Doanh nghiệp phải rất thận trọng trong việc xem xét có đang thực sự sử dụng trí tuệ nhân tạo hay không

12/08/2019 10:21 AM | Công nghệ

“Hiện nay đa số các startup đều nói mình ứng dụng công nghệ AI. Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy. Hầu hết các công ty và ngay cả Smartly chủ yếu là ứng dụng công nghệ tự động hóa. Chỉ 1% các startup trên thế giới đang sử dụng công nghệ AI”, ông Keir Veskivali, người sáng lập Smartly Pte nhấn mạnh tại buổi Họp báo Công bố Hội nghị Công nghệ - Tech Summit 2019.

Theo ông Keir Veskivali, chỉ 1% các startup trên thế giới đang sử dụng công nghệ AI. Cho nên chúng ta phải rất thận trọng trong việc xem xét doanh nghiệp mình có đang sử dụng trí tuệ nhân tạo hay không.

Đối với lĩnh vực tài chính hiện nay, việc các startup hiện đang sử dụng cụm từ AI để dễ marketing và xây dựng thương hiệu. Còn thực sự để ứng dụng được công nghệ AI thì nó cần một sự đầu tư rất nhiều. Việc các doanh nghiệp startup xây dựng quy trình hoàn toàn tự động hóa chỉ là bước đầu tiên của AI. Thị trường tài chính Việt nam hiện nay, dữ liệu chưa đủ nhiều để ứng dụng AI. Nguồn vốn và Data là 2 thách thức lớn nhất cho các startup ứng dụng công nghệ AI.

Doanh nghiệp phải rất thận trọng trong việc xem xét có đang thực sự sử dụng trí tuệ nhân tạo hay không - Ảnh 1.

Theo nhà sáng lập Smartly Pte, nguồn vốn và Data là hai thách thức lớn nhất của các startup

“Thực tế thì rất khó để biết AI sẽ ở đâu sau 10 hay 20 năm nữa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, AI hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới. Và các doanh nghiệp để tăng doanh thu thì cần phải áp dụng công nghệ phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất.”, ông Keir Veskivali nhấn mạnh.

Ông David Lang, người đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc và hiện là tư vấn chiến lược tại Yellow Blocks cho biết, chuyển đổi số đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất là tư duy lãnh đạo, thứ hai là mô hình tổ chức doanh nghiệp và cuối cùng là công nghệ. Trong đó, công nghệ là công cụ quyền năng nhất giúp doanh nghiệp tăng doanh thu. Song việc tích hợp các công nghệ như Blockchain vào hệ thống hiện tại của doanh nghiệp như thế nào thì không phải dễ dàng.

Ông David Lang dẫn ví dụ về sự tăng trưởng giá trị vốn hóa mạnh mẽ của Microsoft trong 7 năm qua lên tới 1,2 nghìn tỷ USD hiện nay là nhờ việc công ty này chuyển sang chiến lược điện toán đám mây. Hiện nay, Microsoft đang là công ty có thị phần điện toán đám mây lớn thứ 2 toàn cầu. Với Việt Nam, đây là miếng bánh thị trường tiềm năng do độ phủ điện toán đám mây ở Việt Nam chưa nhiều.

Theo các chuyên gia, thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, dẫn dắt hành vi và thay đổi phong cách sống hằng ngày của nhân loại. Việt Nam đang chuyển mình đáng kể trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội mà trong đó, yếu tố công nghệ đóng vai trò then chốt. Tác động của công nghệ đã dẫn đến sự thay đổi của nhiều mô hình kinh doanh truyền thống, hình thành những mô hình, ý tưởng kinh doanh mới, cũng như các nền tảng kinh tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh chỉ mới là bước đầu của các doanh nghiệp hiện nay, cần có những bước đi dài hạn hơn để tạo hiệu quả.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM