"Độc cô cầu bại" 7 lần VĐ thế giới: 4 lần ngậm đắng nuốt cay & giấc mơ phá dớp SEA Games
Từng 7 lần xưng vương ở đấu trường thế giới nhưng Nguyễn Trần Duy Nhất chưa thể giành được tấm HCV SEA Games.
Trong làng võ thuật Việt Nam, Nguyễn Trần Duy Nhất được biết đến là một "tượng đài" ở bộ môn Muay Thai với 7 lần vô địch thế giới Muay nghiệp dư. Song tại võ đài SEA Games, võ sĩ sinh năm 1989 chưa thể một lần chạm đến ngôi vị cao nhất. Đó cũng là danh hiệu cuối cùng còn sót lại trong bộ sưu tập của Nguyễn Trần Duy Nhất. Kỳ SEA Games 31 sắp tới được tổ chức trên sân nhà Việt Nam được xem là cơ hội cuối cùng để "độc cô cầu bại" phá dớp và mang về tấm HCV danh giá.
Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất
4 LẦN "NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY" Ở VÕ ĐÀI SEA GAMES
Nguyễn Trần Duy Nhất là hậu duệ của dòng dõi Tấn Gia Quyền nức tiếng trong làng võ Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã sớm tiếp xúc với võ cổ truyền và thể hiện năng khiếu vượt trội. Tuy nhiên, tên tuổi của Duy Nhất chỉ thật sự trở nên đình đám khi anh chuyển sang thi đấu ở bộ môn Muay Thai từ năm 2007. Đó là bước khởi đầu để hình thành nên một "tượng đài" trong làng võ Việt.
Ở võ đài Muay nghiệp dư thế giới, Nguyễn Trần Duy Nhất thi đấu ấn tượng và lập nên kỳ tích "vô tiền khoáng hậu" khi 7 lần giành chức vô địch (từ năm 2010 - 2017). Nhưng nhà vô địch thế giới trở về thi đấu tại đấu trường SEA Games thì chẳng khác gì cơn ác mộng.
Năm 2009 đánh dấu mốc thời gian lần đầu tiên đội tuyển Muay Việt Nam góp mặt ở sân chơi khu vực. Khi đó, lực lượng VĐV chúng ta vẫn còn non trẻ, chủ yếu tuyển chọn từ những võ sĩ có nền tảng võ cổ truyền để "đem chuông đi đánh xứ người".
Mang trong mình nhiều tuyệt kỹ chân truyền của Tấn Gia Quyền, Nguyễn Trần Duy Nhất đương nhiên được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở võ đài SEA Games 25 trên đất nước Lào. Thực tế chứng minh, tay đấm sinh năm 1989 chơi áp đảo ngay từ đầu và dễ dàng vào đến trận chung kết gặp võ sĩ Teerawat Wannalee của Thái Lan.
Ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời võ sĩ, Duy Nhất đã đánh một trận đấu cực kỳ ấn tượng với hàng loạt pha ra đòn liên tiếp khi võ sĩ Thái Lan phải choáng váng, máu me be bét khắp mặt. Võ sĩ của TP.HCM tin chắc về một chiến thắng cho bản thân, tuy nhiên đến khi công bố kết quả cuối cùng thì hoàn toàn ngược lại. Teerawat mới là người giành chiến thắng và Duy Nhất chỉ giành được tấm HCB - thành tích cao nhất của anh ở SEA Games tính đến thời điểm hiện tại.
Nỗi uất ức tưởng chừng như sẽ được Nguyễn Trần Duy Nhất đòi lại nhẹ nhàng khi 4 năm sau anh quay trở lại SEA Games 27 (2013) trên đất Myanmar với tư cách là đương kim vô địch thế giới. Nhưng một lần nữa, "độc cô cầu bại" phải tiếp tục ôm hận.
"Trận bán kết tôi gặp võ sĩ Latsasack của nước Lào. Tôi đánh áp đảo từ đầu đến cuối, dồn ép đối thủ không kịp đỡ đòn, nếu nói công bằng là mình 7 họ chỉ có 3 thôi. Nhưng cuối cùng, khi công bố kết quả, tôi cũng không hiểu sao người giành chiến thắng là đối thủ. Tôi cảm thấy quá bất công khi mình bị xử ép trắng trợn và bật khóc ngay sau trận đấu", Duy Nhất nhớ lại.
Duy Nhất bật khóc sau thất bại ám ảnh tại SEA Games 27
Trận thua của Nhất khiến khoảng 3.000 khán giả có mặt tài nhà thi đấu hôm đó cảm thấy bị sốc. Họ lập tức đứng lên phản đối kết quả, đồng thời vỗ tay ủng hộ võ sĩ của Việt Nam. Những giọt nước mắt tại kỳ SEA Games 27 đến nay vẫn được xem là nỗi ám ảnh đối với Nguyễn Trần Duy Nhất khi nói về đấu trường khu vực.
Trở lại SEA Games 29 trên đất Malaysia vào năm 2017 khi đã là một nhà vô địch thực thụ với hàng loạt chiến tích lịch sử và kinh nghiệm chiến đấu dày dặn, Nguyễn Trần Duy Nhất khi ấy được kỳ vọng sẽ xóa bỏ được cái dớp đen đủi để đem về tấm HCV đầu tiên cho Muay Việt Nam. Song thực tế khó khăn lại chồng chất khó khăn khi nước chủ nhà bỏ đi nội dung 60kg sở trường, buộc Duy Nhất phải ép cân xuống 57kg để đánh. Chính điều này được xem là bước ngoặt để dẫn đến thất bại lần thứ 3 liên tiếp của "độc cô cầu bại".
"Thời điểm đó, mỗi ngày tôi phải mang bộ đồ ép cân để tập luyện suốt, mỗi lần chạy bộ từ 10 - 15km để cơ thể ra mồ hôi nhiều. Tôi ăn uống nhiều chất xơ, vitamin và hạn chế về tinh bột. Duy trì chế độ ép cân trong một thời gian dài như vậy nên khiến cơ thể rơi vào trạng thái khá căng thẳng và mệt mỏi.
Khi bước vào SEA Games thì thể lực không đảm bảo ở mức tốt nhất nên cảm giác ra đòn và lực đánh giảm đi đáng kể khi thi đấu trái hạng cân sở trường. Điều này dẫn đến kết quả không như mong đợi", Duy Nhất nói.
Trước đối thủ Thachtana Luangphon của Thái Lan thi đấu tinh quái và đầy sức mạnh, Duy Nhất đành chấp nhận thua điểm đáng tiếc ngay ở vòng bán kết. Một lần nữa, tấm HCV lại lẫn tránh võ sĩ gốc Lâm Đồng.
Đến kỳ SEA Games 2019, nội dung đối kháng không được chủ nhà Philippines đưa vào thi đấu, buộc Duy Nhất phải chuyển sang biểu diễn Muay Boran trái sở trường. Trớ trêu thay trong lúc thực hiện phần thi, người đồng đội Nguyễn Tăng Quyền lại bị chấn thương khi tiếp đất nên phải bỏ cuộc. Do không có người thay thế nên đội tuyển Việt Nam đành chấp nhận dừng lại ở vị trí thứ 4 và giành tấm HCĐ.
Có thể coi Nguyễn Trần Duy Nhất là một "nghịch lý kỳ lạ" trong làng Muay Việt Nam bởi đẳng cấp của anh vốn ở tầm vóc thế giới nhưng vận đen luôn đeo bám anh khi trở về thi đấu ở đấu trường khu vực. Song điều đó không làm giảm đi khát khao của "độc cô cầu bại" mà tấm HCV SEA Games như một động lực để Duy Nhất chuyên tâm tập luyện và quyết tâm hơn để chinh phục nó.
Tấm HCV SEA Games là danh hiệu còn thiếu cuối cùng trong bộ sưu tập của Duy Nhất
"MỖI TRẬN SEA GAMES LÀ MỘT TRẬN CHUNG KẾT"
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng Năm này là kỳ đại hội cuối cùng mà võ sĩ nay đã bước sang tuổi 33 tham dự. Vì thế, giấc mơ về tấm HCV càng cháy bỏng hơn nữa đối với Nguyễn Trần Duy Nhất. Trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Muay Việt Nam vẫn chưa có võ sĩ nam nào bước lên ngôi vị cao nhất. Do đó hơn ai hết, chính Nguyễn Trần Duy Nhất là người mong muốn được một lần phá "cái dớp" SEA Games trước khi giải nghệ đội tuyển quốc gia.
Khoảng thời gian cận kề SEA Games, Duy Nhất vẫn duy trì chế độ tập luyện đều đặn mỗi ngày từ 8 tiếng với nhiều bài tập như nhảy dây, đấm bao, nâng lốp xe tải, hít đất và cả các cuộc đấu tập đối kháng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, "độc cô cầu bại" luôn khiến những người yêu mến anh phải trầm trồ thán phục bởi sự chuyên nghiệp, nghiêm túc trong việc tập luyện để duy trì được phong độ thi đấu đỉnh cao.
"Bản thân tôi đã từng thượng đài rất nhiều, thắng thua đều có cả. Điều quan trọng nhất bây giờ là sự tự tin và cố gắng thể hiện hết khả năng, sẽ đánh hết những gì mình có thể để khi bước xuống sàn đài dù có thắng hay bại cũng không cảm thấy hối tiếc.
Mục tiêu giành HCV SEA Games là điều tôi đặt ra ở kỳ đại hội sắp tới, nó là tấm huy chương duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của mình. Trong khu vực Đông Nam Á, các võ sĩ Thái Lan vẫn được xem là đối thủ mạnh nhất, bên cạnh đó là sự vươn lên của những đối thủ nước Campuchia, Lào, Philippines.
Được thi đấu trên sân nhà là một lợi thế nhưng điều đó không có ý nghĩa nếu bản thân người võ sĩ không có thực lực và sự cố gắng bởi các đối thủ đều đã nghiên cứu kỹ lối đánh của tôi cả rồi. Tôi xem mỗi trận đấu như một trận chung kết, cứ lên đài thì sẽ đánh hết sức mình, hy vọng may mắn sẽ mỉm cười chứ không bị đen đủi như những lần trước", Duy Nhất chia sẻ.
Ông bà ta có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức", Duy Nhất đã thử sức ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp và trải qua không ít thử thách khó khăn nhất của một người võ sĩ. Nhưng vinh quang vẫn luôn lẫn tránh anh một cách khó hiểu. Hy vọng trên sân nhà, Duy Nhất sẽ chứng minh được bản lĩnh của tay đấm Muay hàng đầu Việt Nam để mang vinh quang về cho đất nước.