Doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn: Vietinbank Capital nắm 94% vốn, quản lý 2 triệu m2 đất nhưng thua lỗ triền miên
Doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn: Vietinbank Capital nắm 94% vốn, quản lý 2 triệu m2 đất nhưng thua lỗ triền miên
Ngày 7/6, CTCP Đầu tư PV-Inconess đã nhận được quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán RGC , khởi nguồn logo của công ty – Royal Golf Club. PV-Inconess cũng trở thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sân Golf đầu tiên được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, không như tưởng tượng của nhiều nhà đầu tư khi nhắc đến một lĩnh vực kinh doanh dành cho giới thượng lưu, PV-Inconess liên tục thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động dù quy mô vốn điều lệ gần 900 tỷ đồng.
Năm 2016, RGC báo lỗ 13,4 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với khoản lỗ gần 4 tỷ đồng cùng kỳ 2015, dù doanh thu đã tăng 12% lên 46,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do RGC kinh doanh dưới giá vốn với khoản lỗ gộp gần 3 tỷ đồng, chưa tính tới các khoản chi phí phát sinh trong năm.
Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016 của công ty hơn 78 tỷ đồng, tương đương gần 9% vốn điều lệ (891 tỷ đồng). Theo kế hoạch được HĐQT đưa ra trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên mới đây, RGC tiếp tục đặt kế hoạch thua lỗ trong 2 năm 2017 và 2018. Theo đó, nếu kế hoạch này được thực hiện, khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 sẽ tăng lên 106,4 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 2007, PV-Inconess ban đầu với vốn điều lệ 250 tỷ đồng do 5 thành viên góp vốn, trong đó CTCP Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư (Inconess) góp 50%, cùng một số đối tác khác như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Tổng công ty Sông Hồng, Công ty tài chính Dầu khí…
Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, VietinBank Capital đã bắt đầu quá trình thâu tóm doanh nghiệp này với việc gom cổ phần từ các cổ đông, tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ và nhận cổ phần cấn trừ nợ. Hiện VietinBank Capital nắm giữ tới 93,6% cổ phần của PV Inconess.
Tuy vậy, trong báo cáo tài chính của cả VietinBank Capital và công ty mẹ là Ngân hàng VietinBank đều không ghi nhận khoản đầu tư nào có liên quan đến PV-Inconess. Theo đó, nhiều khả năng đây chỉ là khoản đầu tư do VietinBank Capital nhận ủy thác đứng tên từ nhà đầu tư khác. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, VietinBank Capital đang nhận ủy thác gần 2.700 tỷ đồng từ nhà đầu tư trong nước. Khoản mục này của công ty đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2013 đến nay.
Mặc dù không được ghi nhận là công ty con của Vietinbank nhưng ngân hàng này có 4/5 đại diện trong Hội đồng quản trị và 5/5 đại diện trong ban kiểm soát. Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Vietinbank – hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của PV-Inconess.
Mặc dù liên tục thua lỗ, tuy nhiên nguyên nhân của khoản lỗ trải dài qua các năm là do PV-Inconess thực hiện vốn hóa chi phí lãi vay phát sinh trước đó (khoản nợ đã được cấn trừ bằng phát hành riêng lẻ năm 2015) và thay đổi thời gian khấu hao để chuyển khoản chi phí san đều sang các năm sau.
Theo bản giới thiệu của doanh nghiệp này, PV-Inconess đang sở hữu danh mục bất động sản hơn 2 triệu m2 tại Ninh Bình, tập trung tại 2 dự án lớn bao gồm Dự án Trung tâm Liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng và dự án khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Thái – cả 2 dự án đều nằm ở địa bàn huyện Yên Mô, Tam Điệp, Ninh Bình.
Đến nay, RGC đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 tại quần thể dự án hồ Yên Thắng với sân Golf 18 lỗ đầu tiên (150 tỷ) và công trình Nhà câu lạc bộ Golf Hoàng Gia (107 tỷ đồng). Giá trị xây dựng dở dang tính đến cuối năm 2016 còn hơn 240 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với đầu năm.
PV-Inconess cũng là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có cơ cấu tài chính không vay nợ. Gần 930 tỷ đồng tổng tài sản của công ty – chiếm hơn một nửa là tài sản cố định, được tài trợ gần như hoàn toàn bằng vốn chủ sở hữu, trong khi phần nợ phải trả gần 116 tỷ đồng chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn (90 tỷ đồng).