Doanh nghiệp Việt vừa xin dò tìm vàng trên diện tích hơn 16 km2 rừng làm ăn thế nào?
Doanh nghiệp này từng khai thác khoảng 7 tấn vàng ở Việt Nam.
Mới đây, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã xin cấp phép để tiến hành thăm dò và khai thác vàng trên diện tích 16,09 km2. Theo công văn của công ty này, công tác thăm dò khoáng sản vàng gốc được thực hiện trên diện tích 16,09 km2 ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), bao gồm: Đo vẽ bản đồ địa chất, công tác địa hóa, đo địa vật lý, dọn vết lộ, đào hào, trắc địa, khoan thăm dò bằng lỗ khoan.
Theo Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, việc đõ vẽ bản đồ địa chất, địa hóa, địa vật lý, dọn vết lộ, đào hào và trắc địa sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ đến đất mặt, đồng thời hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cây rừng ở khu vực triển khai rộng khoảng 14,23 km2.
Ngoài ra, chỉ có công tác khoan thăm dò, gồm 101 lỗ khoan, trong diện tích 1,86 km2 còn lại tại 3 khu vực là Trà Long – Suối Cây, K7 và Bãi Bướm thuộc các xã Phước Đức, Phước Xuân và Phước Năng (huyện Phước Sơn) là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên. Tuy nhiên, tác động trực tiếp ở diện tích nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cam kết với UBND huyện Phước Sơn chỉ tận dụng đường dân sinh, đường mòn, lối đi có sẵn để vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ khoan thăm dò khoáng sản (sau khi được cấp thẩm quyền cho phép khoan thăm dò); đồng thời không được tác động đến rừng tự nhiên hoặc mở các tuyến đường mới khi thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, trong quá trình thăm dò khoáng sản, nếu có nhu cầu tác động vào rừng như chặt cây rừng tự nhiên, san ủi, mở đường… thì phải lập các thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND huyện Phước Sơn xem xét phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế và có ý kiến về đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn gửi UBND tỉnh. Nhưng lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cho rằng, khu vực đề nghị cấp phép thăm dò có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, lên tới 99%.
Do phạm vi thăm dò vàng phần lớn nằm trong diện tích rừng tự nhiên, gây ra lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước đầu nguồn cũng như hệ sinh thái rừng… nên UBND huyện Phước Sơn không thống nhất đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực trên.
Nhưng đến ngày 29/8, huyện Phước Sơn lại đồng ý phương án thăm dò vàng gốc của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, kèm thêm điều kiện bảo vệ rừng và hệ sinh thái tự nhiên.
Doanh nghiệp muốn thăm dò vàng làm ăn ra sao?
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) được thành lập vào tháng 7/2008 và có trụ sở giao dịch tại thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Công ty này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác vàng.
Vào tháng 7/2014, sau khi cùng với Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (cũng thuộc Tập đoàn Besra) khai thác được khoảng 7 tấn vàng, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn vỡ nợ và phải ngừng hoạt động.
Đến tháng 7/2015, sau khi được cơ quan chức năng cho phép, Vàng Phước Sơn hợp tác với CTCP Vàng VACO, VietABank triển khai đề án tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp để dần từng bước phục hồi hoạt động sản xuất. Vào tháng 8/2016, công ty này hoạt động lại, nhưng đến cuối năm này lại thông báo dừng hoạt động.
Đầu năm nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được gia hạn giấy phép khai thác thêm 8 tháng tại mỏ vàng Đăk Sa.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn ghi nhận những chỉ tiêu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho, nợ ngắn hạn lần lượt là 434 tỷ đồng, 416 tỷ đồng và 147 tỷ đồng.
Trong năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn dù giảm từ 749 tỷ đồng xuống 700 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn có lãi với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 50,9 tỷ đồng (giảm sâu so với mức 177 tỷ đồng của năm 2022).
Theo tạp chí Nhà đầu tư, tuy có khoản lợi nhuận này nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho quãng thời gian dài thua lỗ triền miên vủa Vàng Phước Sơn. Tính đến ngày 31/12/2023, công ty này lỗ lũy kế lên tới 1.138 tỷ đồng. Ngoài ra, Vàng Phước Sơn còn có nhiều khoản nợ đáng chú ý về nợ thuế, nợ bảo hiểm.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Ban Tổng Giám đốc của Vàng Phước Sơn tin rằng, rủi ro thanh khoản không làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gần nhất, vào tháng 6/2022, vốn điều lệ của Vàng Phước Sơn ny là 1.340 tỷ đồng, do 3 thành viên góp vốn. Các cá nhân góp vốn bao gồm: Lương Thị Linh góp 306 tỷ đồng (22,836%), Nguyễn Thị Mừng góp 700 tỷ đồng (52,239%) và Nguyễn Đắc Quỳnh Anh góp 334 tỷ đồng (24,925%).