img

Ở tuổi 72, bà Phạm Chi Lan vẫn tất bật với những tham luận tranh biện tại các hội thảo trong nước và quốc tế cũng như những cuộc trả lời phỏng vấn. Thường xuyên làm việc với thời gian biểu bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc khi chuông đồng hồ điểm 12h đêm, ở tuổi lẽ ra cần được nghỉ ngơi, người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn giải thích: "Tôi là người Việt, tôi yêu đất nước mình, tại sao doanh nghiệp của mình lại phải chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà, tôi đang chiến đấu với nghịch lý đó!".

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 1.

Gần 50 năm gắn bó với việc nghiên cứu các doanh nghiệp Việt Nam, bà cảm nhận như thế nào về sự đổi thay từ lúc mở cửa cho đến nay?

Kể từ lúc Đổi mới đến nay đã hơn 30 năm, bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đã thay đổi hết sức cơ bản. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân Việt đã đi từ "Không" đến "Có".

Hình ảnh ban đầu của kinh tế tư nhân có thể hình dung là một con số 0 tròn trĩnh. Bởi sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu vực này không được thừa nhận tồn tại. Chỉ khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam mới có chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân.

Nhưng cũng phải đến 5 năm sau Đổi mới, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty mới được Quốc hội thông qua. Dù vậy, 2 luật đó cũng đầy sự trói buộc. Bất cứ doanh nghiệp nào ra đời cũng phải xin phép các cơ quan Nhà nước, thời gian hoạt động của doanh nghiệp cũng rất hạn chế, ngắn nhất chỉ là 3 tháng, dài hơn chút cũng chỉ được từ 1 – 2 năm.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 3.

Điều này đã khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn ở trên hai phương diện: thui mòn đi ý chí kinh doanh cũng như cũng như bất lợi trong việc tiếp cận nguồn lực. Họ sợ kinh doanh, không dám làm kinh doanh vì không biết nếu làm rồi sau đó không được cấp phép tiếp thì sẽ như thế nào.

Do đó, trong 10 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty xuất hiện, chỉ có khoảng 40.000 doanh nghiệp ra đời.

Bước nhảy vọt trong tư duy của lãnh đạo Nhà nước sau đó đã thay đổi tất cả. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, đi vào thực hiện năm 2000 đã thay đổi gần như bộ mặt của kinh tế tư nhân Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ 20.000 doanh nghiệp, rồi tăng thành 25.000 – 30.000 doanh nghiệp ra đời. Con số bây giờ thì vào khoảng 100.000 doanh nghiệp.

Quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng đồng thời gắn với quá trình hội nhập đất nước. Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, thực hiện năm 2000 cũng giúp Việt Nam vừa kịp bắt nhịp với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). Từ hiệp định này, các doanh nghiệp trong nước đã bừng tỉnh, lao ra bên ngoài để tìm kiếm cơ hội. Các nền kinh tế khác cũng nhân dịp này tìm hiểu vào thị trường gần 90 triệu dân này.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 4.

Đến năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO với rất nhiều cơ hội giao thương với 149 nền kinh tế còn lại được mở ra. Tất cả những điều này làm cho khu vực kinh tế tư nhân sống động hẳn lên, giúp cho khả năng phát triển kinh tế vượt trội.

Theo dòng chảy đó, kinh tế tư nhân đã dần khẳng định được mình. Từ việc không được thừa nhận, đến "bán" thừa nhận ở những ngày đầu, đến nay, khu vực này được nhấn mạnh là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Việt Nam giờ đã xuất hiện tỷ phú đô la là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo dù đất nước vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, chất lượng thấp. Riêng việc này chứng tỏ khu vực tư nhân nước ta đã có những bước phát triển như thế nào.

Sự thay đổi này một phần đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ của những người kinh doanh, một phần là nhờ vào những chính sách Nhà nước ngày càng cởi mở, thân thiện hơn với doanh nghiệp. Hệ thống luật pháp đã được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh. Thông qua đó, kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng nhiều cho kinh tế trong nước.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 5.

Trong dòng chảy của 30 năm đó, giai đoạn nào khiến bà có ký ức khó phai mờ?

Có lẽ là thời kỳ đầu rất gian nan của các doanh nghiệp khi họ bắt đầu được Nhà nước cho phép thành lập. Những doanh nhân của thời kỳ đấy đã chứng minh ý chí nỗ lực kinh khủng, sự bền gan, quyết tâm chấp nhận rủi ro để vượt lên.

Chính ở giai đoạn đầu này, khoảng những năm 1995 – 1996, đất nước đã có lứa doanh nghiệp đầu tiên mà sau này tên tuổi của công ty, người thành lập đã in dấu ấn sâu đậm. Đó là là công ty Huy Hoàng của ông Lê Văn Kiểm, Minh Phụng của ông Tăng Minh Phụng, Thái Tuấn của ông Thái Tuấn Chí, Cà phê Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Thiên Long của ông Cô Gia Thọ, Kinh Đô của ông Trần Kim Thành...

Lúc bắt tay vào làm, hầu hết những doanh nhân này không có nền tảng kinh doanh. Nhưng với tố chất sẵn có, họ đã vừa học, vừa làm, và sáng tạo ra những cái mới. Ví dụ như Cà phê Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa ra hình ảnh đầu tiên của kinh doanh theo chuỗi nhượng quyền tại Việt Nam dù người sáng lập xuất thân là dân Y khoa. Phải đến sau này khi Lý Quý Trung được đào tạo bài bản ở Úc về mở chuỗi Phở 24 và viết những cuốn sách đầu tiên thì kiến thức nhượng quyền thương hiệu mới được hệ thống bài bản.

Thế hệ đầu tiên cũng là những người đi ra từ trong vất vả, khó khăn. Ông chủ Kinh Đô bắt đầu với công việc vác bột mỳ cho chủ lò bánh, về sau được người ta thương tình dạy nghề rồi khởi sự với một cửa hàng rất nhỏ. Ông Cô Gia Thọ của Thiên Long cũng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách bán bút bi dạo.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 6.

Tôi không bao giờ có thể quên được những doanh nhân ấy bởi họ là những người đầu tiên bước ra thương trường đầy quả cảm bởi rủi ro, nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng như chuyện của ông Tăng Minh Phụng.

Những sai phạm của ông Tăng Minh Phụng khiến ông chịu án tử hình. Bản án của ông đã để lại nhiều đau đớn với tôi cũng như những người quan tâm đến số phận của doanh nghiệp Việt. Nhưng nếu không có những con người, sự việc như vậy thì chúng ta không có nền kinh tế như hiện nay. Bởi lẽ, từ những bất cập, những lỗ hổng cũng như rủi ro pháp lý mà thế hệ tiên phong đã gánh lấy đã khiến cho nhưng lãnh đạo Chính phủ có tư duy cải cách mạnh mẽ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã cố gắng hết sức tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, tốt đẹp hơn.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 7.

Những doanh nghiệp F1 ngày đấy đã truyền lửa kinh doanh sang thế hệ F2. Ví dụ như gốm sứ Minh Long hay giày dép Bitis với những người thừa kế như Lý Huy Sáng, Vưu Lệ Quyên... Đấy là dòng chảy quả cảm từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bà vừa nhắc việc chuyển giao kinh doanh từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai ở một số doanh nghiệp, nhưng sự giao thời này dường như cũng gặp những khó khăn nhất định bởi xung đột giữa trẻ và già, cũ và mới?

Tất yếu thôi, vì thời kỳ đầu những người tiên phong đã gặp phải những vất vả kinh khủng, đối mặt với rủi ro, thậm chí là mất mát về tính mạng. Chuyện của ông Tăng Minh Phụng là chuyện của những ai từng làm doanh nghiệp ở Việt Nam không được phép quên và cũng không thể quên được.

Nó đã thành phản ứng khiến cho nhiều doanh nhân trở nên dè dặt, thận trọng đáng kể. Họ luôn mang trong mình nỗi sợ môi trường kinh doanh với môi trường pháp lý chưa được hoàn chỉnh lại thêm một bộ phận công chức vừa hạn chế về tâm cũng như tầm, không như tinh thần của Chính phủ ở cấp cao nhất. Điều này đã hình thành cơ chế mà như mọi người hay đùa hành chính tức "hành là chính".  

Do vậy, phản xạ của lớp người cũ là điều dể hiểu. Nhưng chính lãnh đạo của thế hệ này cũng là những người chịu khó học hỏi. Họ hiểu được sự thay đổi của thời đại không chỉ ở công nghệ mà còn ở hệ thống quản trị. Họ cũng chấp nhận và có niềm tin ở thế hệ trẻ hơn.

Ở chiều ngược lại, những doanh nhân trẻ cũng thông cảm cho lớp cha anh đi trước. Họ vừa học hỏi tiền bối, vừa thuyết phục và chứng minh năng lực của bản thân. Điều này thể hiện rất rõ ở doanh nghiệp gốm sứ Minh Long hay Bitis.

Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều sự tiếp nối, kế thừa để dòng máu, nhiệt huyết kinh doanh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy Việt Nam mới có thể có được những doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm như các nước.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 8.

Nhưng có một sự thật là doanh nghiệp Việt rất khó để lớn nhưng một khi đã lớn được, phát triển được, nhiều doanh nghiệp lại bị bán đi bởi chính người sáng lập...

Đấy cũng là nỗi đau mà tôi quan sát được hiện nay. Ngoài những doanh nghiệp gia đình như tôi đã kể trên có sự tiếp nối thì nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, dù có sự phát triển rực rỡ nhưng không thể duy trì được và phải "bán mình". Đấy thực sự là điều đáng tiếc.

Thực tế, trong số hàng vạn doanh nghiệp ra đời mỗi năm, có khoảng vài trăm doanh nghiệp nổi trội. Bắt đầu tư những công ty rất nhỏ, rồi trở thành công ty với quy mô vừa, tương đối lớn, rồi rất lớn, được định giá cao.

Nhưng tiếc là trong mấy năm gần đây, môi trường kinh doanh đã trở nên khó khăn quá đối với doanh nghiệp, nhất là khi lớn đến một quy mô nhất định sẽ hết sức khó để vượt lên. Những bất cập này đến từ sự bất bình đẳng rất lớn giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả những doanh nghiệp tư nhân nhưng thân hữu.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 9.

Sự phân bổ nguồn lực, sự ưu đãi đến bất hợp lý giữa các nhóm này và tiếng kêu của doanh nghiệp tư nhân để cải thiện mãi không được giải quyết khiến cho doanh nghiệp tư nhân dần bị "bóp chết". Thêm vào đó, chi phí tăng lên, sự đuối sức trong cạnh tranh với nước ngoài ngày một nhiều, họ đành chấp nhận bán mình. 

Tôi tin, tự đáy lòng, không một doanh nhân nào muốn như vậy, nhất là những người đã từng thành công khi gây dựng công ty. Hơn ai hết, họ khát khao muốn thành công tiếp nối, sự nghiệp được chuyển tiếp, có thế hệ sau kế thừa. Họ cũng rất bất bình khi bao nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội nhưng chính bản thân lại không có "cửa" để phát triển, phải ra đi tìm cơ hội ở đất nước khác.

Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan Nhà nước phải thực sự xem xét về chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước, cần tách bạch giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chứ đừng trộn lẫn trong một cụm từ kinh tế tư nhân nói chung.

Tôi nhấn mạnh không một nước nào phát triển nhờ ngoại lực cả, tất cả phải nhờ nội lực của đất nước đó.  

Theo bà đâu là điểm nghẽn lớn nhất đối với kinh tế tư nhân Việt Nam?

Tôi cho rằng tư duy về kinh tế trong bộ máy của Nhà nước chưa ổn. Những người quản lý vẫn muốn can thiệp sâu và rộng đối với doanh nghiệp, thị trường. Người ta không thực sự hiểu khái niệm "Nhà nước kiến tạo" mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều lần kể từ khi ông nhậm chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn lưu ý thêm về khái niệm "Nhà nước liêm chính, phục vụ". Những khái niệm này đã được người tiền nhiệm đưa ra và thực hiện trong 2 năm cuối nhiệm kỳ trước nhưng chưa được bao nhiêu nay đượcchú trọng hết sức. Không chỉ dừng lại ở tuyên bố, Thủ tướng Phúc hiểu rõ cần phải có hành động.

Thủ tướng đã thiết lập ra Tổ công tác của Thủ tướng với 11 thành viên, đứng đầu là Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong đó nhấn mạnh việc thực thi Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 10.

Tinh thần của Người đứng đầu Chính phủ là như vậy nhưng các cấp thấp hơn có lẽ chưa thấm nhuần được. Hệ quả của nó là số điều kiện kinh doanh "đẻ" ra đến hơn 5.200 điều kiện.

Thời thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi cố gắng giảm số giấy phép con từ 400 cái xuống còn hơn 200 – lúc ấy vẫn bị coi là nhiều. Sau đó có sự thay đổi, các bộ ngành tìm cách khôi phục lại những điều kiện này nhưng đến mức như hiện nay.

Doanh nghiệp thực sự rất bực vì một mặt Chính phủ tuyên bố rất mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng hầu hết các cấp thừa hành lại không tuân thủ mà làm ngược lại, gây nên bao khó khăn. Chính phủ ra sức tháo gỡ nhưng không tháo nổi vì chính cấp dưới thắt thêm nhiều nút. 

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 11.

Vì sao lại có hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" thưa bà?

Thứ nhất đó là kỷ luật không nghiêm. Chính những người trong hệ thống Nhà nước lại không tuân thủ pháp luật. Từ việc bản thân không tuân thủ làm họ nghi ngờ doanh nghiệp cũng như mình rồi từ đó "đẻ" thêm các công cụ để giám sát, thanh kiểm tra. Chính những việc này khiến cho tiêu cực bùng lên không chặn được. Doanh nghiệp bức bối quá vì cảm thấy cứ làm theo luật định họ sẽ không tồn tại được nên phải "lách".

Nhưng khi lách, vi phạm luật, như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói thì doanh nghiệp đã trở thành "con tin" của các công chức Nhà nước, rơi vào vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

Đổi mới, theo tôi là phải có cơ chế đổi thay, giám sát những người thừa hành, chứ không chỉ là những tuyên bố mạnh mẽ từ những người đứng đầu rồi bị lờ đi như hiện nay.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Từ số 0 đến những tỷ phú đô la qua ký ức của chuyên gia Phạm Chi Lan - Ảnh 12.

Thứ hai, hiện Nhà nước đang có vai trò quá lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là quyền phân bổ nguồn lực nên cơ chế xin – cho kéo dài suốt từ thời kỳ kế hoạch hoá tập trung đến nay vẫn còn nặng kề. Trong quá trình Đổi mới có sự tự do hoá một số thị trường nhưng một số thị trường nhân tố cơ bản vẫn trong tay Nhà nước.

Từ sự bất cập này đã hình thành nên những nhóm doanh nghiệp thân hữu, phát triển lệch lạc mà sự giàu có của những doanh nghiệp này trả giá bằng sự nghèo đi tương đối của đa phần dân số. Trong khi đó, những doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục gặp khốn khó vì thiếu nguồn lực.

Điểm nghẽn lớn nhất lại nằm ở tư duy vốn không dễ để ngay lập tức thay đổi, theo bà, những nút thắt nào có thể giải quyết ngay trước mắt?

Chúng ta nên bám theo 2 Nghị quyết quan trọng của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra. Đó là Nghị quyết 19 với các vấn đề hàng năm cần giải quyết. Năm nay, Nghị quyết 19 đưa ra 256 biện pháp chỉ thị rõ từng Bộ ngành cơ quan liên quan cần làm gì. Bám theo cái đó để thực hiện sẽ giải quyết được những câu chuyện hàng ngày gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn căn cơ hơn nữa là Nghị quyết 35 với 10 nguyên tắc về quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Ví dụ như Chính phủ cam kết không hình sự hoá các hoạt động kinh tế, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh. 10 cam kết đó là đúng theo nguyên tắc Nhà nước với thị trường mà các nước khác đã áp dụng. Nếu thực hiện được thì hệ thống thị trường của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh.

Chính phủ vừa mới thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với sự tham gia của nhiều doanh nhân nổi tiếng, bà nghĩ sao về điều này?

Tôi hoan nghênh ý tưởng này vì một nền kinh tế đông doanh nghiệp với số lượng lên đến hơn nửa triệu cần phải có được trung tâm kết nối với những doanh nghiệp lớn làm đầu tàu. Nguyên lý ở các nước khác cũng vậy.

Hiện ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn nhưng một số lượng không nhỏ đang ở mảng bất động sản, do vậy cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh, mở rộng ra để có nhiều hơn những doanh nghiệp chế biến chế tạo, tiếp cận mạnh hơn với công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, đã là Ban nghiên cứu cần thì cần phải có sự nghiên cứu sòng phẳng, đưa ra lấy ý kiến của mọi người, nhất là những người ở khu vực kinh tế tư nhân, chứ không được quyền biến báo tiếng nói của Ban thành tiếng nói của khu vực tư nhân hay nhân danh khu vực này nhằm lobby chính sách.

Tham gia vào Báo cáo Việt Nam 2035: "Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", vậy diện mạo của doanh nghiệp tư nhân trong tâm trí bà ở thời điểm 2035 sẽ như thế nào?

Tôi trông đợi thế hệ doanh nhân tiếp theo của Việt Nam sẽ thực hiện được những mục tiêu của Việt Nam 2035: biến Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao, các ngành kinh tế phát triển tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh nhất, có thể cạnh tranh toàn cầu, nâng cấp nền kinh tế. Việt Nam lúc này cũng có một hệ thống kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Phương Ánh
Kiên Trần
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ13/10/2017

Trí thức trẻ