Digiworld tăng trưởng 55% lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020

20/07/2020 21:17 PM | Kinh doanh

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 4.894 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả là nhờ 2 ngành hàng máy tính xách tay – máy tính bảng cùng điện thoại di động tăng trưởng đột biến nhờ đại dịch Covid-19.

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld Coporation - "DGW") vừa công bố kết quả kinh doanh Quý II/2020, với doanh thu thuần cao kỷ lục kể từ khi thành lập doanh nghiệp - 2.583 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, kết thúc 06 tháng đầu năm, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 4.894 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh này, công ty đã hoàn thành 115% kế hoạch doanh thu 6 tháng và 123% kế hoạch lợi nhuận 6 tháng, tương đương với 48% và 46% con số kế hoạch cả năm.

Cụ thể, tăng trưởng ở các ngành hàng ở Quý II/2020 và 6 tháng đầu năm như sau.

Ngành hàng máy tính xách tay - máy tính bảng: ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 1.080 tỷ đồng trong Quý II/2020, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 06 tháng đầu năm, doanh thu ngành hàng máy tính xách tay - máy tính bảng của Digiworld đạt 1.871 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 59% kế hoạch năm.

"Dịch Covid – 19 bùng phát khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày khiến nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng chế độ làm việc trực tuyến. Chính vì vậy nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ cho các chương trình học tập, làm việc trực tuyến tăng cao đã đẩy sức tiêu thụ của nhóm ngành hàng công nghệ như máy tính bảng, laptop tăng ngoạn mục", đại diện Digiworld giải thích về sự tăng trưởng đột biến nói trên.

Digiworld tăng trưởng 55% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2020 - Ảnh 1.

Bảng kết quả kinh doanh Quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 của Digiworld.

Ngành hàng điện thoại di động: doanh thu đạt 1.146 tỷ đồng trong Quý II/2020, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết thúc 06 tháng đầu năm, doanh thu của ngành hàng điện thoại đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ, hoàn thành 47% kế hoạch năm.

Theo Digiworld, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 làm sức tiêu thụ của phân khúc của điện thoại bị giảm xuống, nhưng họ vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 18% nhờ các hoạt động phát triển thị trường hiệu quả dành cho thương hiệu Xiaomi. Hiện thị phần Xiaomi tại Việt Nam cũng tăng liên tục, đạt mốc hơn 10% trên thị trường.

Ngành hàng thiết bị văn phòng: doanh thu đạt 298 tỷ đồng trong Quý II/2020. Theo đó, kết thúc 06 tháng đầu năm, doanh thu của ngành hàng thiết bị văn phòng đạt 613 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 36% kế hoạch năm.

Ngành hàng tiêu dùng: doanh thu đạt 59 tỷ đồng trong Quý II/2020. Như vậy, kết thúc 06 tháng đầu năm, doanh thu của ngành hàng tiêu dùng đạt 122 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 24% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, kết thúc Quý II/2020, doanh nghiệp này còn ghi nhận số dư tiền mặt đạt 266 tỷ đồng; số ngày phải thu hiện chỉ có 26 ngày, liên tục giảm so với cùng kỳ 34 ngày (Quý II/2019) và 35 ngày (Quý II/2018); hàng tồn kho cũng ở mức thấp với 35 ngày, so với mức 45 ngày của Quý II/2019.

Về các chỉ số sinh lời: kết thúc Quý II/2020, các chỉ số sinh lời từ Digiworld cũng được cải thiện. Nếu xét về hiệu quả quản lý chi phí, Digiworld đang làm tốt, khi biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng đều được cải thiện so với năm ngoái, đạt mức 6,7% và 1,9% so với 6,2% và 1,8% của cùng kỳ năm 2018. Về cấu trúc nguồn vốn: nhờ hiệu quả hoạt động kinh doanh nên trong Quý II/2020, Digiworld có cấu trúc nợ vay/vốn chủ sở hữu an toàn nhất, đạt tỷ lệ 0,51.

"Với những kết quả trên, Digiworld vẫn đang tăng tốc nhằm hoàn thành tốt kế hoạch năm 2020 đã đề ra, với mục tiêu doanh thu 10.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến là 202 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 25% so với kết quả kinh doanh năm 2019", đại diện Digiworld kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM