Đo SpO2 nhưng thông số trồi sụt thất thường, phải làm sao? Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân quan trọng 99% hội chị em đều đang mắc phải
Chỉ số SpO2 sai lệch, lên xuống thất thường đã khiến nhiều người hoang mang, thậm chí hoảng loạn vì nhầm tưởng mình có biểu hiện suy hô hấp ngay cả khi không thiếu oxy.
Nếu kit test nhanh là vật dụng không thể thiếu để phát hiện một người đã mắc Covid-19 hay chưa thì máy đo SpO2 lại chính là thiết bị y tế cần thiết trong khoảng thời gian điều trị, đặc biệt đối với những F0 đang điều trị tại nhà.
Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hoà oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay.
Máy đo SpO2 hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khoẻ, giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.
Nguyên nhân khiến chỉ số SpO2 trồi sụt thất thường là gì?
Tuy có ưu điểm là thiết kế nhỏ gọn, cách sử dụng khá đơn giản và dễ dàng nhưng trên thực tế, máy đo SpO2 cũng rất dễ xảy ra sai số trong quá trình thực hiện nếu bạn chưa nắm kĩ được nhưng lưu ý dưới đây.
Theo BS. Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: "Nếu có thiết bị đo SpO2 tại nhà được là cái tốt, tuy nhiên cá nhân tôi thấy rằng nó sẽ cần cho những đối tượng có tuổi, những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 nặng.
Theo BS. Đồng Phú Khiêm, chỉ số đo độ bão hoà máu ở ngoại biên có thể bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau. (Ảnh: CAND)
Thực tế chỉ số đo độ bão hoà máu ở ngoại biên bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố, ví dụ như: trong điều kiện thời tiết lạnh thì có thể sẽ khiến mạch máu ngoại biên co lại, gây ra tình trạng kẹt, dẫn tới có thể độ bão hoà sẽ không được chính xác.
Ngoài ra, những trường hợp trẻ em đang sốt cao cũng là nguyên nhân khiến chỉ số này không chính xác."
Bên cạnh đó, BS. Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, ngoài một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2 như: người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp, cử động nhiều hay đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp thì sơn móng tay cũng là nguyên nhân tới điều này.
"Khi sơn móng tay, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa dẫn tới chỉ số này bị hạ dù thực tế bệnh nhân không thiếu oxy. Do đó, khi đo SpO2, các chị em không nên sơn móng tay".
Làm sao để kết quả đo chỉ số SpO2 ổn định, chính xác?
Liên quan tới vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn này, BS. Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết: "Nếu trong trường hợp đo chỉ số SpO2 nhưng con số này không được ổn định thì tôi khuyên nên giữ thiết bị ở một vị trí ổn định.
Thứ 2 là giữ ấm tay mà mình kẹp để kiểm tra và chỉ đọc thông số khi đang ở trạng thái ổn định. Nếu thông số SpO2 ở mức dưới 94%, người bệnh cần được đưa vào viện để được chẩn đoán và theo dõi kịp thời".
Các bước thực hiện đo bằng thiết bị SpO2 đúng cách theo hướng dẫn của Sở Y tế
Bước 1: Kiểm tra pin của thiết bị.
Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy.
Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy; không cử động tay khi đo.
Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay vài giây máy sẽ tự tắt.
Bước 5: SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm. Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 96-100%
Bước 6: Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim, hoặc vị trí ghi chữ PR.