Doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE trở lại khi nghẽn lệnh được cải thiện

04/06/2021 19:02 PM | Kinh doanh

HoSE công bố nhận hồ sơ niêm yết của 3 doanh nghiệp trong tháng 5 gồm Đầu tư Nhãn hiệu Việt, Đất Xanh Services và Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả.

Trong 4 tháng đầu năm, trước tình trạng “nghẽn lệnh” hệ thống giao dịch, hoạt động niêm yết mới dường như bị đứng lại. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) không thông báo nhận được bất cứ bộ hồ sơ niêm yết nào.

Một vài trường hợp vẫn được niêm yết mới và đưa vào giao dịch do HoSE đã cấp quyết định từ tháng 12/2020 như cổ phiếu HHP của Giấy Hoàng Hà Hải Phòng, VCA của Thép Vicasa – Vnsteel, AAT của Tiên Sơn Thanh Hóa, SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông…

Đồng thời, để giảm tình trạng nghẽn lệnh cho hệ thống HoSE, hàng loạt cổ phiếu đã được tạm thời chuyển sang giao dịch trên HNX như BBC, SSC, NSC, ABT, VND, QBS, THI… Tính đến cuối tháng 5, tổng cộng đã có 14 cổ phiếu được chuyển giao dịch từ HoSE sang HNX.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE trở lại khi nghẽn lệnh được cải thiện - Ảnh 1.

HoSE thông báo nhận 3 hồ sơ niêm yết trong tháng 5.

Vào cuối tháng 3, trả lời nhà đầu tư về việc niêm yết mới trên HoSE, Bộ Tài Chính cho hay Sở đã không tiếp nhận hồ sơ niêm yết mới. Trong khi đó, công văn hướng dẫn giảm nghẽn thị trường chứng khoán được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố ngày 9/4 cho biết doanh nghiệp vẫn có thể nộp hồ sơ niêm yết HoSE nhưng cổ phiếu sẽ được giao dịch trên HNX và chuyển về HoSE sau khi tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết mà không xét lại hồ sơ.

Đến tháng 5, Sở liên tiếp thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết của 3 doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty Đầu tư Nhãn hiệu Việt nộp hồ sơ niêm yết 20 triệu cổ phiếu vào ngày 7/5. Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch UPCoM từ 2018 và nay muốn niêm yết trên HoSE.

Đầu tư Nhãn hiệu Việt tiền thân là CTCP Chế biến Gỗ Kiến An được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở là xí nghiệp sản xuất gỗ Kiến An – Gia Lai với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất đồ gỗ đa năng gia dụng. Qua quá trình phát triển, doanh nghiệp đã chuyển đổi với 3 trọng tâm kinh doanh là truyền thông số hóa, đầu tư nhãn hiệu và đầu tư hệ thống kênh bán lẻ.

Sau đó, HoSE thông báo nhận hồ sơ niêm yết 358 triệu cổ phiếu của Công ty Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, DXS) – công ty con phụ trách mảng dịch vụ của Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) vào ngày 14/5. Doanh nghiệp này vừa hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với số lượng 71,56 triệu cổ phiếu, tương đương 22% vốn điều lệ phát hành.

Tới ngày 25/5, HoSE nhận thêm hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả. Doanh nghiệp chuyển giao dịch 267,4 triệu cổ phiếu từ UPCoM sang HoSE. Phương án hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để niêm yết HoSE vừa được kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của đơn vị thông qua vào cuối tháng 4.

Hồ sơ niêm yết đổ về Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM trở lại trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh hệ thống có chuyển biến tích cực. Trước đây, khi HoSE giao dịch vượt quá 10.000 tỷ đồng thì diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao dịch và khối lượng giao dịch khớp lệnh bị giới hạn quanh 14.000-15.000 tỷ đồng mỗi phiên. Song, kể từ phiên ngày 12/4, HoSE bắt đầu ghi nhận những phiên giao dịch trên 18.000-19.000 tỷ đồng.

Dù có cải thiện nhưng HoSE vẫn phải dừng giao dịch phiên chiều ngày 1/6 khi giao dịch buổi sáng vượt 21.700 tỷ đồng dẫn đến tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Các phiên sau đó với sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán trong việc dừng sửa, hủy lệnh giúp giá trị khớp lệnh của thị trường thiết lập kỷ lục mới. Điển hình như phiên ngày 3/6, khớp lệnh kỷ lục trên HoSE lên đến hơn 27.700 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE cho biết khi thanh khoản và số lượng lệnh tăng cao đã tiếp tục tạo áp lực rất lớn cho hệ thống HoSE. Giải pháp tạm ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 là ngoài mong muốn, vì an toàn chung của hệ thống trên HoSE.

Lãnh đạo Sở cũng thông tin dự án hệ thống dự phòng phối hợp cùng FPT đang được triển khai theo đúng lộ trình đề ra và bước vào các khâu cuối cùng. HoSE và FPT cũng đã phối hợp với các thành viên thị trường “test” chức năng cho hệ thống và diễn ra khá trôi chảy.

Hệ thống mà HoSE và FPT đang xây dựng kỳ vọng sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh hiện nay, vì hệ thống được thiết kế với năng lực nhận lệnh nhiều hơn hiện nay rất nhiều. Nếu theo đúng tiến độ và không có rủi ro lớn, lãnh đạo HoSE kỳ vọng FPT có thể bàn giao hệ thống vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm được hệ thống này vào vận hành.

Bên cạnh các hồ sơ niêm yết mới nhận trong năm nay thì HoSE còn danh sách 9 tổ chức đã nộp hồ sơ từ cuối năm trước. Trong đó, một số đơn vị nổi bật như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB ), Ngân hàng TMCP Nam Á (UPCoM: NAB)…

Doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết HoSE trở lại khi nghẽn lệnh được cải thiện - Ảnh 2.

Nguồn: HoSE

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch niêm yết mới hoặc chuyển sàn sang HoSE như EVNGenco 3 ( UPCoM: PGV ), Viettel Construction ( UPCoM: CTR ), Viettel Post ( UPCoM: VTP ), Khải Hoàn Land…

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 5, ban lãnh đạo EVNGenco 3 cho biết việc chuyển sàn sẽ được thực hiện trong năm 2021 hoặc sau khi tình trạng "nghẽn lệnh" của hệ thống HoSE được giải quyết.

Trong khi đó, Khải Hoàn Land vừa tổ chức thành công chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với khối lượng 16 triệu cổ phiếu, giá trị thu về gần 231 tỷ đồng trong tháng 4.

Ngọc Điểm

Từ khóa:  niêm yết , HoSE
Cùng chuyên mục
XEM