuyến cáo gây ung thư ? Thông tin này có cơ sở không thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nhựa PS được tạo thành từ rất, rất nhiều phân tử styrene ráp lại (phản ứng trùng hợp). Styrene chính là monostyrene mà bạn nói đấy. Nhựa polystyrene (PS) thì không độc, nhưng styrene là chất độc. Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế xem styrene là chất có thể gây ung thư cho người.
Điều người ta e ngại là styrene sẽ bị thôi vào trong thực phẩm khi dùng nhựa PS để chứa đựng đồ ăn. Tuy nhiên lượng styrene thôi vào đồ ăn không đáng kể, còn rất xa với ngưỡng giới hạn cho phép. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định điều này. Nếu không thì đã rắc rối to với FDA của Mỹ và EFSA của Châu Âu rồi. Không có gì phải băn khoăn với nhựa PS cả.
Hỏi: Thế sao một số nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Canada đã ban lệnh cấm sử dụng các loại đồ gia dụng được làm từ nhựa PS?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bạn lại nghe tin vịt rồi. Bạn không thấy mấy nước mà bạn vừa kể là những vương quốc tiêu thụ thức ăn nhanh à? Thức ăn nhanh mà không có hộp nhựa, ly nhựa xài một lần, để chạy theo nhịp sống hối hả thì còn gì là quốc gia phát triển hàng đầu.
Điều người ta e ngại, đó là nhựa PS rất khó phân hủy, gây tổn hại môi trường. Đem đốt chất thải PS phát sinh cả hơn 50 chất độc hại. Đó là chưa kể chim trời cá biển tưởng nhựa xốp là thực phẩm ăn được cũng xơi luôn. Những động vật này có thể đi vào chuỗi thực phẩm và điểm đến cuối cùng là con người.
Do đó đang có xu hướng hạn chế hoặc cấm sử dụng chủ yếu là loại nhựa xốp đựng thực phẩm, xài một lần rồi vất, rồi đem đốt liên tục, thì chất độc cứ xả vào môi trường liên tục.
Nhiều nước không đưa polystyrene chương trình thu gom rác tái chế đặt trong các thùng rác vỉa hè đâu. Rác PS phải để riêng và có cách xử lý riêng. Ở Đức, chính phủ bắt các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tái chế hoặc tiêu hủy bất cứ bao bì vật liệu PS nào mà họ bán.
Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm thế, cứ đè mấy nhà cung ứng hộp xốp ra mà bắt nộp thuế môi trường. Nhưng bắt người ta nộp thuế thì Nhà nước cũng phải có hành động tương ứng, nghĩa là phải thu gom nhựa PS riêng và xử lý rác thải PS phù hợp với quy định về an toàn môi trường.
Chỉ một vài tiểu bang ở Hoa Kỳ cấm dùng PS loại xốp đựng thực phẩm vì lý do môi trường thôi. Nhưng lệnh cấm này cũng bị dời đi hoãn lại nhiều lần. Trung Quốc cũng ra lệnh cấm, nhưng cũng phải bó tay. Đụng vào mấy tay trùm kỹ nghệ nhựa không phải dễ.
Hiện nay Đài Loan và Ấn Độ cấm dùng PS loại xốp đựng thực phẩm cũng vì lý do môi trường.
Với Việt Nam, vấn đề không phải có cấm dùng nhựa PS hay không mà là phải kiểm tra các cơ sở sản xuất nhựa PS để tránh tình trạng họ thêm vào những chất có hại khi dùng nhựa tái sinh.
Hỏi: Không có cách nào cứu mấy hộp xốp PS này sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cách nay một hai năm gì đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra ấu trùng của một loại bọ có thể tiêu hóa nhựa xốp PS, và chất thải ra của nó có lợi cho nông nghiệp. Đây là cách thoái biến sinh học rất hấp dẫn, nhưng chưa biết bao giờ mới áp dụng trên thực tế.
Hỏi: Thế còn nhựa PET ký hiệu số 1, xài một lần rồi bỏ mà ông đề cập đến ở trên kia thì sao? Có độc không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nhựa PET cũng được xem là nhựa an toàn. Nước khoáng, nước tinh khiết đựng trong chai nhựa PET đấy.
Hỏi: Theo những gì ông nói, tôi thấy đồ nhựa dùng một lần cũng nên bỏ (vì lý do bảo vệ môi trường), nhưng thực tế thì khó bỏ vì nó quá tiện dụng, đúng không ông? Thôi thì chưa bỏ được thì hãy hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng an toàn vậy.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Trước tiên xài đúng tên gọi, nghĩa là xài một lần rồi bỏ, chứ không nên xài lại.
Với hộp xốp, đừng đựng thức ăn nóng, nhất là đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Dù hộp xốp rất ít polystyrene (vì xốp nhẹ mà), nhưng nhiệt và dầu mỡ sẽ làm thôi styrene vào thức ăn đấy. Thức ăn có tính acid như cải chua xào lòng heo cũng thế. Nếu kẹt quá, thì để thức ăn nguội lại rồi mới cho vào hộp.
Một điều nữa, không nên hâm nóng thức ăn đựng trong hộp xốp bằng lò vi ba.
Nói chung, dùng nhựa PS để đựng thức ăn không có gì đáng ngại, xét về an toàn. Nhưng với hộp xốp thì cẩn thận đừng đựng thức ăn nóng.
Xin cảm ơn ông!