Doanh nghiệp chuyên may đồ nội y, tất xuất Nhật, Hàn,... ngừng sản xuất, nhân sự còn 5 người, cựu Lãnh đạo bị tố cáo
Mặc dù đã nhiều quý không có doanh thu, CTCP Tập đoàn MPT (mã MPT) mới đây vẫn bị phạt và truy thu thuế hơn 2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp may đồ lót, tất nổi tiếng một thời nhiều quý liên tiếp không có doanh thu bán hàng, nhân sự đến cuối 2022 chỉ vỏn vẹn 5 người
CTCP Tập đoàn MPT (Mã UPCoM: MPT) đã từ nhiều quý nay không ghi nhận hoặc phải ghi nhận doanh thu âm. Lần cuối cùng đơn vị này ghi nhận doanh thu là từ Quý 4/2021 với 43,8 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng. Kể từ đó đến này, hoạt động sản xuất của công ty gần như không có, mỗi quý đều ghi nhận lỗ vài trăm triệu đồng.
Năm 2022, công ty đã chỉ ưu tiên giải quyết các khoản công nợ còn tồn đọng, đẩy mạnh thu hồi các khoản công nợ và nghiên cứu dịch chuyển cơ cấu ngành nghề kinh doanh, kiện toàn lại bộ máy tổ chức nhân sự, thanh lý các tài sản cố định và trả nợ vay tại các ngân hàng. Công ty đã tạm dừng sản xuất các sản phẩm quần áo, bít tất.
Hệ quả tất yếu là kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của công ty không phát sinh doanh thu bán hàng và dịch vụ và Lỗ trước thuế và sau thuế đều là 1,627 tỷ đồng. Cùng với đó, số lượng lao động của công ty đến cuối năm 2022 chỉ còn vỏn vẹn 5 người.
Tiền thân của CTCP tập đoàn MPT là công ty CP Tập đoàn Trường Tiền (trước đó tên là May Phú Thành) thành lập ngày 15/01/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Các ngành sản xuất kinh doanh chính ban đầu của công ty là: may trang phục, sản xuất sợi, vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất hàng dệt kim, may mặc xuất khẩu.
Năm 2014, do nhu cầu và sự phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tháng 11/2014, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, công ty CP tập đoàn Trường Tiền tăng vốn điều lệ lên 96 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất quần áo thời trang, đồ lót.
Năm 2016, công ty đã được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu là MPT.
Trong suốt hơn một thập kỷ hoạt động, MPT đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ một công ty quy mô nhỏ khi thành lập, đến năm 2019, công ty đã trở thành một trong những công ty lớn trong ngành Dệt may.
Sản phẩm của công ty CP tập đoàn Trường Tiền có mặt ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, cũng như xuất khẩu tới các thị trường quốc tế. Các sản phẩm bít tất, quần áo trẻ em, quần áo lót của Công ty được nhập vào các thị trường lớn như Nhật, Cuba, Hàn Quốc,...
Đã có một năm 2018 hoàn thành hoàn thành vượt 135% kế hoạch lợi nhuận, đem về 26,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu hơn 116 tỷ đồng nhưng ngay sang năm sau, MPT đã gặp phải "cơn bão" lớn.
Không thể lành lặn vượt bão
Khó khăn bắt đầu hiện diện rõ nét trong hoạt động sản xuất kinh doanh của MPT vào năm 2019. Đây là năm mà MPT chỉ hoàn thành 22,6% kế hoạch doanh thu và 11,5% kế hoạch lợi nhuận do HĐQT thông qua.
Nguyên nhân được công ty giải thích trong báo cáo thường niên 2019 do 3 nguyên nhân chính:
- Việc sản xuất kinh doanh mặt hàng chủ lực bị ngừng trệ, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận;
- Kế hoạch phát triển kinh doanh mảng bất động sản, đầu tư dự án chưa mang lại doanh thu như kỳ vọng;
- Công tác đầu tư chưa được thực hiện triệt để, nhiều dự án kéo dài, đầu tư tràn lan chưa mang lại hiệu quả.
Năm 2020, hoạt động kinh doanh chính của công ty đã ngừng trệ hoàn toàn, bên cạnh các hoạt động đầu tư bất động, dự án không hiệu quả nên công ty bắt đầu gánh lỗ do chi phí vận hành. MPT đã cắt giảm lao động liên tục từ năm 2019. Đến cuối năm 2020, công ty chỉ còn lại 9 người.
Trong báo cáo tài chính năm 2020 của Trường Tiền, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt lưu ý, do không thể chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho, không thể xác định được khả năng thu hồi các khoản công nợ, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Năm 2021, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 49,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thu nhập từ hoạt động thương mại và cắt giảm các chi phí, công ty vẫn có lợi nhuận 85 triệu đồng.
Hàng loạt các bê bối
Mới đây, CTCP Tập đoàn MPT đã bị Cục thuế TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với kỳ kiểm tra thuế từ năm 2019 đến hết năm 2022.
Các lỗi vi phạm bao gồm: Thiếu số thuế phải nộp; kê khai sai chi phí kinh doanh dẫn đến thiếu số Thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp; kê khai thiếu thuế thu nhập cá nhân của hoạt động đầu tư vốn; Sử dụng hoá đơn của các đơn vị không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Với các lỗi vi phạm trên, MPT bị phạt hành chính gần 303 triệu đồng. Công ty cũng bị truy thu thêm số tiền thuế thu nhập cá nhân là 1,4 tỷ đồng cùng tiền chậm nộp thuế 310 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thuế truy thu và phạt mà MPT phải nộp là hơn 2 tỷ đồng.
Trước đó, hồi giữa năm, báo Tuổi trẻ đưa tin cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức huy động đầu tư vào Tập đoàn Trường Tiền.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án như trên để tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người liên quan.
Cơ quan điều tra cũng đã gửi thông báo về Quyết định trên đến Viện KSND cùng cấp và ông Đ.H.Q. (SN 1958, ngụ quận 10) cùng nhiều người khác.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã thông tin vào đầu năm 2021, ông Q. đại diện hàng trăm người tố cáo lãnh đạo Tập đoàn Trường Tiền là ông Lê Khánh Trình (khi đó là chủ tịch HĐQT) và ông Khiếu Xuân Khương (thời điểm đó giữ chức tổng giám đốc).
Theo nội dung tố giác: từ cuối năm 2018 - 2019, rất nhiều người ngụ tại TP.HCM và các tỉnh khác đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương.
Sau đó, các cá nhân trên đã nộp, chuyển tiền cho Công ty Trường Tiền theo như thỏa thuận nêu trong hợp đồng.
Tuy nhiên, sau thời điểm ký kết hợp đồng, Tập đoàn Trường Tiền chỉ thực hiện chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn rồi ngưng không tiếp tục thực hiện các nội dung cam kết trong hợp đồng.