Độc đáo bộ lịch chuột kể chuyện triều Nguyễn
Trong vô vàn xuất bản phẩm liên quan đến năm con Chuột, bộ lịch của nữ họa sĩ 9X Tuyết Tuyết kể 12 câu chuyện triều Nguyễn bằng 12 bức tranh chuột sinh động, đầy bất ngờ, thích thú.
Mối tình của vua Duy Tân năm 14 tuổi với Hồ Thị Chỉ - con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung. Không nên duyên với Duy Tân, bà trở thành Nhất giai Ân Phi của Khải Định
HẾT SỢ CHUỘT
Gặp tác giả bộ lịch gỗ để bàn “Chuyện xưa tích cũ”, thấy nữ họa sĩ trẻ sinh năm 1993 khá kiệm lời, nhưng chỉ cần chạm đúng mạch vẽ vời thì chuyện lại không dứt. Tuyết Tuyết chính là tác giả bộ truyện tranh Cánh hoa trôi giữa hoàng triều về cuộc đời Lý Chiêu Hoàng. Cô cũng từng thực hiện nhiều dự án về lịch sử, trong đó có bộ bookmark (thẻ đánh dấu sách) kim loại về trang phục triều Nguyễn. Dự án đầu tư tỉ mỉ về học thuật và nghệ thuật để làm ra bốn bộ triều phục, thường phục của vua và hoàng hậu.
“Lịch sử Việt Nam thú vị, nhưng nếu chỉ tiếp cận dưới góc nhìn chính trị và số má khô khan sẽ khiến nhiều người không thích. Tôi chọn cách tiếp cận dễ dàng hơn, làm cho mọi người thích cái đã, ắt họ tự động tìm hiểu lịch sử”, Tuyết nói. Chuột vốn là con vật khiến nhiều người tránh xa. Xem nhiều bộ phim và truyện, tác giả bảo người ta sợ chuột do cách vẽ. Đầu tư cho bộ lịch chuột này, cô thử những nét vẽ khác nhau để tìm được tạo hình chuột dễ thương, đáng yêu nhất.
Quả là tranh chuột của Tuyết Tuyết khiến người xem thấy dễ chịu. Biểu cảm chuột phong phú, có tức giận, vui vẻ, buồn đau và không thể thiếu chuyện tình yêu lâm li. Một trong những lí do khiến người ta không còn e sợ khi nhìn chuột của Tuyết là cảm giác thân thiện do những bộ trang phục mang lại. Họa sĩ bảo tạo hình chuột phải đảm bảo đáng yêu, vừa phải phóng to lên cho đủ độ cao, bề ngang mũm mĩm hơn mới vận vừa quần áo được.
Mỗi nhân vật khoác trang phục riêng theo đúng chuẩn phục trang triều Nguyễn, không có chuyện vẽ đại khái cho xong. Gần hai tháng để lên kịch bản và hoàn thiện các bức vẽ, hầu như ngày nào Tuyết cũng “cày” từ sáng sớm tới đêm khuya. Họa sĩ còn mời một nhà nghiên cứu tư vấn về lịch sử trang phục triều Nguyễn. Hiện diện trong tranh là những bộ long bào (triều phục) của vua, là bộ nhật bình của hoàng hậu. Từ mũ Cửu long thông thiên, họa tiết rồng, vân mây nước… trên y phục, tới đôi hia đều phải vẽ tỉ mẩn, tiệm cận nhất với lịch sử.
THÂM CUNG BÍ SỬ...
Mười hai bức tranh chuột tương ứng với 12 câu chuyện, có chuyện được chép lại trong sử sách, một số khác là giai thoại lưu truyền trong dân gian. Cái khó theo lời tác giả là phải chắt lọc ra những câu chuyện có thể chuyển tải qua tranh, người xem nhìn tranh cũng có thể hình dung ra nội dung. Mặt đằng sau in trọn vẹn câu chuyện. Đó là các mẩu chuyện về vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, chuyện vua Minh Mạng và Cao Bá Quát, chuyện vua Duy Tân đối đáp với cha cố Pháp năm 12 tuổi đầy thông minh khi bị ra vế “Rút ruộng vương (王), tam (三) phân thiên hạ/và đối Chặt đầu Tây(西), Tứ (四) hải giai huynh”.
Gia Long đế kể chuyện hậu phi là một trong những câu chuyện tác giả thấy hứng thú nhất. Chẳng là trong lần tâm sự với triều thần gốc Pháp J.B.Chaigneau, vua Gia Long nói về nỗi khổ tâm phía hậu cung: “Ở chốn hậu cung, trẫm gặp phải một lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng, trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả...”.
Tờ lịch kể chuyện vua Thành Thái và cô lái đò
“Nếu trẫm ghét bỏ một trong các cung phi, thì nó sẽ than phiền với thân phụ nó ngay. Và nếu không sỉ nhục to tiếng trước tuổi tác già nua của trẫm, thì ông ta cũng khéo léo gieo rắc giữa các quan những sự đồn đại vụn vặt về trẫm, sẽ làm cho trẫm mang đầy sự lố bịch trước đôi mắt của thần dân. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ ghê sợ hơn đàn ông”, Gia Long nói với ông Chaigneau.
Khác vua Gia Long coi chuyện nhiều phi tần mỹ nữ như sao quả tạ rơi trúng đầu, vua Minh Mạng lại được miêu tả như người có tình. Ông là vị vua nhiều con nhất lịch sử Việt Nam-142 người con. Họa sĩ kể lại chuyện Minh Mạng nhét vàng vào tay hiền phi. Trong số các phi tần của vua Minh Mạng, Hiền phi Ngô Thị Chính là người được vua yêu thương nhất. Ngày trẻ, bà Hiền Phi họ Ngô thường nũng nịu: Dù vua có thương thiếp bao nhiêu đi nữa thì đến khi chết, thiếp cũng chỉ ra đi hai tay không mà thôi! Khi bà mất, nhớ đến câu nói lúc xưa, Minh Mạng thân hành đến tận chỗ bà nằm, cầm theo hai nén vàng, truyền thái giám mở hai bàn tay bà ra, đặt hai nén vàng vào đó rồi bóp lại. Đó, trẫm cho khanh cái này để khỏi ra đi hai bàn tay không.
Khải Định là ông vua nổi tiếng làm đỏm, luôn muốn tự thiết kế trang phục, thích trang điểm, chít khăn vàng, đội nón và đeo hạt xoàn. Khi vua Khải Định mặc trang phục mình tự thiết kế để sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa, Phan Chu Trinh đã viết thư thất điều trách vua 7 tội, trong đó có tội “ăn mặc lố lăng” vì “trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á”. Việc vận trang phục tự chế trong mắt Phan Chu Trinh không những sai phép bang giao mà còn làm nhục quốc thể.
Bức tranh Khải Định thiết kế trang phục cũng chính là bức vẽ mất thời gian nhất. Họa sĩ hơi tiếc vì bức ảnh tư liệu để lại quá mờ, nhiều chi tiết bị ẩn nên khi vẽ lại chưa hoàn toàn ưng ý. Bộ lịch khi ra đời được cộng đồng yêu lịch sử đón nhận, góp ý để những tác phẩm sau hoàn thiện hơn...
Bộ lịch chuột độc đáo còn có chuyện Gia Long Đế và sự tích Lấp Vò. Minh Mạng Đế cầu mưa bằng cách độc đáo cho bớt đi 100 người ở hậu cung. Chuyện vua Minh Mạng trói Cao Bá Quát nhưng lại tha bổng do đối đáp thông minh: “Nước trong leo lẻo, cá đớp cá/Trời nắng chang chang, người trói người”. Vua Tự Đức dâng roi chịu phạt vì tội mải đi săn không về kịp lo giỗ của vua Thiệu Trị. Vua Hàm Nghi kính cẩn chào thầy làm lộ thân phận và bị Pháp đày đi Algeria. Vua Thành Thái ưng cô gái lái đò và đưa về cung làm quý phi.
Tuyết Tuyết kể ban đầu lên các diễn đàn mạng hỏi ý kiến về bộ lịch “Chuyện xưa tích cũ”, gần như không ai hưởng ứng, xong xuôi trình làng cô lại có thêm nhiều bạn bè. Nhiều bạn trẻ am hiểu lịch sử còn nhắn nhủ riêng rằng sau này sẵn sàng giúp đỡ trong các dự án truyện tranh lịch sử. “Tôi nghĩ chuyện gì cũng vậy, khó đến mấy mình phải làm trước đã mới mong mọi người ghi nhận”, họa sĩ Tuyết Tuyết nói.