Doanh nhân tuổi Hợi Minh Beta: Ở lại Mỹ tôi chỉ là con ốc vít trong một guồng quay, nhưng về Việt Nam tôi có cơ hội gây dựng những thứ mới mẻ, tạo ảnh hưởng tích cực ở tầm lớn hơn

08/02/2019 11:00 AM | Kinh doanh

Sinh năm 1983, nghĩa là đã sang tuổi 36, nhưng Minh Beta (tên thật là Bùi Quang Minh) trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật. Trước đây, Minh Beta là người sáng lập Doco Dunuts, chuỗi cửa hàng café, bánh ngọt được giới trẻ Việt những năm 2000 hết sức ưa chuộng, còn nay anh là CEO Beta Corp, đơn vị sở hữu mô hình rạp chiếu phim giá rẻ Beta Cineplex.

Khoảng giữa 2 giai đoạn này chính là thời điểm Minh Beta bất ngờ bán đi chuỗi cửa hàng Doco Donuts để sang Mỹ du học Harvard. Sau 2 năm, anh trở về Việt Nam, mở rạp phim Beta Cineplex đầu tiên tại Thái Nguyên.

Anh cũng là tác giả của bài hát quốc dân “Việt Nam ơi” được vang lên khắp các nẻo đường, phủ sóng các chương trình bóng đá trên cả nước và được đánh giá là một trong những ca khúc đem lại nhiều cảm xúc nhất trong mùa giải U23 Châu Á năm 2018 vừa qua.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện riêng với Minh Beta về chặng đường đã qua, những kế hoạch trong thời gian sắp tới cũng như những góc nhìn đời thường nhất của một CEO trẻ.


* Xin chào anh Minh. Anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh lựa chọn về Việt Nam khởi nghiệp chứ không ở lại Mỹ không?

Nếu ở lại đất nước phát triển, tôi chỉ là con ốc vít trong một cái guồng quay mạnh mẽ, nhưng nếu về Việt Nam, tôi có cơ hội gây dựng những thứ mới mẻ, tạo ảnh hưởng tích cực ở tầm lớn hơn. Ngoài chuyện công việc, đó còn là chuyện cuộc sống nữa bởi tôi được ở gần gia đình, bạn bè, cảm giác có một nơi mình thật sự thuộc về.

* Vậy tại sao là rạp chiếu phim mà không phải mô hình khác?

Thực ra chúng tôi có đầu tư một số mô hình năm vừa rồi nhưng không thành công lắm, đến giờ rạp chiếu phim vẫn là mô hình thành công nhất của Beta Corp.

Còn lý do cho câu hỏi trên, đơn giản đến từ vấn đề động lực. Khi nói đến ngành giải trí truyền thông, ngoài vấn đề mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp, thì với tôi, đây còn là một cách để thay đổi tư duy, nhận thức xã hội. Nếu có vị thế nhất định, tôi nghĩ ảnh hưởng của mình dễ có sự cộng hưởng hơn.

Doanh nhân tuổi Hợi Minh Beta: Ở lại Mỹ tôi chỉ là con ốc vít trong một guồng quay mạnh mẽ, nhưng về Việt Nam tôi có cơ hội gây dựng những thứ mới mẻ, tạo ảnh hưởng tích cực ở tầm lớn hơn - Ảnh 2.

* Anh có thể nói một chút về hoạt động kinh doanh của bản thân trong năm qua được không?

Tôi nghĩ trong 2018 điều Beta làm được là việc mở bung ra nhiều địa điểm kinh doanh mới, số cụm rạp tăng lên 9 địa điểm so với những năm trước là 4 địa điểm. Đồng nghĩa số lượng nhân viên tăng lên rất nhiều và có những sự hỗn loạn trong quản trị, phải nói thật là như thế.

Tôi nghĩ 2019 là thời điểm chúng tôi thay vì tập trung phát triển chiều rộng sẽ phát triển chiều sâu. Nghĩa là vẫn địa điểm kinh doanh đó, phải làm sao tối ưu hoạt động để thu hút nhiều khách hàng đến với mình, làm sao để khách hàng cũ có tần suất đi xem phim nhiều hơn.

* Vậy tần suất khách hàng đến Beta Cineplex hiện nay là bao nhiêu?

Đây cũng là một câu hỏi thể hiện rõ chúng tôi mới chỉ phát triển chiều rộng chứ chưa phát triển chiều sâu. Chúng tôi hoàn toàn chưa biết là một khách hàng của Beta hiện tại 1 năm họ đi xem phim bao lần, vì chúng tôi chưa có cơ sở dữ liệu nào để thu thập thông tin đó trong năm vừa rồi.

Tuy nhiên đến hiện tại, Beta đã xây dựng xong hệ thống thẻ thành viên tích hợp trên ứng dụng. Đã có 80% những người xem phim ở Beta trong tháng vừa rồi dùng hệ thống phần mềm đó. Chúng tôi đang dần có dữ liệu nên chỉ vài tháng nữa là đủ cơ sở để xem khách hàng là ai, họ đi xem phim bao nhiêu lần mỗi tháng,...

* Anh có đề cập đến sự hỗn loạn trong quản trị khi số lượng nhân viên tăng quá nhanh, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn không?

Số lượng nhân viên tăng lên quá nhanh khiến chất keo dính nội bộ chưa tốt, sự đồng lòng và tầm nhìn ngay từ ban đầu tôi lập ra cho doanh nghiệp không phải người nào cũng thấm nhuần được. Nhiều nhân viên cảm thấy hoang mang, không rõ vai trò, vị trí của mình cũng như gắn kết được mục tiêu cá nhân với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Đó là hậu quả của việc chúng tôi bung ra quá nhanh trong khi nền tảng chưa đủ vững chắc.

* Tầm nhìn, mục tiêu anh hướng tới là gì?

Tôi luôn tâm niệm mình điều hành một doanh nghiệp thì động lực không nên đến từ ham muốn hay lợi ích cá nhân mà phải gắn với cộng đồng.

Tôi nghĩ đơn giản thôi, động lực có 2 loại: 1 là đến từ những thứ tiêu cực như lòng tham, cái tôi cá nhân, sự kiêu ngạo,...những điều đó đều chỉ mang lại tác động ngắn hạn. Còn có 1 dạng động lực khác, mà tôi nghĩ nó cao đẹp hơn bởi nó liên quan đến lòng yêu thương, sự mong muốn những điều tốt đẹp cho cả tập thể của mình, mang lại giá trị cho cộng đồng,...

Bản thân tôi hiểu thế nhưng mọi người chưa chắc nhìn được. Đôi khi chỉ là nhân viên cố gắng chạy theo chỉ tiêu kinh doanh nhất định thì họ quên mất điều đó hoặc là quản lý khi cần theo đuổi mục tiêu kinh doanh nào đấy đã đối xử với nhân viên chưa thực sự có tình yêu thương trong đó. Câu chuyện họ tập trung chỉ là làm sao cũng được, miễn đạt chỉ tiêu đặt ra.

* Nhưng rõ ràng trong kinh doanh, các chỉ tiêu cụ thể cũng rất quan trọng?

Đương nhiên, nhưng lúc nào nó cũng là sự cân đối, có nghĩa ở mức độ nào là hợp lý và nên như thế nào. Cùng một kết quả nhưng thái độ, cách nói, cách truyền đạt ảnh hưởng nhiều đến năng lượng chúng ta truyền tải ra xung quanh đấy.

Doanh nhân tuổi Hợi Minh Beta: Ở lại Mỹ tôi chỉ là con ốc vít trong một guồng quay mạnh mẽ, nhưng về Việt Nam tôi có cơ hội gây dựng những thứ mới mẻ, tạo ảnh hưởng tích cực ở tầm lớn hơn - Ảnh 3.

* Có vẻ như anh đã khác hơn, trầm lắng hơn so với những lần xuất hiện trên báo chí trước đây?

Ý bạn là già đi? (cười to). Không phải đâu mà mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm lại yêu cầu những cách tiếp cận khác nhau, đấy là sự linh hoạt cần thiết của người lãnh đạo. Không thể giữ mãi một cách tiếp cận cho mọi chặng đường phát triển được. Tôi tin là mỗi quy mô, thời điểm, điều kiện kinh doanh lại yêu cầu một cách tiếp cận khác nhau. Người lãnh đạo cần đủ kinh nghiệm để xem yêu cầu đó đang như thế nào.

* Về cuộc sống riêng thì sao? Làm chủ một doanh nghiệp với khoảng 500 nhân viên, anh có thời gian dành cho gia đình không?

Tôi còn độc thân nên chưa cần dành thời gian cho gia đình riêng, nhưng còn với người thân, bạn bè thì tôi nghĩ nên biết cách cân đối. Hãy nhìn ông chủ Amazon, ông ấy vẫn có thời gian cho cuộc sống hằng ngày đấy thôi. À mà hình như ông ấy sắp ly hôn thì phải (cười to).

Nhưng dù sao thì ý tôi là quy mô nào đi chăng nữa, thời gian làm việc và năng lượng mỗi người chỉ có chừng đó. Vậy nên điều quan trọng với người lãnh đạo là sắp xếp đội ngũ hỗ trợ phía dưới thế nào thôi.

* Vậy thời gian làm việc của anh khoảng bao nhiêu tiếng mỗi ngày?

Thời gian làm việc của tôi khoảng 7-8 tiếng/ngày. Vì tôi nghĩ mình sống mà, đâu chỉ lao đầu làm việc không. Tôi còn phải phát triển những lĩnh vực, kỹ năng khác để hỗ trợ trở lại cho công việc.

Nghĩa là thời gian ngồi trực tiếp xử lý công việc của tôi khoảng 8 tiếng/ngày giống nhiều người khác, còn lại tôi để đọc sách, nghiên cứu, rồi cũng phải giao lưu với bạn bè, với doanh nghiệp khác để mình có góc nhìn rộng mở hơn chứ.

* Anh có quyển sách nào tâm đắc không?

Tôi đọc nhiều lắm, nên không biết đề xuất quyển gì. Gần đây, tôi có đọc một quyển không liên quan trực tiếp đến kinh doanh nhưng lại liên quan, đó là sách tóm tắt lịch sử loài người, Sapiens: A Brief History Of Humankind.

Trong này có một luận điểm rằng người tinh khôn hiện đại chiến thắng các loại động vật cũng như một giống người khác sở hữu tầm vóc cơ thể lớn hơn bởi người tinh khôn có ngôn ngữ giao tiếp, có tư duy để kết nối với nhau, cùng tin vào những thứ không phải hữu hình như niềm tin, sứ mệnh,... Quyển sách khẳng định nếu một tập thể trên 150 người mà không có những thứ đó thì không làm việc được.

Đây là điều khiến tôi nghĩ nhiều về doanh nghiệp của mình. Thời điểm trước tập thể chúng tôi còn ít người, chưa cần đến sứ mệnh, hay văn hóa doanh nghiệp hay chất keo kết nối, những thứ nghe có vẻ viển vông, vì đơn giản mọi người đủ gần gũi để hiểu cần phải hợp tác với nhau như thế nào và mục tiêu là gì. Nhưng thời điểm hiện tại đã lên tới mấy trăm người thì đây là lúc chúng tôi phải tính đến chuyện ấy.

Trọng tâm những năm trước tôi nghĩ nhiều đến việc thực hiện các mục tiêu kinh doanh cụ thể còn trong 2019, tôi phải suy ngẫm xem làm thế nào để gắn kết các nhân viên với tập thể của mình.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vừa rồi.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM