Doanh nhân Pháp 30 năm làm du lịch tại Việt Nam: “An toàn” đâu cần “đao to búa lớn”, đơn giản là áo phao không rách, đường cao tốc có nhà vệ sinh

22/10/2020 16:01 PM | Kinh doanh

Ngoài ra, để thúc đẩy việc mở cửa đón du khách ngoài, vị doanh nhân kiến nghị ngành du lịch Việt Nam có thể bỏ lệ phí cấp visa (hiện có giá 25 USD cho visa có giá trị một lần), thay vào đó là tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 có thu phí tại sân bay.

Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai tại Đà Nẵng, các chiến dịch kích cầu du lịch vốn đã khó khăn nay lại thách thức hơn. Bên cạnh những chương trình khuyến mãi, giảm giá thì thông điệp về an toàn luôn được nhắc đến hàng đầu. 

Thực tế, việc truyền thông hay các biện pháp du lịch an toàn hiện tập trung giải quyết tâm lý lo sợ do Covid-10 gây ra. Tuy nhiên, trong hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn" được tổ chức bởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một doanh nhân người Pháp đã có 30 năm làm việc và kinh doanh du lịch lữ hành tại Việt Nam cho rằng cần phải suy nghĩ đến các vấn đề khác khi chính phủ Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại. 

Thường xuyên làm việc với du khách nước ngoài, vị doanh nhân này hiểu rõ những vấn đề tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác “an toàn” của họ. 

“Một, khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế, ấn tượng đầu tiên của khách sẽ là người hướng dẫn. Hướng dẫn viên nếu mặc áo đồng phục của công ty thì sẽ giúp du khách có cảm giác yên tâm hơn.

Thứ hai, nếu được di chuyển trên chiếc xe bus sạch sẽ, an toàn thì cảm giác của khách cũng sẽ tốt hơn, hứng khởi trải nghiệm tour du lịch.

"Lúc xuống tàu ở Hạ Long, du khách phải mặc áo phao nhưng nhiều khi tôi thấy áo phao bị rách, không buộc được. Dù thời gian đi tàu chỉ 20 phút nhưng họ bắt buộc phải mặc, việc áo phao bị rách cũng sẽ làm "mất mặt" ngành du lịch.”

Doanh nhân Pháp 30 năm làm du lịch tại Việt Nam: “An toàn” đâu cần “đao to búa lớn”, đơn giản là áo phao không rách, đường cao tốc có nhà vệ sinh - Ảnh 1.

Doanh nhân người Pháp với hơn 30 năm làm việc tại Việt Nam, chia sẻ trong hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn".

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đó là giao thông Việt Nam. Du khách muốn đi bộ, muốn thăm phố cổ nhưng vỉa hè quá nhỏ, đa phần lại bị lạm dụng làm nơi để xe máy, xe đạp,...

Họ phải đi bộ ở trên lòng đường, như vậy có an toàn cho du khách của mình không? Nhiều khi tôi thấy tay của họ run run, không biết có dám đi không", vị doanh nhân người Pháp thắng thắn chia sẻ quan điểm.

Hay một câu chuyện khác, phát sinh trong bối cảnh ngày càng nhiều xe chở khách du lịch di chuyển trên hệ thống các đường cao tốc.

Ví dụ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ dài 100-150km hay Hà Nội - Lào Cai dài 250km nhưng trên đoạn đường đó có chỗ nào để khách có thể dừng lại và đi vệ sinh an toàn, sạch sẽ hay không? Chưa hề có. Đàn ông thì không có vấn đề nhưng phải suy nghĩ cho phái nữ.”

Nói cách khác, phải suy nghĩ đến sự an toàn cho du khách từ những chi tiết dù nhỏ và cơ bản nhất. 

Ngoài ra, để thúc đẩy việc mở cửa đón du khách ngoài, vị doanh nhân người Pháp kiến nghị ngành du lịch Việt Nam có thể bỏ lệ phí cấp visa (hiện có giá 25 USD cho visa có giá trị một lần), thay vào đó là tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 có thu phí tại sân bay. 

T.D

Cùng chuyên mục
XEM