Doanh nhân bị "ném đá" vì nói "90% người Việt ăn gạo bẩn": Như tôi là thẳng thắn, dám nhìn vào sự thật để thay đổi!

09/12/2020 14:32 PM | Kinh doanh

"Chúng ta cần mạnh dạn nói lên những tồn tại và làm việc tốt để cùng nhau thay đổi theo hướng tốt cho xã hội, vì mình không nói, không làm thì ai sẽ làm điều này?" - Ông Phạm Thái Bình nói khi được hỏi về cảm xúc sau những búa rìu dư luận.

"Tôi xin khẳng định 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn , có khi 90% là khiêm tốn".

Trong một buổi Hội thảo, phát ngôn nói trên của ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An "lên báo", vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Thậm chí, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lên tiếng và thể hiện sự bức xúc.

"Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo" – Vẫn là phát ngôn của ông Phạm Thái Bình.

Tuy nhiên sau đó, giải thích rõ ràng hơn với báo chí, ông Phạm Thái Bình cho biết, nội dung trên được ông trao đổi trong hơn một tiếng đồng hồ nhưng "nhà báo lại cắt khúc ra để gây sốt cộng đồng mạng, quy tội tôi". Ông Bình nói, gạo "bẩn" ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói và sử dụng như VietG.A.P, GlobalG.A.P hoặc Organic.

Sau phát ngôn 90% người Việt ăn gạo bẩn, ông cảm thấy thế nào trước "búa rìu dư luận"?

Có một số ít người và có cả một Báo phản ứng vì cho rằng tôi nói như thế sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng bạn thấy đấy xuất khẩu gạo của Việt Nam mấy tháng gần đây tăng rất mạnh, thậm chí hiện nay các doanh nghiệp không đủ gạo để xuất khẩu, còn người tiêu dùng trong nước đa số công nhận điều tôi nói là đúng và họ đã có thay đổi tư duy về sử dụng gạo ăn hàng ngày!

Gạo không có chứng nhận là gạo sạch thì rõ ràng là gạo bẩn. Có điều mỗi người nói khác nhau.

Một số kỹ sư nông nghiệp, trong đó có cả cấp Viện nói rằng: Chỉ nên nói là không an toàn, chứ không nên nói là bẩn. Vậy không an toàn là sao? Nhiều người rất đồng tình cho rằng nói như tôi là thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi!

Nhiều người tiêu dùng Việt Nam qua "sự kiện đó" đã giật mình, và họ đã xem lại cách sử dụng thực phẩm! Rõ ràng điều đó có lợi cho người tiêu dùng, có lợi cho đất nước, chứ không có hại. Chẳng qua chỉ vài người, có thể ảnh hưởng đến công việc của họ, hoặc họ không làm sạch vì khó và tốn kém chi phí thì họ không chấp nhận nói từ ngữ đúng nghĩa đó.

Hiện nay, người tiêu dùng trong nước và thế giới đòi hỏi rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Đảng và Chính phủ đang kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nông dân sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ. Do đó, tẩy chay vấn đề sản xuất bẩn là hoàn toàn chính đáng.

Ngay trong vụ Đông Xuân năm 2021 này, Công ty của tôi và nông dân ở các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã loại bỏ 100% thuốc Bảo vệ thực vật bằng hóa chất xuống đồng ruộng, với diện tích lên đến gần 2000 ha, tiến tới các vụ sau sẽ nhân rộng ra hàng mấy vạn ha để người tiêu dùng được sử dụng gạo sạch thật!

Sau phát biểu của tôi, xã hội ảnh hưởng rất tốt. Nhiều người tiêu dùng thông minh tham gia sử dụng sản phẩm sạch hơn.

Nếu có thể thay đổi phát ngôn đó, ông có sửa không?

Thực phẩm bẩn bị lên án cách đây nhiều năm rồi. Thực phẩm bẩn thì mình nói là bẩn. Không an toàn thì là bẩn. Tôi không thay đổi phát ngôn trên.

Chúng ta cần mạnh dạn nói lên những tồn tại và làm việc tốt để cùng nhau thay đổi theo hướng tốt cho xã hội, vì mình không nói, không làm thì ai sẽ làm điều này?

Đỗ Lan

Cùng chuyên mục
XEM