DN Mỹ vừa bị FPT thâu tóm là ai? Vì sao chịu “bán mình” cho doanh nghiệp Việt với giá 30 triệu USD?
Từ danh sách mấy chục công ty ban đầu lọt vào "tầm ngắm" thâu tóm của FPT, Intellinet được lựa chọn vào vòng shortlist. 7 tháng đàm phán, 160 cuộc gặp, nhiều khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, ông Trương Gia Bình lại lui về phía sau nhằm thúc đẩy tiến độ đàm phán…
8h30 sáng ở Atlanta (Mỹ), 7h30 tối ở Việt Nam, cuộc Teleconference kết thúc bằng lễ ký kết thỏa thuận FPT - một công ty công nghệ Việt Nam - mua lại công ty tư vấn Mỹ Intellinet Consulting (Intellinet).
"Lần đầu tiên chúng ta ký kết xa thế này", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cười nói.
Intellinet là doanh nghiệp nào? Vì sao FPT chọn Intellinet? Vì sao một công ty Mỹ có doanh thu 30 triệu USD lại bị thâu tóm với mức giá 40 - 50 triệu USD?
Q: Intellinet là doanh nghiệp nào? Có bao nhiêu nhân sự?
Intellinet được thành lập năm 1993, có trụ sở chính tại Atlanta (Mỹ). Hiện công ty này có 150 nhân sự là các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu.
Theo website công ty, Intellinet cung cấp 3 dịch vụ chính gồm: Tư vấn về chiến lược, Tư vấn về chuyển đổi số, và Tư vấn về Platform công nghệ và vận hành.
Q: Intellinet có phải một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ? DN này tăng tốc nhanh có phải vì nó chỉ là một công ty nhỏ?
Theo thông tin do Intellinet cung cấp, tăng trưởng doanh thu của công ty giai đoạn 2013-2016 ở mức 25%/năm. Theo xếp hạng của Consulting Magazine, Intellinet đứng thứ 26 trong số các công ty tăng trưởng nhanh nhất năm 2016. Đến năm 2017, công ty này xếp hạng thứ 43.
Đúng là năm 2013 Intellinet được xếp vào hàng công ty nhỏ (Small firm). Nhưng vào năm 2016, công ty được Fortune xếp hạng công ty vừa (Medium company). Intellinet thường xuyên được xếp hạng là nơi làm việc tốt nhất (theo xếp hạng của Fortune và The Atlanta Journal Constitution).
Doanh thu gần nhất của Intellinet đạt mức 30 triệu USD vào năm 2017.
Q: Vì sao Intellinet chịu "bán mình" cho một doanh nghiệp Việt?
CEO Intellinet - ông Mark Seeley cho biết: "Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều công ty khác nhau, điều chúng tôi xem xét đầu tiên là văn hóa, thứ 2 là giá trị mà hai bên có thể đem lại cho khách hàng".
"Chúng tôi có quy mô nhỏ hơn FPT nhưng chúng tôi có thể tư vấn cho khách hàng lộ trình chuyển đổi số. Sự kết hợp giữa Intellinet và FPT sẽ mang đến cho khách hàng những giá trị tốt hơn cho khách hàng. Với sự đồng thuận của FPT, chúng tôi giữ lại 10% và đó là điều tốt nhất cho công ty và khách hàng".
Q: Một công ty có doanh thu năm gần nhất 30 triệu USD mà "bán mình" với giá xê dịch 30 - 50 triệu USD liệu có hớ?
Giá trị thương vụ được xác định dựa trên định giá gấp 10 lần EBITDA thu nhập trước lãi vay và khấu hao.
Tại thời điểm bây giờ, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể ở mức 30 triệu USD, hoặc 45 - 50 triệu USD, căn cứ vào việc đáp ứng KPI của Intellinet.
Nếu tính trên cơ sở doanh thu, định giá của các công ty làm dịch vụ sẽ gấp 1,6 - 2 lần doanh thu. Cho nên, nếu kết quả kinh doanh vẫn tốt, mức giá 45 - 50 triệu USD để mua lại 90% cổ phần Intellinet là hợp lý.
Q: Kỳ vọng gì khi một công ty tư vấn bắt tay với một công ty công nghệ?
Tệp khách hàng của 2 bên gần như không trùng nhau, cho nên hiểu một cách đơn giản là FPT và Intellinet có thể bán chéo sản phẩm cho nhau với mức giá tốt hơn cho khách hàng. Một hợp đồng tổng thể thường phải chia thành nhiều gói từ tư vấn đến triển khai, còn khi FPT và Intellinet bắt tay thì có thể thực hiện từ đầu đến cuối gói dịch vụ, tất nhiên với mức giá hợp lý hơn.
Thực tế, sau cái bắt tay ban đầu, FPT và Intellinet đã có ngay 2 khách hàng lớn.
Q: Bộ máy lãnh đạo của Intellinet sau M&A sẽ ra sao?
Hội đồng quản trị của Intellinet có sự thay đổi với 4 thành viên của FPT và 1 thành viên của Intellinet; Ban điều hành giữ nguyên và bổ sung thêm 1 thành viên của FPT.
"Sau thương vụ M&A công ty hàng đầu về điện lực và dầu khí của Đức cách đây 5 năm, từ đấy đến nay chúng tôi đi tìm công ty để M&A. Cũng đã có rất nhiều công ty nói chuyện, danh sách khách hàng của họ rất đông, chúng tôi đã đàm phán nhưng thất bại".
"Lần này, chúng tôi lọc ra mấy chục công ty để nghiên cứu. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn 3 công ty. Chúng tôi đàm phán với một công ty đầu tiên và thất bại, sau đó đàm phán tiếp với Intellinet. Chúng tôi đàm phán trong vòng 7 tháng, với 160 cuộc gặp, nhiều khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, tôi lại lui về phía sau nhằm thúc đẩy tiến độ đàm phán…", Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình kể lại.