Digiworld đặt cược tương lai vào dược phẩm và thương hiệu tự xây?
Để giữ tốc độ tăng trưởng 25% hàng năm theo kế hoạch, trong 5 năm tới, dự kiến Digiworld sẽ phải phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Họ sẽ ngày càng dấn sâu vào ngành thiết bị gia dụng và đặc biệt là dược phẩm – mục tiêu nằm trong top 3 nhà phân phối lớn nhất Việt Nam vào 2025; xây dựng thương hiệu riêng, có thể thông qua M&A…
Không như nhiều doanh nghiệp khác, Digiworld có một năm 2021 khá ấn tượng khi đạt 20.972 tỷ đồng doanh thu – tăng 67% và lợi nhuận ròng đạt 657 tỷ đồng – tăng 146% so với năm 2020. Trong đó, mảng ICT có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng và tiếp tục là công thần của Digiworld: laptop – tablets đạt 7.899 tỷ đồng, chiếm 38% và mobile phones đạt 9.857, chiếm 47% cơ cấu doanh thu.
Tuy nhiên, khi nhìn vào các con số nói trên, ban lãnh đạo Digiworld không hoàn toàn hài lòng và khá lo lắng cho tương lai của doanh nghiệp.
Sự tăng trưởng nói trên có sự đóng góp rất lớn của đại dịch Covid-19 và chỉ mang tính thời điểm, trong khi xu hướng bão hòa của mảng ICT đang ngày càng rõ ràng. Vậy mà, những mảng mới của họ - như tiêu dùng, vẫn đang phát triển khá chậm, không như kỳ vọng. Sau gần 3 năm triển khai, mảng tiêu dùng của Digiworld mới chỉ thu về 376 tỷ đồng – tăng trưởng thấp nhất trong tất cả các mảng, với chỉ 42% so với 2020 – đóng góp vỏn vẹn 2% vào tỷ trọng chung.
Rõ ràng là mảng tiêu dùng không dễ ăn như suy đoán của Digiworld và dù có sốt ruột, họ cũng không thể ngay lập tức cải thiện kết quả. Vậy nên, chẳng có gì khó hiểu, khi Tập đoàn này đang ủ mưu thêm các mảng miếng mới để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 25% mỗi năm trong 5 năm tới: ngày càng dấn sâu vào ngành thiết bị gia dụng và đặc biệt là dược phẩm – mục tiêu nằm trong top 3 nhà phân phối lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, họ cũng quyết tâm sẽ xây dựng thương hiệu riêng, có thể tự phát triển từ đầu hoặc thông qua M&A…Có thể trở tham gia lĩnh vực OEM cho mảng thiết bị điện tử gia dụng và các mảng khác.
DIGIWORLD CŨNG THAM GIA CUỘC CHƠI DƯỢC PHẨM ĐANG NGÀY CÀNG NÓNG BỎNG
Không hẹn mà nên, cả 3 doanh nghiệp hàng đầu trong mảng phân phối sản phẩm ICT là FPT Retail, Thế Giới Di Động và Digiworld đều đặt trọng tâm vào ngành dược phẩm trong hiện tại và tương lai.
Chiến lược phát triển tương lai của Digiworld.
FPT Retail là người quyết liệt với cuộc chơi này nhất. Năm 2017, họ đã mua lại chuỗi Long Châu và hiện đã có 400 nhà thuốc khắp toàn quốc vào cuối năm 2021 – động lực Covid-19 đã giúp Long Châu phát triển nhanh hơn kế hoạch đề ra vào 2018.
Từ năm 2019, FPT Retail cũng để mắt đến mảng mỹ phẩm, nhưng theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo FPT Retail, sau khi thử nghiệm họ cảm thấy mảng mỹ phẩm vẫn chưa tốt để đầu tư, nên vẫn sẽ tập trung hết mình cho dược phẩm.
Năm 2018, Thế Giới Di Động cũng mua lại 49% vốn của chuỗi dược phẩm An Khang. Những tưởng, MWG sẽ lấy An Khang để đua với Long Châu của ‘đối thủ’ FPT Retail, nhưng thực tế là Tập đoàn này chỉ đầu tư cầm chừng với tâm lý ‘từ từ xem sao’.
Hồi giữa năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng, Phúc An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động. "Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Tài nêu quan điểm lúc bấy giờ.
Hơn nữa, lúc đó họ vẫn đang ưu tiên mở rộng Bách Hóa Xanh, nên không đủ sức lực để cùng lúc đầu tư vào cả 2 chuỗi.
Tuy nhiên, mới đây MWG đã thay đổi chiến lược, với việc ngừng đầu tư vào Bách Hóa Xanh, thử nghiệm AVA World với 5 chuỗi bán hàng mẹ và bé, thể thao, thời trang, trang sức và xe đạp; đồng thời quay trở lại ‘tất tay’ cùng Phúc An Khang.
Theo thông tin từ Thế Giới Di Động, vào đầu tháng 11/2021, nhóm công ty đã mua 1.294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, tương đương 100% tỷ lệ sở hữu trong An Khang. Theo đó, An Khang đã trở thành công ty con của Thế Giới Di Động.
Sắp tới, MWG cho biết sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ chuỗi nhà thuốc này. Tính đến cuối năm 2021, An Khang cũng đã có 178 cửa hàng.
Còn theo chia sẻ của ông Đoàn Hồng Việt – Tổng Giám đốc Digiworld, hiện doanh nghiệp đang phân phối các sản phẩm dược chuyên cho các bệnh về xương khớp – tim và kênh chủ lực vẫn là bệnh viện.
"Trong tương lai, Digiworld cũng sẽ mở rộng phân phối cho các chuỗi dược phẩm và các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ. Trong năm 2022, Digiworld sẽ tập trung hơn vào mảng dược phẩm, để dần thực hiện mục tiêu nằm trong top 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất Việt Nam vào năm 2025.
Với dân số 100 triệu người và GDP tăng trưởng khoảng 7%/năm, tiềm năng của thị trường dược phẩm và gia dụng Việt Nam là vô cùng dồi dào và còn lâu mới bão hòa", ông Đoàn Hồng Việt nêu cụ thể.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2021, Digiworld đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma) - nhà phân phối các thương hiệu dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và vật tư y tế. Cùng với đó, Digiworld cũng đã cho Đại Tín Pharma vay 8,4 tỷ đồng với lãi suất 10,95%/năm.
Song song với động thái này, CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt và Trưởng phòng tài chính Nguyễn Văn Thuận cũng đã lần lượt đảm nhiệm các vai trò Thành viên HĐQT và Trưởng ban kiểm soát của Đại Tín Pharma.
Theo tìm hiểu, Đại Tín Pharma được thành lập từ tháng 12/2013, chuyên phát triển các sản phẩm về cơ xương khớp. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Luy Xít (SN 1984).
Đáng chú ý, ông Nguyễn Luy Xít vào tháng 5/2021 đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của CTCP Y dược phẩm Vimedimex (Mã CK: VMD), đồng thời là người đại diện của Công ty TNHH MTV Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex Đà Nẵng. Và Vimedimex chính là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước.
Ngoài dược phẩm, đồ gia dụng và hàng tiêu dùng, Digiworld cũng sẽ nghiên cứu thêm về thiết bị công nghiệp và ngành F&B trong tương lai.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU RIÊNG
Cũng như rất nhiều ông lớn trong ngành khác trên thế giới, Digiworld cũng không muốn mình mãi mãi chỉ bán hàng của người khác, mà còn muốn sở hữu một thương hiệu riêng.
Giải pháp có thể là tự xây dựng hoặc M&A. "Tuy nhiên, dù có M&A thì chúng tôi cũng tài trợ cho dự án bằng vốn tự có chứ không phát hành thêm cổ phiếu, rồi pha loãng lợi ích của cổ đông", Tổng Giám đốc của Digiworld khẳng định. Digiworld có thể tham gia mảng OEM cho ngành thiết bị điện tử gia dụng hoặc các sản phẩm khác.
Hiện tại, Digiworld đang hợp tác với 3 nhãn hàng là Xiaomi, Joyoung và Whirlpool trong mảng thiết bị gia dụng.
"Đúng là Xiaomi có chuỗi sản phẩm gia dụng khá đa dạng và phong phú, nhưng chúng tôi không thể phân phối hết tất cả sản phẩm mà họ đã sản xuất được bởi 2 lý do.
Đầu tiên, nhiều sản phẩm gia dụng của Xiaomi chỉ để phục vụ nhu cầu nội địa Trung Quốc, tức các thông tin hướng dẫn sử dụng hoặc bảo hành không có tiếng Việt/Anh, không thích hợp bán ở Việt Nam. Thứ hai, nhiều sản phẩm Xiaomi khác nhập khẩu với mức thuế quá cao – như mức thuế xe đạp là 60%. Bằng cách nào đó, vài nguồn cung nhỏ lẻ nhập khẩu không có thuế mới có thể bán được.
Nhà máy Xiaomi tại Việt Nam đã hoạt động, nhưng nó sản xuất để bán khắp toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam. Vậy nên, sự việc này chỉ có ý nghĩa về mặt thương hiệu, kiểu như trước đó người Việt Nam được xài hàng Samsung Made in Vietnam. Người Việt sẽ cảm thấy có tình cảm hơn với thương hiệu Xiaomi vì đã mang tới nhiều công ăn việc làm cho đất nước này.
Whirlpool là công ty có 100 năm lịch sử, nhưng chỉ mạnh ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Họ đã chọn Việt Nam như cửa ngỏ để khai phá thị trường châu Á và Digiworld rất vinh dự được đồng hành cùng Whirlpool trong chiến lược này. Trong thời gian đầu, Digiworld sẽ phân phối máy giặt, tủ lạnh, máy rửa chén bát và tủ bếp cho Whirlpool; các sản phẩm này sẽ bán ra thị trường vào quý II/2022", ông Đoàn Hồng Việt bày tỏ.