Digiworld chuyển thêm kỳ vọng vào mảng thiết bị văn phòng từ sự xuất hiện của đề án "Chuyển đổi số Quốc gia"
Theo ban lãnh đạo của Digiword, động lực tăng trưởng của doanh nghiệp này trong tương lai sẽ đến từ 2 ngành hàng là thiết bị văn phòng và tiêu dùng. Trong 3 năm tới, họ hy vọng doanh thu mảng thiết bị văn phòng sẽ vượt qua máy tính.
Theo ban lãnh đạo của Digiword, động lực tăng trưởng của doanh nghiệp này trong tương lai sẽ đến từ 2 ngành hàng là thiết bị văn phòng và tiêu dùng. Trong 3 năm tới, họ hy vọng doanh thu mảng thiết bị văn phòng sẽ vượt qua máy tính.
Với việc trong vài năm nữa, mảng thiết bị thông minh như smartphone – laptop sẽ bước vào giai đoạn bão hòa, như các "ông lớn" trong ngành là Thế Giới Di Động hay FPT Retail, Digiworld cũng buộc phải tìm ngành hàng mới để bảo đảm sự tăng trưởng 2 con số mỗi năm.
Trong khi Thế Giới Di Động mạnh mẽ tiến quân vào ngành bán lẻ tiêu dùng với việc mua lại Điện Máy Xanh và xây dựng chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, còn FPT Retail đặt cược vào ngành dược phẩm qua hành động thâu tóm chuỗi nhà thuốc Long Châu, thì Digiworld nhắm đến mở rộng ngành hàng phân phối qua tiêu dùng và mới nhất là nhóm sản phẩm chuyển đổi số trong ngành hàng thiết bị văn phòng.
Năm 2017, Digiworld đã triển khai ngành hàng mới là ngành chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhanh (FMCG), với định hướng mảng này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục đi lên sau khi các ngành hàng cốt lõi là ICT hết không gian phát triển. Với những cố gắng của mình, doanh thu ngành tiêu dùng của Digiworld dự kiến tăng gần gấp đôi mỗi năm, cụ thể là 350 tỷ đồng năm 2019, 700 tỷ đồng năm 2020 và sẽ tăng 1.400 tỷ đồng vào năm 2021.
Ngược lại, Digiworld đã kinh doanh mảng thiết bị văn phòng từ lâu song họ vẫn chưa mấy chú trọng, nhưng với việc doanh thu mảng này tăng đột biến vào năm 2018 - tăng gấp đôi 2017 và lần đầu tiên vượt cột mốc 1.000 tỷ, cộng với sự xuất hiện của đề án "Chuyển đổi số Quốc gia", Ban lãnh đạo công ty nhận ra đây cũng là một mảng rất tiềm năng mà Digiworld có thể khai thác.
Tại dự thảo - đề án "Chuyển đổi số Quốc gia" đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến, đã đưa ra mục tiêu chung đến năm 2025: Việt Nam sẽ nằm trong top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia. Theo dự thảo, đề án này được chia làm ba giai đoạn: từ 2019 đến 2020 sẽ bắt đầu số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từ 2021 đến 2025 sẽ biến số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu; từ 2026 đến 2030 số hóa toàn bộ nền kinh tế - xã hội.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam sẽ nằm trong top 40, 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số, công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP, phát triển ít nhất 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo IDC (IDC Spending Guide), chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ xấp xỉ 2.000 tỷ USD vào năm 2022, xu hướng chuyển đổi số sẽ tăng đầu tư cả 3 mảng: phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Trong đó, chi phí đầu tư cho phần cứng và dịch vụ chiếm hơn 75% chi phí đầu tư chuyển đổi số trong năm 2019. Xu thế này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho mảng thiết bị văn phòng của Digiworld bao gồm các sản phẩm máy chủ - máy trạm, giải pháp năng lượng, internet vạn vật - IoTS, giải pháp mạng, phầm mềm, điện toán đám mây…
Năm ngoái, Digiworld đã ký kết hợp tác với EATON – tập đoàn quản lý năng lượng hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả cho các tổ chức và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng ký hợp tác với Synopsys – công ty cung cấp phần mềm và đã có hợp đồng cung cấp cho Trung Nguyên, Viettel Global…
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld chia sẻ: "Tăng trưởng năm 2019 của Digiworld hầu như đã được đảm bảo bởi hai hợp đồng mới được ký cuối năm 2018 và đầu năm 2019 với Nokia trong ngành điện thoại di động và Nestlé trong ngành hàng tiêu dùng.
Với mục tiêu trở thành công ty tỷ đô, thử thách lớn hơn dành cho ban điều hành là phải đưa ngành thiết bị văn phòng thành trụ cột tăng trưởng trong ICT, đồng thời phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng. Tôi tin rằng, với xu thế không thể đảo ngược của chuyển đổi số, mảng thiết bị văn phòng sẽ đạt tăng trưởng trung bình 25% và sẽ vượt mảng máy tính trong vòng 3 năm tới. Còn ngành hàng tiêu dùng, với quyết tâm và nhiệt huyết của tập thể Digiworld, sẽ có những bước phát triển đột phá hơn nữa trong tương lai".
Năm 2018, Digiworld đã xuất sắc vượt xa kế hoạch, đạt doanh thu 5.943 tỷ đồng, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế 109,2 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2017.
Với đà tăng trưởng này, Digiworld tiếp tục đặt kế hoạch năm 2019 với doanh thu 7.150 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng tăng 25% so với năm 2018. Tất nhiên, mảng máy tính bảng – máy tính xách tay và smartphone sẽ tiếp tục gánh trọng trách – dự kiến sẽ mang về 5.410 tỷ đồng, mảng tiêu dùng nhanh cùng thiết bị văn phòng là câu chuyện của tương lai.
Kết thúc quý I/2019, Digiworld đạt doanh thu 1,371 tỷ đồng, tăng 8% và đạt lợi nhuận sau thuế 24,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, công ty đã hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2019.
Đặc biệt, trong đó, ngành hàng thiết bị văn phòng đạt doanh thu 267 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 19% so với kế hoạch năm, còn ngành hàng tiêu dùng đạt doanh thu 53 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 15% so với kế hoạch năm.