Độc đáo lễ hội trai giả gái nhảy điệu "con đĩ đánh bồng" ở Hà Nội
Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.
Tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ 8, vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để khích động tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng.
Hôm nay 13/2 (mùng 9 tháng Giêng Âm lịch), lễ hội "Đĩ đánh bồng" mở đầu bằng nghi lễ rước kiệu long trọng, tiếp đến là những điệu múa lân, múa rồng.
Độc đáo lễ hội trai giả gái nhảy điệu "con đĩ đánh bồng" ở Hà Nội. Thực hiện: Kingpro
Khoảng 14h chiều 13/2 (mùng 9 tháng Giêng), làng Triều Khúc tổ chức lễ hội "Đĩ đánh bồng" có tuổi đời gần trăm năm.
Mở đầu lễ hội là nghi lễ rước kiệu long trọng.
Lễ hội có sự tham gia của lượng lớn dân làng Triều Khúc, trong trang phục truyền thống ngày xưa.
Lễ rước đi đến đâu thu hút rất đông người dân và du khách theo dõi.
Các nghi lễ được tiến hành trang trọng, tôn nghiêm.
Màn múa lân trải dài buổi lễ rước Thánh.
Những nữ nhi với điệu múa truyền thống thu hút ánh nhìn bởi vẻ ngoài xinh xắn, duyên dáng.
Dọc 2 bên đường, người dân dựng bàn thờ chắp tay khấn vái.
Đặc biệt, rất nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem. Quan trọng nhất là điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng". Chính xuất phát từ điệu múa cổ này mà cho tới giờ, làng Triều Khúc vẫn giữ nguyên bản không hề thay đổi thêm bớt.
Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau. Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp "kiểu cách", "sang chảnh" không phải ai cũng bắt chước được.
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng chuẩn bị trang phục cho các nam nhân đóng vai "con đĩ" nhảy điệu múa bồng.
Mọi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ, cẩn thận.
Điều khó với các chàng trai đóng vai "con đĩ" đánh bồng là làm sao thể hiện được nguyên hồn cốt, thần thái của điệu múa. Tô son phải tô đậm, má cũng thật hồng, khăn mỏ quạ, áo mớ ba mớ bảy đan xen nhau. Những dải lụa màu rực rỡ được khoác thêm lên người để khi xoay sẽ tạo thành những vòng tròn kỳ ảo và biến hóa gây cho người xem một hiệu ứng thị giác vừa đẹp mắt lại vừa thần bí.
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng (74 tuổi) đã dành 46 năm gắn bó, phát triển điệu múa "con đĩ đánh bồng". Ông được mệnh danh là "con đĩ" cuối cùng của làng Triều Khúc.
Nói về nét văn hóa đặc sắc của làng mình bằng cả tấm lòng tự hào, ông Hồng tâm sự: "Cái điệu "con đĩ đánh bồng" ngày trước đều phải trai giả gái hết. Lúc đầu không có đàn bà, nhà vua mới lấy nam giới đóng giả thành nữ giới để mua vui cho nhà vua xem. Còn chính thức điệu múa này nó như một điệu múa ba-lê cũ, 1 nam 1 nữ mới đúng, tươi với nhau, tựa lưng vào nhau có nên thơ không".
Theo tục lệ, sau khi đón được Thánh, đoàn rước tiếp tục di chuyển về phía đền.
Đi trước kiệu Thánh là quan bảo vệ, cầm thanh đao uy nghiêm.
Đoàn người đi chậm rãi rước Thánh.
Sau đó, các "con đĩ" bắt đầu điệu múa đánh bồng.
Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo.
Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.
Một nam nhi mệt nhoài sau những bước nhảy tưởng như nhẹ nhàng nhưng khá mất sức.
Trong số các "con đĩ đánh bồng", có 2 thanh niên chỉ mới 17 tuổi tên Nam và Hiếu. Hễ tiếng chiêng vang lên, cả 2 bỗng hóa mình thành những "con đĩ" điệu nghệ vô cùng. Ánh mắt duyên dáng, đôi môi cười xinh, tay chân uyển chuyển trong tà áo sặc sỡ, 2 chàng trai trẻ tuổi nhất làng Triều Khúc chứng minh sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống của điệu múa ngàn năm tuổi.
Cả Nam và Hiếu bắt đầu tập múa điệu "con đĩ đánh bồng" từ năm 12, 13 tuổi. Cảm được tiếng trống hay tiếng chiêng, hai đứa như "hòa" vào nhau lả lơi nhảy, đôi mắt đong đưa trìu mến.
"Tụi em tập cũng được 3,4 năm nay rồi. Tuy thỉnh thoảng có mệt nhưng được cụ Hồng hướng dẫn tận tình nên tụi em rất biết ơn. Cứ vào dịp lễ hội cả nhóm lại tham gia vào điệu múa truyền thống phục vụ người dân". Chẳng cần nói gì nhiều, chỉ cần nhìn cách 2 đứa mặc trang phục rồi đánh phấn, tô son cho nhau là quá rõ để nói về "trình độ" nghề.
Nam và Hiếu - 2 "con đĩ" đánh bồng trẻ tuổi nhất làng Triều Khúc.
Du khách và dân làng đứng hẳn trên cây theo dõi lễ rước Thánh.