Doanh nhân "trăm năm mới xuất hiện 1 người" của Nhật Bản: Tỷ phú sinh ra từ khu ổ chuột khiến đế chế Huawei chao đảo
Hội tụ tất cả những điểm mạnh của cả 3 bậc vĩ nhân trong kinh doanh, tỷ phú Masayoshi Son chính là mẫu doanh nhân "hiếm có khó tìm" của Nhật Bản.
Sở hữu khối tài sản hơn 21,1 tỷ USD, theo thống kê của tạp chí danh tiếng Forbes, tỷ phú Masayoshi Son hiện là người giàu thứ 3 Nhật Bản. Để có được khối tài sản khổng lồ hôm nay, ít ai biết rằng vị doanh nhân nổi tiếng này đã từng phải trải qua thời kỳ đầy gian khổ trong quá khứ.
Từ đứa trẻ nhặt thức ăn thừa thành tỷ phú
Masayoshi Son sinh năm 1957, trong một khu ổ chuột tại làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu, Nhật Bản, có cha mẹ là người gốc Triều Tiên. Gia đình ông vốn không khá giả, phải sống bằng nghề nuôi lợn và gia cầm. Ngay từ nhỏ, Masayoshi Son cũng phải đi thu lượm thức ăn thừa từ hàng xóm để về cho lợn và gia cầm ăn.
Sớm bị cuốn vào guồng quay mưu sinh, những ký ức tuổi thơ của ông không màu hồng như bạn bè cùng trang lứa mà toát lên sự nhọc nhằn, cơ cực. Ông nhớ lại: "Hồi còn nhỏ, tôi ngồi trong một chiếc xe kéo. Nó hôi thối đến mức tôi buồn nôn. Chúng tôi đi thu lượm thức ăn thừa từ hàng xóm để cho lợn và gia cầm ăn. Mùi của nó rất kinh. Nhưng cho dù mùi của nó kinh khủng đến mấy, chúng tôi, bản thân tôi cũng vẫn làm việc thật sự chăm chỉ. Bà tôi là người kéo xe, để tôi ngồi bên trong. Giờ thì bà đã mất rồi."
Cũng bởi vậy, cái nghèo trở thành nguồn động lực để cậu bé Masayoshi Son chăm chỉ học hành và nung nấu quyết tâm thoát nghèo.
Năm 1972, khi 16 tuổi, ông có cơ hội gặp một trong những thần tượng của mình là Den Fujita - Nhà sáng lập McDonald Nhật Bản. Tại cuộc gặp gỡ này, Den Fujita đã khuyến khích Masayoshi Son tới Mỹ du học. Vậy là sau đó, ông nghe theo lời khuyên đến xứ sở cờ hoa tiếp tục học trung học và theo học tại Đại học California ở Berkeley. Cũng chính ở đây, ông đã bắt đầu con đường kinh doanh của mình khi thành lập công ty đầu tiên với sản phẩm là máy phiên dịch đa ngôn ngữ, sau đó bán cho hãng Sharp với giá 1 triệu USD.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Masayoshi Son quyết định quay trở lại Nhật Bản. Năm 1981, ông thành lập SoftBank với khởi điểm là một công ty phân phối phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn 2 nhân viên trong căn hộ chật chội ở Tokyo. Nhờ tận dụng được cơn sốt tiêu dùng ở quê nhà, công ty của ông nhanh chóng bành trướng và phát triển. Đến năm 1994, SoftBank Corp Nhật Bản được đổi tên thành SoftBank Corp với tham vọng trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Từng bước đưa tập đoàn này trở thành tập đoàn lớn mạnh nhất trong nước và tấn công vào thị trường quốc tế.
Tháng 3 năm 1994, SoftBank Holdings Inc được thành lập tại Mỹ với tham vọng đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan đến internet và công nghệ. Đến tháng 7 năm 1994, SoftBank chính thức chào bán cổ phiếu trên sàn OTC và được định giá 3 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ 2009 – 2014, vốn hóa thị trường của Softbank đã tăng trưởng tới 557% – mức tăng trưởng cao thứ 4 trong lịch sử toàn thế giới. Cũng từ năm 2014, Masayoshi Son đã trở thành tỷ phú giàu nhất Nhật Bản và được xếp vào top 40 tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới.
Trở thành 'ông trùm' công nghệ khiến Huawei lao đao
Nổi tiếng với phong cách đầu tư mạo hiểm với giá trị lớn, không ít lần, những quyết định táo bạo của tỷ phú này mang về cho Softbank khoản thu hàng tỷ USD nhưng cũng có khi gây ra những khoản thua lỗ không nhỏ.
Trong số những thương vụ đầu tư nổi tiếng của ông Son, người ta không thể nhắc đến cái tên Yahoo và Alibaba. Năm 1999, Softbank kết hợp với Yahoo của Mỹ sáng lập nên Yahoo! Japan Corporation. Trong hàng thập kỷ, Yahoo! Japan Corporation thống trị các dịch vụ internet tại Nhật Bản.
Lần đầu tư 20 triệu USD của ông vào Alibaba năm 2000 cũng đã giúp doanh nghiệp internet còn non trẻ này của đất nước tỷ dân trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Đến năm 2014, khoản đầu tư 20 triệu USD đó đã có giá trị 60 tỷ USD khi tập đoàn này chính thức IPO.
Năm 2013, SoftBank đạt được thỏa thuận mua lại Sprint Corporation với giá trị lên đến 22,2 tỷ USD. Năm 2013, Softbank thực hiện thương vụ mua lại 51% cổ phần SuperCell với giá 2,1 tỷ USD. Đến năm 2015, Softbank tiếp tục mua thêm 22,7% cổ phần của SuperCell. Đến năm 2016, SoftBank bán toàn bộ cổ phần SuperCell cho tập đoàn Tencent thu về 7,1 tỷ USD. Ngoài ra, SoftBank còn thực hiện nhiều thương vụ đầu tư hoặc mua lại như WeWork, Coupang, GungHo Online Entertainment, Fortress Investment Group,…
Được coi là 'gã điên' của giới đầu tư mạo hiểm, không ít lần quyết định của Masayoshi Son khiến nhiều doanh nghiệp khác phải lao đao, tiêu biểu nhất là màn tung đòn khiến đế chế Huawei Trung Quốc phải choáng váng vào năm 2019.
Trước đó, tháng 7/2016, Softbank gây bất ngờ với thế giới khi bất ngờ kế hoạch công bố thâu tóm hãng thiết kế chip xử lý ARM Holdings của Anh với giá 31,4 tỷ USD.
Không trực tiếp tham gia đầu tư, nhưng Softbank của tỉ phú Masayoshi Son lại có quan hệ hợp tác với Huawei khá khăng khít. Softbank đã dùng không ít thiết bị của Huawei trên hạ tầng mạng 4G. Tháng 7/2017, Softbank phát đi thông cáo báo chí cho hay đang có một loạt hợp tác với Huawei về 5G.
Tuy nhiên đến năm 2019, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm các công ty công nghệ Mỹ làm ăn với đối tác cách nửa vòng trái đất này. Tập đoàn Huawei bị một loạt đối tác đình chỉ hợp tác, mở màn là việc Google tạm ngưng cung cấp phần cứng và phần mềm đến một loạt tên tuổi khác của ngành bán dẫn, sản xuất chip như Qualcomm, Broadcom... cũng quyết định “nghỉ chơi” với Huawei.
Theo một số công ty nghiên cứu thị trường, những “đòn đánh” này chưa phải là “đòn triệt hạ” cho đến khi Tập đoàn ARM chuyên cung cấp thiết kế chip tạm ngưng hợp tác với Huawei. Hành động này trở thành một “đòn sấm sét” đe dọa đến sự sống còn mảng smartphone của Huawei. Ngày 29/5/2019, nhà mạng Softbank (Nhật) do tỉ phú Masayoshi Son kiểm soát, tuyên bố chọn Nokia và Ericsson làm nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng 5G. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei chính thức mất đi một khách hàng cực kỳ quan trọng là Softbank.
Là doanh nhân hiếm có của Nhật Bản
Không chỉ là người sáng lập và xây dựng nên một trong những tập đoàn thành công bậc nhất tại Nhật Bản, tỷ phú Masayoshi Son còn là doanh nhân sở hữu tính cách, tinh thần của những bậc thiên tài khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Ông được ví giống như Warren Buffett khi là một nhà quản lý quỹ với khối lượng vốn khổng lồ và mức lợi nhuận kỷ lục và khoản đầu tư vào Alibaba là một minh chứng cụ thể. Cũng giống như đồng sáng lập Apple Steve Jobs, ông cũng sở hữu bộ óc siêu việt của bậc thiên tài. Ông đã dự đoán internet sẽ là một lực lượng có khả năng thay đổi cả thế giới từ trước khi sự thật này được công nhận rộng rãi. Từ đó chứng minh kế hoạch đầu tư vào Yahoo của mình là đúng đắn.
Bên cạnh đó, Masayoshi Son còn được đánh giá là giống nhà sáng lập Virgin Group – Richard Branson – người thành lập Virgin Atlatic để cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia Anh. Ông cũng khởi nghiệp 2 công ty viễn thông tại Nhật Bản.
Năm 2001, trong bối cảnh tốc độ băng thông rộng chậm chạp ở Nhật, Son đã thuyết phục chính phủ thay đổi quy định trong ngành công nghiệp viễn thông.
Khi không có công ty nào khác muốn đối đầu với NTT - tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, Son đã tự mình lập nên một công ty cạnh tranh là Yahoo BB. Nhờ ông, hiện Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đường truyền băng thông rộng cao nhất trên thế giới và Yahoo! BB là một công ty sửa chữa đường dẫn hàng đầu nước này.
Có thể nói, rất khó để ai đó có thể tụ hội tất cả những điểm mạnh của cả 3 bậc vĩ nhân trong kinh doanh là Steve Jobs, Richard Branson và Buffett bởi bản thân họ cũng không có được lợi thế của nhau. Thế nhưng Masayoshi Son dường như có tất cả. Đó cũng là lý do mà người ta nhận định rằng Masayoshi Son chính là mẫu tỷ phú, doanh nhân hiếm có, trăm năm mới xuất hiện 1 người của Nhật Bản. Và những thành công mà vị tỷ phú này có được có lẽ cũng là điều khá dễ hiểu.
(Tổng hợp)