Định danh điện tử người bán hàng online: Lộ trình nào để triển khai?

30/10/2024 19:50 PM | Bán lẻ

Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm bổ sung sửa đổi chính sách quản lý thương mại điện tử, trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến.

Yêu cầu định danh người bán hàng là cần thiết

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng năm 2023 là 25%. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này kéo theo tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thất thoát thuế ngày càng tinh vi, phức tạp. Bộ Công Thương cho biết, sẽ sớm bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán hàng cá nhân, cung cấp thông tin trên các website, một số nền tảng kinh doanh trực tuyến bắt đầu yêu cầu định danh tài khoản người bán hàng. Động thái này nhận được đánh giá cao từ phía người tiêu dùng.

5 năm trước, khi còn là sinh viên, chị Trần Phương Thảo (tỉnh Hưng Yên) đã bán hàng trực tuyến trên Shopee với việc đăng ký đơn giản chỉ cần địa chỉ thư điện tử và có thể dùng nickname. Sau thời gian gián đoạn vì COVID-19, chị trở lại kinh doanh online, nhưng giờ phải xác thực tài khoản cá nhân bằng căn cước công dân.

"Xác thực tài khoản trên Shoppe dùng căn cước công dân tôi thấy khá phù hợp. Nhà nước cũng dễ kiểm soát hơn. Là công dân Việt Nam tôi sẵn sàng đóng thuế nếu kinh doanh trên Shopee", chị Thảo chia sẻ.

Về phía người mua hàng, chị Lê Ngọc Minh (TP Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ khi triển khai xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến. "Có quyết định thì tôi yên tâm hơn khi mua hàng, tin tưởng chủ shop đấy hơn. Nếu sản phẩm của mình có vấn đề gì thì có thể tìm đến để bảo hành hoặc đổi trả", chị Minh chia sẻ.

Định danh điện tử người bán hàng online: Lộ trình nào để triển khai?- Ảnh 1.

Đánh giá về việc gần đây đã có các sàn thương mại điện tử đầu tiên yêu cầu định danh tài khoản bán hàng, ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng Ban phát triển nguồn lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, điều này rất phù hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử. Tốc độ điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất cao, việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều hơn trên môi trường điện tử đã đặt ra thách thức cần phải định danh người bán hàng, thậm chí sau này cũng phải sử dụng các hàng hóa có truy xuất nguồn gốc đầy đủ.

“Có như vậy, chúng ta mới có thể quy kết trách nhiệm của người bán hàng, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ổn định và bền vững. Nếu không, người dùng sẽ có giai đoạn nghi ngại hàng hóa bán trên thương mại điện tử là chưa đạt chất lượng như yêu cầu và sợ va chạm việc giải quyết tranh chấp. Từ đó có thể giảm tốc thương mại điện tử. Vì vậy, tôi cho rằng xu thế ứng dụng xác định và định danh khách hàng điện tử cũng như người bán trong môi trường thương mại điện tử là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Bình Minh cho biết.

Liên quan đến chính sách thuế, hiện nay Việt Nam đã có những quy định thu thuế đối với người kinh doanh online nhưng việc chưa yêu cầu họ định danh đã tạo ra những kẻ hở, từ đó những người bán hàng trực tuyến có những chiêu trò để trốn thuế.

“Người ta có thể dùng một nick ảo hoặc thậm chí dùng một nhân thân ảo để có thể mở một gian hàng kinh doanh trên mạng. Vì vậy, việc để kiểm tra nguồn thu nhập này từ một người bán hàng cụ thể sẽ dẫn đến những khó khăn. Có thể một người sử dụng rất nhiều nick hoặc nhiều gian hàng trong thương mại điện tử và đôi khi có những gian hàng lượng bán không quá lớn nên không thể quy kết về một người bán hàng, từ đó có thể xảy ra thất thoát thuế”, ông Nguyễn Bình Minh nhận định.

Lộ trình và giải pháp nào để triển khai?

Theo ông Nguyễn Bình Minh, để triển khai việc định danh điện tử người bán hàng online cần phải có lộ trình. Với những người bán có doanh số lớn cần thiết phải cho họ định danh trước, sau đó có thể thực hiện từng bước một đối với các mức doanh thu ít hơn để tránh tình trạng chuyển ồ ạt, định danh hàng loạt, kể cả những người bán có một vài sản phẩm cũng cố gắng định danh. Điều này khiến hệ thống không quá tải bởi nếu làm dồn dập trong một thời điểm, hệ thống có thể bị quá tải, ngừng trệ và dẫn đến khó khăn trong việc kinh doanh của những người tham gia sàn thương mại điện tử cũng như các nền tảng số.

Tuy nhiên, rất nhiều nền tảng, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội là xuyên biên giới, điều hành bởi doanh nghiệp nước ngoài cũng là một thách thức, khó khăn đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, trước tiên phải có mối quan hệ với các nền tảng số cũng như với các sàn thương mại điện tử nằm ở nước ngoài, sau đó phải có sự phối hợp. “Về cơ bản, các sàn thương mại điện tử cũng như các nền tảng số có xu hướng, định hướng phát triển tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vì vậy, chỉ cần có đơn vị đại diện liên hệ trực tiếp với họ và yêu cầu họ có những thỏa thuận hợp tác, đương nhiên họ sẽ chấp hành”, ông Nguyễn Bình Minh cho biết.

Ngoài các giải pháp trên, việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng là nền tảng cơ bản để có thể triển khai và phát huy hiệu quả của việc xác thực tài khoản kinh doanh trực tuyến. Điều này rất phù hợp trong một nền kinh tế số phát triển như hiện nay. Bởi nếu không có những dữ liệu để chia sẻ như vậy, các cơ quan sẽ rất khó trong việc phối hợp và việc mất cân đối hoặc gây hỗn loạn trong nền kinh tế có thể xảy ra.

Việc chia sẻ dữ liệu, ví dụ về thanh toán ngân hàng với các sàn thương mại điện tử hoặc với cơ quan thuế đều là những dữ liệu dữ liệu kinh doanh, không liên quan đến dữ liệu cá nhân nên sẽ hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, nếu cần sự phối hợp của các đơn vị giao nhận hàng sẽ làm cho việc xử lý thuế cũng như tính đúng doanh thu của người kinh doanh thương mại điện tử có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Định danh điện tử người bán hàng online: Lộ trình nào để triển khai?- Ảnh 2.

Cách các nước châu Á “siết” hoạt động bán hàng trực tuyến

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều quốc gia cũng đã triển khai những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán hàng trực tuyến. Các chính sách đều hướng tới tăng cường tính minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng một thị trường lành mạnh và bền vững hơn.

Như theo quy định mới, giới chức Thái Lan nêu rõ việc bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý, như các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này. Bên cạnh đó, người bán hàng phải cung cấp thông tin chi tiết rõ ràng về sản phẩm như chứng chỉ tiêu chuẩn, thông tin về nhà nhập khẩu và các thông tin liên quan trọng khác. Nhà cung cấp cũng phải xác thực danh tính của mình khi nộp đơn xin bán hàng trên các nền tảng kỹ thuật số.

Trong khi đó, cơ quan Quản lý thị trường Trung Quốc thời gian qua cũng đã tiếp tục công bố hàng loạt quy định mới để quản lý ngành công nghiệp bán hàng trực tuyến. Người bán trên Internet, TV hoặc điện thoại phải nêu rõ thông tin về sản phẩm trên trang chủ, màn hình, cuộc gọi hoặc catalog.

Các sàn cũng phải công khai tên, địa chỉ và thông tin liên lạc của người bán. Các nền tảng cũng không cho phép người bán hàng trực tuyến đưa ra so sánh, như "rẻ nhất" hay "tốt nhất". Bên vi phạm sẽ bị phạt không được bán hàng trực tuyến trong thời gian nhất định, thậm chí cấm vĩnh viễn.

Gần đây trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số vài trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi phiên. Theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.

Cụ thể, 8 tháng năm 2024, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan Công an. Số vụ vi phạm trong thương mại điện tử bị xử lý tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong lĩnh vực thuế, trong 3 năm 2021 - 2023, Tổng cục Thuế đã xử lý hơn 22.000 trường hợp bán hàng online vi phạm nộp thuế, truy thu thuế gần 3.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế cũng xử lý gần 4.600 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM