Doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh '3 tại chỗ' để đảm bảo sản xuất
Gần 70% doanh nghiệp thuỷ sản khó thực hiện “3 tại chỗ” nên đã ngưng sản xuất và nhiều doanh nghiệp các ngành sản xuất khác cũng gặp khó trong thực hiện phương án này. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng đã kiến nghị về việc điều chỉnh phương án "3 tại chỗ" (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy) để phù hợp hơn trong sản xuất.
Nhiều vướng mắc
Để đảm bảo sản xuất trong lúc dịch COVID-19 lan rộng ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp chọn mô hình "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với những khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, quy mô của doanh nghiệp may rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ". Rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng lo chỗ ăn, ở, ngủ cho cả nghìn người lao động nên chỉ có thể vận hành "ba sản xuất" cho các bộ phận cần thiết để không mất đơn hàng cho mùa vụ tới. Còn doanh nghiệp sợi, dệt thì có thể vận hành theo mô hình này vì số lượng lao động ít hơn.
Chủ tịch Vitas cho biết thêm, việc thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng gặp nhiều khó khăn vì 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện cấp độ phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi điểm đến đều phải đi qua các trạm kiểm soát dịch COVID-19 trong khi không có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất của các địa phương về yêu cầu đối với người lao động qua chốt.
Do đó, từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất.
"Với giả thiết tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngay từ tháng 8 để khôi phục sản xuất, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm cũng chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Hầu như không doanh nghiệp dệt may nào dám nghĩ đến khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả trong năm 2021 này", ông Vũ Đức Giang nói.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT báo cáo về việc chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ". 70% doanh nghiệp thuỷ sản khó thực hiện 3 tại chỗ nên đã ngưng sản xuất.
Theo VASEP, dù hoạt động được nhưng các doanh nghiệp đáp ứng "3 tại chỗ" cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất, vì chi phí tăng vọt. Cùng với đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 -50% so với trước đây. Vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. VASEP và các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong ngắn hạn, chỉ có thể kéo dài 2 - 3 tuần với các doanh nghiệp quy mô vừa, các doanh nghiệp lớn hơn cũng chỉ duy trì được tối đa 4 - 5 tuần.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa tổ chức buổi trao đổi trực tuyến với các hiệp hội và doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo để lắng nghe, tiếp thu ý kiến tìm ra giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn lớn nhất trong việc triển khai "3 tại chỗ" là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn. Ngoài ra, quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện "3 tại chỗ" làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.
Kiến nghị tháo gỡ
Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, liên quan đến quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", doanh nghiệp kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Theo đó, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).
Doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia "3 tại chỗ" giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia "3 tại chỗ".
Bên cạnh câu chuyện sản xuất "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Ngoài ra, cần có quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh), tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.
Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, ở góc độ phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp kiến nghị cần đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (tại điểm n mục 3 phần III) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine theo điểm g mục 3 phần III của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021 – 2022.
Trong nhóm doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Bên cạnh đó, cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.