Đời buồn của cụ bà bán hàng rong sống cạnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: "Ngày xưa lăn lộn nuôi con, nhưng chúng nó lần lượt ra đi hết rồi..."
Mỗi năm, bà Thanh (87 tuổi) đều đặn nhận tấm bằng khen của hội người cao tuổi, đề tặng mấy dòng chữ vàng: "Tuổi cao chí càng cao!". Bà khổ, lam lũ, vất vả ở cái tuổi đáng nhẽ phải được hưởng trọn sự an yên, nhẹ nhàng bên con cháu. Nhưng chưa bao giờ bà than hay đòi hỏi bất cứ điều gì.
Người ta vẫn thường nói, khi về già, cái chết không còn là nỗi khiếp sợ đối với bất cứ ai. Bà Thanh (87 tuổi, quê Hải Dương) cũng nghĩ như thế. Bà dành cả tuổi trẻ để hi sinh cho chồng, cho con cái, cho người thân, nhưng chưa bao giờ từng đòi hỏi điều gì. Cho đến một ngày, mọi người cứ lần lượt bỏ bà mà đi, để lại độc mỗi đứa con út khù khờ và túp lều ẩm thấp gần nhà vệ sinh công cộng.
Đã có những lúc, bà Thanh oán hận mọi thứ. Hận chồng, hận con, hận cả ông trời đày đoạ cuộc đời bà. Cho đến tận lúc này, bà vẫn một mình, bươn chải, đấu tranh và tự học cách sinh tồn. Chính vì sợ cảm giác cô đơn, đau khổ mà bà buộc phải mạnh mẽ. Gần hết một đời người, bà chưa thôi lạc quan: "Tôi phải cương quyết, cương quyết đến cùng. Trời cho sống đến lúc nào thì phải tiếp tục sống, không sợ gì cả".
Cụ bà Lê Thị Thanh bên gian hàng hỗn độn của mình.
Cụ bà nghèo vất vả còng lưng đẩy xe hàng buôn bán mỗi tối góc phố Hà Nội. Thực hiện: Minh Nhân.
Những đứa con lần lượt rời bỏ...
Bà Thanh lưng đã còng, răng rụng hết, tóc bạc phơ, miệng móm mép nhai trầu. Thời trẻ, bà tham gia cách mạng, kết hôn rồi sinh ra những đứa con ngay trong thời chiến. Thiên chức cao quý nhất của một người phụ nữ, bà đều lần lượt trải qua.
Cho đến một ngày.
Chồng bà ốm nặng, không lâu sau thì qua đời. Đứa con nhỏ trong lúc gồng gánh sơ tán qua sông không may ngã, chết đuối vì không biết bơi. Người con khác lớn lên, đi bộ đội, hết 3 năm nghĩa vụ lại lăn đùng ra ốm, rồi cũng từ giã cuộc đời khi còn quá trẻ. Vợ anh này sau đó vội bồng bế mấy đứa con về nhà ngoại.
Bà Thanh từ một người có tất cả, bỗng chốc trắng tay, còn lại cho riêng mình mỗi thằng con út khù khờ, người ta chỉ đâu làm đó. Lắm lúc nghĩ cũng chán đời, dù tường tận mọi chuyện, nhưng bà chẳng thể ngờ đến kết cục khi về già của chính mình.
Bà lên Hà Nội từ lâu, bán hàng ở chợ Mơ. Nhưng khi chợ được cải tạo, bà không buôn bán ở đấy nữa, bắt đầu đi lang thang. Bà sống trong túp lều cạnh nhà vệ sinh công cộng cuối ngõ Hoà Bình 2 (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Đây là "căn nhà" trước đây của anh con thứ đi nghĩa vụ quân sự. Anh mất rồi, bà dọn về sống một mình. Nơi này vỏn vẹn chưa đến 10m2, nằm trên cống nước chảy đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ngày mưa, nhà dột, bà tự mình lợp mái tôn che chắn tạm bợ. Ngày nắng, bà bảo có chiếc quạt nhỏ trên đầu, thế là đủ. Trong không gian sinh sống vừa bừa bộn vừa ẩm thấp, bà có... gần như "cả thế giới", nào quần áo cũ, thức ăn cũ, vài món đồ chơi hỏng hóc. Ánh đèn mờ hư ảo như khiến mọi thứ xung quanh bà càng thêm khốn đốn và bấp bênh.
Căn nhà nhỏ lụp xụp mà bà Thanh vẫn hay gọi đùa là túp lều, nằm bên cạnh nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi thối.
Bên trong hầu như không có đồ đạc nào có giá trị, may ra được mấy tấm bằng khen của hội người cao tuổi và chiếc radio.
Khoảng 11h đêm, sau khi bán hàng xong, bà Thanh mới trở về nhà.
"Trước đây tôi ở với thằng út, cách chỗ hiện giờ chỉ 2 nhà. Nhà bé, mình nó với vợ con sống cũng chật vật, tôi lại qua đây sống một mình. Mỗi năm giỗ bố, các con cùng về thăm. Chắc đến lúc tôi chết thì mới thôi. Tôi tự kiếm sống, đủ ăn qua ngày, không cần ai hỏi "bà đã ăn cơm chưa?", "bà khoẻ không?". Một mình tôi vẫn ổn!" - bà nói.
Đã có một thời, cuộc sống này là địa ngục trần gian, đoạ đày bà lang bạt khắp nơi mọi chốn. Nên là, nếu ông trời cho "đi" khi nào, bà sẵn sàng "đi" luôn không hối tiếc. Mọi sự vướng bận, rồi đến một lúc nào đó sẽ được hoá giải. Cái chết đối với bà, công bằng mà nói, dù nhanh hay muộn, vẫn luôn là một sự đón chờ có chuẩn bị, trong tâm thế an yên và nhẹ nhõm.
"Ngày xưa lăn lộn nuôi con, nhưng chúng nó lần lượt chết hết, tôi chả còn gì. Giờ tôi chỉ mong ước trời phật đưa tôi đi sớm. Đi là đi luôn...".
Ánh mắt đau đáu, nhiều suy nghĩ của người phụ nữ lớn tuổi.
Bà lọt thỏm giữa bóng tối bên ngoài.
"Tôi chỉ muốn tìm cho mình một nơi xa xôi, để sau này ra đi thanh thản"
Trước khi chấp nhận đón nhận cái chết, bà Thanh vẫn cố mưu sinh bằng sức lao động của chính mình. Bà có cô cháu gái vốn cũng khổ, bán hàng lặt vặt ở chợ Đồng Xuân. Cô này đưa cho bà nhiều mớ vòng tay, khuyên tai, gương lược, tăm bông, chun buộc tóc, kẹp ghim,... bà đủ chất đầy lên xe đẩy, chiều tối trải bạt bán hàng bên gốc cây đề ở 246 đường Minh Khai.
Cứ 6h tối, người dân quanh đường Minh Khai lại trông thấy bà cụ lưng còng, hồng hộc đẩy xe hàng tới dựng bên gốc cây. Bà bán chẳng lời lãi bao nhiêu, món đồ nào cũng chỉ một ngàn, hai ngàn, đủ tiền cháo, tiền mì mỗi ngày. Biết bà khổ, người ta mua hàng là phụ mà biếu tặng bà là chính. Có người, chiều tối nào cũng ghé, đưa bà hộp cơm hoặc gói xôi. Bà cười, miệng chúm chím trông hiền từ.
Một trong những điều bà Thanh tự hào nhất, chính là sức khoẻ mà ông trời ban tặng. Nắng mưa bất chấp, bà vẫn đều đặn dọn hàng chờ khách thập phương tới mua. 9 rưỡi, 10 giờ đêm, bà lại cặm cụi dọn hàng về. Đường về nhà, bà gặp anh Grab hay chú xe ôm, người ta từ tốn ngỏ lời đẩy xe hàng hộ bà. Tình thương giữa những kẻ cùng khổ, bởi thế bỗng sáng bừng giữa đêm tối Hà Nội.
Cơ ngơi "hoành tráng" gồm vài ba thứ lặt vặt của bà Thanh.
Thương bà, người ta tới mua thì phụ mà biếu tặng bà là chính.
Dù nghèo khổ, bà vẫn cười, tràn trề hạnh phúc.
Bà kể, năm ngoái, có gã thanh niên đi vội, phóng nhanh "phang" trúng bà. Bà ngã lăn quay giữa đường, gãy chân, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ bảo gãy chỗ này, gãy chỗ kia, vị chi hết 80 triệu. Bà nghèo, con đẻ con dâu bà cũng nghèo, tiền ăn chưa đủ nói gì tiền thuốc men.
"Tôi van xin bác sĩ cho tôi về, tôi chết được rồi, tôi không cần gì hết. Bác sĩ chỉ cười. Đợt đó chân bó bột, tôi nghỉ bán một thời gian chờ hồi phục. Thật may, tôi vẫn còn khoẻ để hiểu được mức độ nào là cận kề với cái chết".
Đến bây giờ, bước chân của bà vẫn tập tễnh.
Nhiều ngày gần đây, người ta cho bà Thanh lên mạng xã hội. Cả con đường dọc Minh Khai xôn xao, hớn hở khi thấy cái "cơ ngơi" nghèo nàn của bà rộn ràng khách hỏi mua. Người này góp ít, người kia góp nhiều, người tặng hộp bánh, người biếu gói kẹo, bà nhận tình thương từ những kẻ tử tế xa lạ, lòng tràn trề hạnh phúc. Chưa có lúc nào, bà Thanh cười tươi hơn như thế.
Chú Bàng (51 tuổi) chia sẻ, "Trước, bà ngồi bên kia đường nhưng bị đuổi đi, dạt sang bên này. Bình thường rất ít người mua, nhưng nay đông vui hơn hẳn. Bà khổ lắm, già rồi nhưng không có ai nuôi nấng, vất vả mưu sinh. Tôi để ý ngày nào cũng có người đi qua, đều đặn biếu cụ ít tiền".
Trong căn phòng nhỏ hẹp của mình, bà Thanh cất giữ cẩn thận chiếc radio và tấm bằng khen người cao tuổi, trên đấy có đề tặng mấy câu chữ vàng: "Tuổi cao chí càng cao". Buổi sáng, bà ở nhà. Tranh thủ có mấy bà bạn qua chơi, mở đài nghe hát, cứ thế vui vẻ cả ngày. Tối đến bà bán hàng mấy tiếng đồng hồ, kiếm dăm ba chục ngàn rồi về nhà dọn dẹp, làm tí rượu là ngủ ngon.
Bên cạnh bà Thanh là bà Nhật. 2 người là chị em kết nghĩa.
Chiếc xe hàng thanh niên trai tráng đẩy còn khó, nhưng bà Thanh cứ băng băng qua đường.
Bà Nhật (82 tuổi) - chị em kết nghĩa của bà Thanh, tâm sự: "Bà chị tôi uống được rượu nên khoẻ ra. Được cái trời thương cho sức khoẻ, đẩy xe hùng hục hơn cả thanh niên trai tráng. Mọi hôm bà còn dọn rác ven đường, nhặt ve chai để kiếm thêm. Chúng tôi cùng phận vất vả nên kết nghĩa chị em từ lâu rồi".
Giá trị của cuộc đời đôi khi là những điều rất nhỏ, nhỏ đến mức chẳng ai nghĩ tới, nhỏ đến mức bị quên lãng, cho đến khi được khơi dậy thì lại quá lớn. Lớn đến mức bằng cả cuộc đời một con người, bằng cả một số phận. Câu chuyện người phụ nữ lớn tuổi được chở che trong tình thương của những kẻ xa lạ, thật trùng hợp, lại là minh chứng thuyết phục nhất cho điều đó. Dù rằng sau tất cả thăng trầm, bà Thanh không còn gì. Nhưng sự lạc quan, tinh thần vui vẻ, luôn yêu đời, vô tình khiến người khác cảm thấy muốn gần gũi, yêu thương bà nhiều hơn.
Lời sau cùng trước khi chia tay, chúng tôi có hỏi, liệu bà có muốn một cuộc sống mới, được quan tâm, được chăm sóc mỗi ngày trong viện dưỡng lão hay không? Thường thì người già, họ vẫn luôn xem viện là nơi cứu cánh cuối cùng cho cuộc đời.
Bà nhẹ nhàng, thanh thản, thả một nụ cười sâu: "Tôi thì tôi chưa muốn như thế".
"Tôi biết các cụ bao giờ cũng vào viện dưỡng lão, nhưng tôi chỉ muốn tìm cho mình một nơi xa xôi, một nơi đặc biệt, một mảnh đất dành riêng bản thân, để khi nào phải chết, tôi thật sự được ra đi nhẹ nhàng. Hiện tại, tôi cách trời, đơn giản cũng chỉ mấy găng tay nữa là cùng".
Khách đã vãn, bà dọn hàng về nhà.
Đường nhiều xe cộ, nhưng một mình bà vẫn cứ thế đi đi về về mỗi đêm.