Dịp Tết, các ngân hàng ồ ạt thanh lý loạt bất động sản: Có "ngon, bổ, rẻ" để đầu tư?

16/02/2024 16:44 PM | Kinh doanh

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng rao bán bất động sản để thu hồi nợ với mức giá từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng. Liệu đây có là bất động sản "ngon, bổ, rẻ" đáng bỏ tiền ra mua?

Thời điểm Tết, hàng loạt bất động sản được các nhà băng rao bán để thu hồi nợ. Nhiều bất động sản nằm ở vị trí trục đường lớn, đẹp. Điều này khiến không ít người quan tâm đến bất động sản thanh lý của ngân hàng bởi họ cho rằng, loại hình này có một số ưu điểm. 

Đầu tiên, nhiều người mua tin rằng, bất động sản phát mãi sẽ có pháp lý rõ ràng. Bởi trong quá trình giải ngân cho vay, phía ngân hàng đã thẩm định kỹ càng. Như vậy, nếu mua bất động sản mà ngân hàng thanh lý, người mua giảm được hạn chế rủi ro về mặt pháp lý. Thứ hai, tâm lý của nhiều người mua cho rằng: Giá mà ngân hàng phát mãi sẽ rẻ hơn so với thị trường.

Dịp Tết, các ngân hàng ồ ạt thanh lý loạt bất động sản: Có "ngon, bổ, rẻ" để đầu tư? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng rao bán bất động sản để thu hồi nợ. (Ảnh minh họa)

Song theo luật sư Lê Hồi đến từ Hà Nội, thực tế, để mua được tài sản phát mãi đẹp, khách hàng cũng phải mất thêm chi phí ngoài thì mới có thể bỏ ra chi phí tốt, lựa chọn bất động sản đẹp. Đáng chú ý trong trường hợp, gia chủ hợp tác thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng nhưng nếu gia chủ cũ thiếu thiện chí thì người mua cũng gặp phiền toán.

Ví dụ như, có trường hợp người mua gặp sự đe dọa từ chủ cũ. Thông thường khi tài sản rơi vào tình trạng phát mãi thì đồng nghĩa chủ cũ cũng đã không còn khả năng chi trả. Nhiều trường hợp sinh ra "cùng quẫn" nên có hành động đe dọa lại chủ mới, hoặc gây ra phiền nhiễu không đáng có.

Về pháp lý của bất động sản, hiện tại, một số ngân hàng rao bán bất động sản là đất ruộng, đất rừng sản xuất, đất lúa,… và đã hết thời hạn sử dụng. Điều này cũng đồng nghĩa, người mua sau khi trở thành chủ sở hữu mới sẽ phải thực hiện đóng thuế gia hạn lại thời gian sử dụng của các lô đất. Đây cũng là nhược điểm của bất động sản phát mãi mà người mua cần chú ý.

Ông Võ Hồng Thắng Giám đốc Mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cũng cho rằng, nhiều người thích bất động sản phát mãi vì nghĩ giá tốt nhưng một số bất động sản lại được định giá cao hơn thực tế khi ngân hàng duyệt khoản vay, nhất là trong thời điểm thị trường sốt nóng. Thế nên giá bất động sản phát mãi thường tính bằng giá thị trường khi đó cộng với dư nợ gốc cộng với lãi khoản vay và tiền phạt.

Ngoài ra, một số rủi ro khác có thể kể đến như quá trình bàn giao sẽ tốn thời gian do phụ thuộc vào chủ sở hữu cũ chưa hoàn tất nghĩa vụ hoặc không hợp tác bàn giao. Điều này buộc phải có cơ quan thẩm quyền cưỡng chế. Các chi phí phát sinh khác sẽ do người mua phải bỏ ra.

Vị này khuyến nghị người mua nên định giá lại bất động sản, khảo sát thực tế kĩ lô đất. Đồng thời người mua nên yêu cầu cung cấp giấy tờ thông tin của tài sản. Ngoài ra, người mua cần nắm rõ quy trình thủ tục phát mãi để tránh rủi ro.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, cơ hội cho người mua bất động sản giá tốt xuất hiện khi thời gian gần đây, ngân hàng rao bán nhiều bất động sản. Ông Hiển vẫn cẩn trọng khuyến cáo, người mua nên tìm hiểu kỹ về pháp lý của tài sản để hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh.


Theo Đức Anh

Cùng chuyên mục
XEM