Đố kị, tự ti và những làn sóng ‘dìm’ hàng Việt

16/08/2023 08:11 AM | Sống

Đối với không ít nguời Việt, thói đố kị, tâm lý tự ti đã biến khẩu hiệu “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thành “người Việt dìm hàng Việt”.

Giống như một phản xạ, khi sản phẩm, thương hiệu nào đó của Việt Nam đang chuẩn bị ra mắt với nhiều hứa hẹn đột phá, hay doanh nghiệp Việt nào đó tiếp nối sự thành công bằng việc vươn ra thị trường quốc tế thì y như rằng bên cạnh những lời chúc mừng, tự hào và mong đợi, luôn luôn có rất nhiều lời chê bai, dè bỉu, thậm chí chửi bớt mạt sát với giọng điệu vùi dập bất chấp.

Chuyện VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là một ví dụ. Trong khi sự kiện này được các chuyên gia đánh giá là một dấu mốc lớn, có thể mở ra giai đoạn doanh nghiệp Việt chinh phục được thị trường vốn quốc tế nổi tiếng khắt khe thì trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm xông vào đả kích, giễu cợt. Nhiều “anh hùng bàn phím” còn dựa vào những thông tin giả để đưa ra quy kết hết sức võ đoán cho sướng miệng và “bõ ghét”, dù không biết phải ghét vì lý do gì.

Thương hiệu VinFast xuất hiện trên sàn Nasdaq tối 15/8 (giờ Việt Nam).

Hành vi xấu xí đó xuất phát một phần từ tính đố kỵ, nhưng một phần không nhỏ đến từ thói tự ti dân tộc, luôn tự hạ thấp giá trị của những gì người Việt làm ra khi so sánh với nước ngoài. Tâm lý ấy khiến cho bao nhiêu năm nay dù chúng ta kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhưng hiệu quả chưa như mong muốn vì cái thực tế “người Việt Nam dìm hàng Việt Nam”.

Và với căn bệnh a dua rất trầm kha trên mạng xã hội, những “cơn sốt dìm hàng” này thường có tính bầy đàn rất mạnh, có thể tạo thành những con sóng dữ đập tan nỗ lực khẳng định mình của doanh nhân, doanh nghiệp nào chưa đủ bản lĩnh.

Những người quan tâm đến sản phẩm công nghệ chắc đều nhớ rõ, các đời điện thoại Bphone của Bkav mỗi khi ra mắt đều trở thành nạn nhân của thói vùi dập tàn bạo đến từ nhiều người Việt.

Người ta như lên đồng, xông vào bỉ bôi, chế giễu, mỉa mai chiếc smartphone mà phần lớn trong số họ chưa hề dùng thử, chưa hề cầm trên tay hay nhìn thấy tận mắt, thậm chí có khi chưa đọc kỹ những miêu tả về sản phẩm.

Họ chê bai, họ “ném đá” chỉ vì “cha đẻ” của sản phẩm đã khen ngợi nó hết lời. Từ ghét “Q. nổ” - biệt danh mà ông chủ sản phẩm bị gán ghép, người ta cũng ghét, thậm chí tẩy chay luôn sản phẩm Bphone của BKAV vốn được nhiều người dùng đánh giá rất tích cực. Khối lượng tài sản lớn đầu tư vào Bphone bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển.

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV từng tuyên bố sẽ khởi kiện nếu điện thoại Bphone bị "ném đá" dai dẳng.

Trong khi giới chơi đồ công nghệ rất dễ dàng bỏ ra 7 - 8 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng chỉ để trải nghiệm sản phẩm mới của Mỹ, của Hàn Quốc, Trung Quốc…, rất ít người nghĩ rằng nên làm như vậy với Bphone, đơn giản vì thành kiến “điện thoại Việt Nam làm sao xứng với giá đó”.

Bây giờ, chúng ta coi việc đi máy bay của các hãng tư nhân nội địa là chuyện đương nhiên. Nhưng 15 năm trước, khi chưa chiếc máy bay tư nhân Việt nào cất cánh, đã có rất nhiều cái bĩu môi dành cho vị một nhạc sỹ - doanh nhân khi ông tuyên bố lập hãng hàng không.

Họ gọi khát vọng bay của ông là điên rồ, ảo tưởng, coi đó là việc quá tầm, tuyên bố không bao giờ dám đi trên máy bay tư nhân của người Việt. Sự thành công của các hãng bay tư nhân nội địa những năm gần đây đã cho thấy cách nhìn của họ thiển cận đến thế nào.

Đành rằng, cái chết yểu của Bphone hay hãng bay của vị nhạc sỹ trên đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nhưng những sản phẩm, doanh nghiệp đó chắc chắn có cơ hội sống và phát triển nếu nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ đồng bào mình! Khi tung ra những lời dè bỉu, miệt thị và để chúng lan truyền như bệnh dịch, họ đã ngăn cản rất nhiều người khác dùng thử, hủy mất cơ hội được đánh giá công bằng của sản phẩm.

Khi một nhãn hàng, một thương hiệu đầy hứa hẹn bị lụi tàn, nhiều người bảo: “Biết ngay mà, đồ của Việt Nam so thế nào được với Tây”; “Kiểu làm ăn của Việt Nam, ở nhà con hát mẹ khen hay chứ cứ đọ với Tây là thua liền”… Khi nghe về câu chuyện thành công của “Tây”, nhiều người cứ phải thòng một câu: “Việt Nam mình thì 1.000 năm nữa cũng không làm được như vậy”.

Những người đó luôn than vãn rằng “Việt Nam mình đến cái kim, sợi chỉ còn chẳng làm được, nói gì đến sản phẩm cao cấp hơn”. Nhưng hễ có ai làm được thì họ lập tức lao vào đả kích không thương tiếc. Sao những người này không nghĩ, muốn hàng Việt lên ngôi thì bản thân mình nếu không thể mua hàng ủng hộ, ít ra cũng có sự động viên, khích lệ, hoặc ít hơn nữa thì đừng biến mình thành kẻ phá đám?

Tính đố kỵ, thói tự ti tự hạ thấp mình, luôn thấy mình kém cỏi là yếu tố kìm hãm sự thành công của doanh nghiệp Việt vì đã giết chết những nỗ lực tự cường, làm nhụt chí những người dám mơ lớn, làm lớn.

Trong thái độ đối với hàng hóa, thương hiệu nội địa, chúng ta cần học người Nhật Bản, người Hàn Quốc ở tinh thần tự tôn dân tộc. Sự tự tôn ấy khiến họ đồng lòng ủng hộ và bảo vệ các sản phẩm trong nước. Có thể nhắc đến Samsung, tuy ở Hàn Quốc từ lâu đã là thương hiệu hùng mạnh nhưng trên trường quốc tế, nó chỉ thực sự đình nổi đám khi bước sang thế kỷ 21.

Đi sau các hãng phương Tây như Nokia, Motorola, Siemens trên địa hạt sản xuất điện thoại di động, nguồn lực quan trọng để Samsung trở thành ông lớn trong lĩnh vực này chính là sự ủng hộ của người Hàn. Ban đầu, điện thoại Samsung được đánh giá là “không có cửa” so sánh với những nhãn hiệu đình đám thời đó, nhưng người Hàn Quốc vẫn bất chấp, đua nhau mua dùng hàng nội.

Chính nguồn doanh thu này giúp Samsung có thể mạnh tay chi cho nghiên cứu và phát triển, để nhanh chóng bứt phá, trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới, khiến người Hàn Quốc mỗi khi nhắc đến đều thấy hãnh diện.

Vậy đó, nếu muốn hàng Việt, thương hiệu Việt trở thành niềm tự hào của bạn, trước hết chính bạn phải có khả năng tự hào, phải luôn mang niềm tự tôn dân tộc trong trái tim. Ngược lại, những kẻ mang trong mình thói đố kị, chỉ mong người xung quanh thất bại, thì sẽ mãi sống cuộc đời đớn hèn, không bao giờ ngẩng đầu lên được.

Theo Hồng Trần/VTC

Cùng chuyên mục
XEM