Doanh nghiệp địa ốc rục rịch phát hành trái phiếu trở lại sau thời gian “vắng bóng”
Sau một tháng thị trường “sạch bóng” doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu thì trong tháng 5 đã ghi nhận sự trở lại của một số doanh nghiệp với số lượng khá khiêm tốn.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu tháng 5 đến ngày 27/5 ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và 28 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 15.681 tỷ đồng.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát hành riêng lẻ trở lại nhưng số lượng còn khiêm tốn. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động nhiều nhất là 300 tỷ đồng; Bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ngày 12/5; hay Công ty cổ phần Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng chia làm 2 đợt.
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp bất động sản là Văn Phú INVEST và Hội An INVEST, trước đó cũng có một số đợt phát hành vào thời điểm cuối tháng 4 (28-29/4) và được cập nhật công bố trong kỳ.
So với tháng 4 không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu thì đây là tín hiệu hết sức tích cực cho thấy thị trường trái phiếu riêng lẻ chưa hề “đóng cửa” với các doanh nghiệp địa ốc sau sự kiện Tân Hoàng Minh và nhất những chính sách kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, chứng khoán), cùng với đó kế hoạch rà soát, thanh kiểm tra các công ty tài chính, kiểm toán, yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về trái phiếu riêng lẻ…
Sự trở lại đầy dè dặt và khiêm tốn của các doanh nghiệp địa ốc trên thị trường trái phiếu đã được dự báo trước đó. Chuyên gia của VNDirect dự báo, trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trầm lắng trong một đến hai quý tới do thị trường đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (Ngân hàng, công ty bảo hiểm) cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Cũng về vấn đề phát hành trái phiếu thời gian vừa qua, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ với báo chí, không thể vì một vài vi phạm của doanh nghiệp mà siết chặt sự phát triển của cả một thị trường. Thậm chí, ông cho rằng các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã là quá nhiều, cần phải được lược bớt để thị trường này phát triển hơn, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Để thị trường này đi đúng, ông Đức cho biết cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định 153/2020, để vừa quản lý hiệu quả nhưng không kìm hãm sự phát triển của thị trường. Để làm được điều này, vị luật sư cho rằng cơ quan quản lý cần tập trung vào 2 vấn đề chính là bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và công khai thông tin doanh nghiệp phát hành.
Sau những lo ngại về việc “siết” tín dụng quá mạnh vào bất động sản, cùng lúc đó là thị trường trái phiếu sẽ làm đứt gãy nguồn vốn vào thị trường bất động sản. Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định, NHNN không có chủ trương siết hay khóa tín dụng bất động sản, chỉ hạn chế/ kiểm soát với bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng, và có chính sách khuyến khích vốn cho nhà ở xã hội và thu nhập thấp… Một số doanh nghiệp địa ốc vẫn hy vọng sẽ có những “cửa” ra phù hợp để khơi mở dòng vốn.