Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam: Lập cập khi chuyển đổi số

05/04/2019 16:15 PM | Kinh doanh

Tuy nhiên nếu nhìn trên bình diện rộng hơn, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Gần đây, Cisco đã cho ra mắt báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương", được thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Báo cáo nhấn mạnh rằng hơn 60% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu số hóa nhờ vào việc truy cập Internet được cải thiện và tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng. Họ đang tái định nghĩa trải nghiệm và mong đợi của khách hàng, thay đổi cách thức hoạt động, trong khi vẫn nắm bắt tốt các nguồn đầu tư và thúc đẩy nhiều cơ hội mới.

Tuy nhiên cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp trong khu vực, ngoại trừ Singapore, đều được xếp vào giai đoạn "Thờ ơ với kỹ thuật số". Giai đoạn này được định nghĩa là "khoảng thời gian mà các nỗ lực kỹ thuật số của doanh nghiệp dừng ở mức phản ứng với thay đổi của thị trường nhiều hơn là phát triển theo các phương thức chủ động".

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),…

Dù vậy báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam: Lập cập khi chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ về quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp Việt Nam

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang số hóa nhanh chóng, khai thác sức mạnh của công nghệ để mở rộng doanh thu đồng thời tiếp cận khách hàng ngày càng rộng hơn, vượt khỏi biên giới địa lý. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tập đoàn, họ sẽ thực sự thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo".

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị dưới đây để giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam:

1. Chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình: Đây không phải là một đua chạy nước rút mà là một cuộc chạy bộ đường dài. Các doanh nghiệp phải liên tục đánh giá mức độ phát triển của họ trên các khía cạnh kinh doanh và ưu tiên những sáng kiến chủ chốt để thu hẹp khoảng cách phát chuyển đổi số với doanh nghiệp khác.

2. Đảm bảo sự đồng thuận: Việc thay đổi có thể gặp nhiều khó khăn, vì vậy các doanh nghiệp cần đảm bảo sự đồng thuận từ các nhân viên và quản lý cấp cao. Họ cần xác định các nhân tố kỹ thuật số hàng đầu trong doanh nghiệp và sớm đưa vào quy trình chuyển đổi. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng những nhân tố này làm chất xúc tác cho văn hóa thay đổi bằng cách khuyến khích hợp tác, chia sẻ các câu chuyện thành công và chấp nhận những rủi ro được tính toán trước.

3. Tìm kiếm một đối tác tin cậy: Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi thực hiện chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số. Vì cậy, các doanh nghiệp nên tìm kiếm một đối tác công nghệ giàu kinh nghiệm, mang đến dịch vụ tư vấn và quản lý dự án bên cạnh các hiểu biết về công nghệ.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM