Doanh nghiệp biến rác nhựa ở Việt Nam thành nhựa "xịn" ở Mỹ, xuất khẩu 4.000 tấn/năm

24/08/2023 08:04 AM | Kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào các thực hành, sáng kiến nhằm giảm phát thải carbon, xây dựng chuỗi cung ứng xanh và bền vững.

Doanh nghiệp biến rác nhựa ở Việt Nam thành nhựa "xịn" ở Mỹ, xuất khẩu 4.000 tấn/năm - Ảnh 1.

Trong khi thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, dịch bệnh,... và Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 5 quốc gia bị tổn thương nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp đã bắt đầu đẩy mạnh thực hành các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp, xây dựng chuỗi cung ứng xanh,... để hướng đến con đường phát triển bền vững, thân thiện với mẹ thiên nhiên.

Thực hành các sáng kiến hướng tới nền kinh tế carbon thấp, xây dựng chuỗi cung ứng xanh cũng là chủ đề được bàn luận trong phiên sáng của Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên 2023.

Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững, Tập đoàn PAN Group cho biết, động lực để Tập đoàn nông nghiệp này thay đổi, trước tiên đến từ chính yêu cầu của pháp luật. Hiện môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về các vấn đề môi trường cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết đạt phát thải ròng (Net Zero) bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, áp lực thay đổi còn đến từ khách hàng quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu. "Hiện nay họ đã đưa các yêu cầu như kiểm soát đánh bắt và khuyến khích các nhà cung cấp công bố dấu chân carbon trên bao bì sản phẩm. Ví dụ điển hình như chuỗi siêu thị Tesco của Anh đã cam kết sẽ công bố dấu vết carbon trên tất cả các sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu. Điều này tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực rất lớn với các doanh nghiệp, công ty thành viên của chúng tôi, thực hiện kiểm kê carbon và đưa ra giải pháp giảm carbon trên mỗi sản phẩm của mình".

Doanh nghiệp biến rác nhựa ở Việt Nam thành nhựa "xịn" ở Mỹ, xuất khẩu 4.000 tấn/năm - Ảnh 2.

(Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Theo ông Trung Anh, hiện công ty thành viên chuyên sản xuất và xuất khẩu tôm của PAN Group đã tận dụng phụ phẩm là đầu và vỏ tôm để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, thay vì phải mất thêm chi phí để xử lý như một loại chất thải như trước kia. Theo đó, 7.500 tấn đầu và vỏ tôm đã được xử lý, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-5 lần. Nếu có thể chế biến thành thực phẩm, giá trị còn có thể tăng lên gấp 15 lần. Sáng kiến này cũng giúp doanh nghiệp thu thêm 15 tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, với một doanh nghiệp bán lẻ như Aeon Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm sao để tạo ra giải pháp tiện lợi cho người tiêu dùng trong khi thực hành các giải pháp xanh, khiến người tiêu dùng đồng hành, yêu thích thay vì bắt buộc.

Bên cạnh việc bán các túi môi trường Aeon Eco, doanh nghiệp bán lẻ đến từ Nhật Bản cung cấp thêm lựa chọn thuê túi cho khách hàng. Đồng thời, tạo riêng một quầy phục vụ các khách hàng sử dụng túi môi trường như một cách để truyền cảm hứng về lối sống xanh đến những người tiêu dùng khác. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Aeon Việt Nam, tiến trình khuyến khích khách hàng không sử dụng túi nilon tại nước ta còn nhanh hơn so với quá trình này từng diễn ra ở Nhật Bản. Số lượng khách hàng từ chối không sử dụng túi nilon lên tới 2.000 người/ngày, khách thuê túi nilon đến nay đã lên đến 20.000.

Doanh nghiệp biến rác nhựa ở Việt Nam thành nhựa "xịn" ở Mỹ, xuất khẩu 4.000 tấn/năm - Ảnh 3.

Còn Công ty Nhựa tái chế Duy Tân - một thành viên trong hệ sinh thái Nhựa Duy Tân, là đơn vị trực tiếp tái chế các chai nhựa cho Unilever, Nestle, Coca Cola, Lavie,... Các hạt nhựa tái chế của thương hiệu này đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho đựng thực phẩm. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Tái chế Nhựa Duy Tân cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp này thu gom 90 tấn nhựa, tái chế chất lượng cao thành chai đựng nước uống. Trong năm vừa qua, Công ty đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế, tương đương 300 triệu chai nhựa tái chế sang thị trường Mỹ. Nói cách khác, rác nhựa tại Việt Nam có thể tái chế để trở thành các chai nhựa đạt tiêu chuẩn đựng đồ uống tại Mỹ.

Tháng 4/2023, Nhựa tái chế Duy Tân đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy với năng lực sản xuất lên đến 30.000 tấn/năm tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ngày 20-4-2023. Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận quốc tế từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh không chứa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp để sản xuất các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm, bao gồm cả nước uống.

Giai đoạn 2 của nhà máy sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4 tỷ chai nước sẽ được tái chế.

Doanh nghiệp biến rác nhựa ở Việt Nam thành nhựa "xịn" ở Mỹ, xuất khẩu 4.000 tấn/năm - Ảnh 4.

Chai nhựa được thu gom tại nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân (Ảnh: Nhựa tái chế Duy Tân)

Theo đại diện PAN Group, việc thực hành các giải pháp phát thải thấp, sử dụng năng lượng tái tạo,.. không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm phát thải tại các nhà máy mà còn có khả năng gia tăng doanh thu, lợi nhuận, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đối với Aeon Việt Nam, việc cho thuê các túi Eco dù là chi phí trong ngắn hạn nhưng đem lại hiệu quả về lâu dài, là là niềm tin yêu của khách hàng đối với thương hiệu.

Để thực hành chuyển đổi sang các giải pháp xanh, theo các diễn giả, quan trọng nhất là cần có nhận thực của doanh nghiệp về biến đổi khi hậu. Sau đó, lên lộ trình và các kế hoạch, chính sách thực hiện, ghi chép dữ liệu. Không chỉ các tập đoàn lớn có tiềm lực kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể thực hiện được ở quy mô nhỏ và đơn giản hơn, tạo ra DNA về lâu dài để biến thành các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM