Điện thoại chủ yếu "xuất ngoại" bằng đường hàng không
Loại hình vận tải chủ yếu để vận chuyển điện thoại và các hàng điện tử xuất khẩu là đường hàng không, trong khi dệt may, giày dép, thủy sản… xuất khẩu chủ yếu bằng đường thủy.
Theo thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình vận tải lần đầu tiên được Tổng cục Hải quan thực hiện và công bố (ngày 1-12-2016, liên quan đến phương thức vận tải trong hoạt động XNK năm 2015-PV), có 3 phương thức vận tải chủ yếu đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế là đường thủy, đường không và đường bộ. Trong đó đường thủy và đường không chiếm ưu thế.
Hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển chủ yếu qua đường không liên quan đến hàng điện tử như điện thoại, máy vi tính…
Biểu đồ các phương thức vận tải chủ yếu trong xuất khẩu điện thoại năm 2015. Đơn vị tính "tỷ USD'. Biểu đồ: T.Bình.
Dữ liệu lần đầu tiên được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, năm 2015, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại với trị giá 30,176 tỷ USD. Trong đó lượng điện thoại và linh kiện được xuất khẩu qua đường hàng không đạt trị giá 29,313 tỷ USD, chiếm hơn 97% tổng trị giá mặt hàng này. Số ít còn lại được xuất khẩu qua đường bộ, đường thủy và loại hình khác.
Một mặt hàng khác được đưa ra nước ngoài chủ yếu bằng đường không là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Trong 15,609 tỷ USD xuất khẩu mặt hàng này năm 2015, xuất khẩu bằng đường không đạt gần 10 tỷ USD, chiếm 64%; kế đến là đường thủy gần 5,5 tỷ USD, chiếm hơn 35,2%...
Bên cạnh đó, máy ảnh, máy quay phim cũng có phương thức xuất ngoại chủ yếu qua đường hàng không với trị giá đạt gần 2,9 tỷ USD, chiếm 95,5% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2015.
Trong khi đó, các mặt hàng chủ lực khác như dệt may; giày, dép; thủy sản… có phương thức vận tải chính là đường thủy. Trong đó, hàng dệt may xuất khẩu qua đường thủy với trị giá kim ngạch 20,247 tỷ USD, chiếm tới gần 89% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015.
Đối với mặt hàng giày, dép, trong tổng số 12 tỷ USD xuất khẩu năm 2015, có tới 96% đi bằng đường thủy (tương đương 11,508 tỷ USD).
Nhìn vào 46 nhóm hàng được Tổng cục Hải quan thống kê, đường bộ chỉ có ưu thế trong hoạt động xuất khẩu một vài mặt hàng có trị giá không lớn, đáng kể nhất là rau quả. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu 1,841 tỷ USD của mặt hàng rau, quả năm 2015, có 966 triệu USD được xuất khẩu qua đường bộ, chiếm gần 52,5%; đường thủy đạt 833 triệu USD, chiếm 45,3%; qua đường hàng không 42 triệu USD, chiếm khoảng 2,2%...
Theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), các hình thức vận tải được thống kê: Đường bộ bao gồm đường ô tô, đường sắt và các phương tiện khác đi theo đường bộ; Đường thủy bao gồm đường biển và đường sông; Phương thức vận tải loại khác bao gồm: đường dây, vận tải hỗn hợp và chưa đủ cơ sở để xác định chính xác…
Việc thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phân tổ theo phương thức vận tải là nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng số liệu thống kê ngày càng cao của đông đảo người dân, doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm khác.