'Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra' đối với nhiều thị trường chứng khoán

08/05/2022 10:25 AM | Kinh doanh

Một số chuyên gia chia sẻ nhận định với CNBC rằng nhiều thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với làn sóng bán tháo cổ phiếu trong mùa hè này.

Nhiều thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến tình trạng bán tháo trong mùa hè năm nay khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh tăng lãi suất, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, theo nhận định của một chuyên gia kinh tế.

Brunello Rosa, CEO kiêm giám đốc nghiên cứu tại Rosa & Roubini, một công ty tư vấn ông đồng sáng lập với nhà kinh tế học Nouriel Roubini, tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, và chắc chắn chúng ta sẽ phải đón nhận những thông tin không mấy tích cực liên quan tới hoạt động kinh tế trong tương lai.

“Bây giờ là thời điểm chúng ta đánh giá lại những nền tảng tăng trưởng kinh tế căn bản trên toàn cầu”, ông chia sẻ trong chuyên mục “Street Signs Europe” ngày 6/5 vừa qua. “Các thị trường thật khó để có thể lạc quan trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, trong khi tăng trưởng lại giảm xuống”, ông nói.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm hơn 1.000 điểm, chỉ số Nasdaq Composite giảm gần 5% trong phiên giao dịch 5/5, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ một ngày trước đó. Đà tăng điểm của thị trường sau khi Fed phủ nhận “không chủ động cân nhắc mức tăng lãi suất 0,75%” đã nhanh chóng bị lấn át bởi tâm lý quan ngại lãi suất cao có thể ảnh hưởng tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra đối với nhiều thị trường chứng khoán  - Ảnh 1.

Ông Andrew Bailey, thống đốc ngân hàng trung ương vương quốc Anh. Ảnh: Reuters.

Rosa cho biết nhà đầu tư ban đầu chào đón thông tin Fed sẽ không tăng lãi suất thêm 0,75%, nhưng ông cảnh báo rằng những đợt tăng lãi suất thêm 0,5% có thể sẽ xuất hiện liên tiếp trong một vài tháng tới. Ông cũng nhận định rằng ngân hàng trung ương Anh (BoE) là đơn vị thực tế nhất trước tình hình hiện tại khi họ thừa nhận rằng rủi ro nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái là hoàn toàn có thật.

“Rõ ràng là các ngân hàng trung ương đang tỏ ra khá kiên quyết ở thời điểm hiện tại. Nhưng thực tế là việc thắt chặt chính sách quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế”, ông nói.

“Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và tại Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương vẫn chưa ý thức đầy đủ rằng nhiều hoạt động kinh tế có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới”, ông bổ sung.

Ông cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine sẽ kéo dài hơn so với nhiều người dự báo, và đây là một trong những cơn gió chướng đối với nền kinh tế toàn cầu bên cạnh cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất cao.

Chỉ số Stoxx 600 khu vực châu Âu giảm 1,91% trong ngày 6/5, ngay sau phiên giao dịch “đỏ lửa” trên thị trường Mỹ. Chỉ số này đã giảm tổng cộng 11% trong năm 2022. Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,81%. Chỉ số Shanghai Composite giảm 2,16% trong khi chỉ số Shenzhen Component giảm 2,14%.

Theo CNBC

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM