Diện mạo huyện quy tụ toàn dự án tỷ USD ở Hà Nội chuẩn bị lên quận
Hà Nội dự kiến sẽ trình đề án đưa huyện Đông anh lên quận vào quý 4 năm nay.
Đầu tháng 3, Chủ tịch UBND Hà Nội đã ký, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồ án đầu tư xây dựng 5 huyện lên quận. Trong đó, Hà Nội sẽ trình đề án đưa huyện Đông Anh lên quận vào quý 4 năm nay. Trong ảnh là cầu Nhật Tân, một trong ba cây cầu lớn kết nối huyện với trung tâm Hà Nội.
Đông Anh cách trung tâm thành phố 18 km. Đây được coi là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Huyện có một thị trấn và 23 xã với diện tích 182,3 km², quy mô dân số khoảng 405.749 người (năm 2019).
Đông Anh sở hữu vị trí giao thông thuận lợi khi có hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài… Hiện huyện này còn được kết nối với trung tâm Thủ đô qua 3 cây cầu chính như: cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và cầu Đông Trù.
Năm 2022, kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn ước tăng 10,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tương đương với tỉnh Quảng Bình . Đông Anh có đến 2 khu công nghiệp lớn là khu công nghiệp Thăng Long và khu công nghiệp Đông Anh. Trong ảnh là khu công nghiệp Thăng Long. Nơi đây được lấp đầy với hơn 67 doanh nghiệp sản xuất và 20 văn phòng đại diện. Tổng số vốn đầu tư vào khoảng 660 triệu USD.
Trên địa bàn huyện có một số làng nghề truyền thống đang được đầu tư và phát triển mạnh mẽ như: sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà; sản xuất thép tại xã Dục Tú; trồng quất, đào ở Tàm Xá; nghề làm đậu phụ Võng La… Các làng nghề ở Đông Anh đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, tạo ra giá trị sản xuất mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng của huyện Đông Anh đang được xây dựng đồng bộ và ngày càng hoàn chỉnh. Nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư, thu hút hàng loạt các dự án bất động sản của các ông lớn như Vingroup, Sungroup, BRG. Có thể kể các dự án bất động sản nổi bật như: Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, khu Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia…
Đông Anh cũng quy tụ nhiều bệnh viện, phòng khám lớn như: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Bắc Thăng Long... Mạng lưới y tế đang được củng cố và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của người dân. Trong ảnh là cơ sở 2 của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có quy mô 1.000 giường bệnh. Bệnh viện này có diện tích trên 12 ha, với tổng kinh phí đầu tư là 2.000 tỷ đồng.
Các khu vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa cũng được huyện quan tâm và triển khai thực hiện. Đông Anh có nhà văn hóa được đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Công trình gồm một tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn gần 18.000 m2. Nhà văn hoá được thiết kế mái mô phỏng hình tượng mặt trống đồng Đông Sơn. Đây được coi là công trình tổ hợp mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống của huyện Đông Anh.
Huyện Đông Anh có nhiều lợi thế để phát triển văn hóa, dịch vụ. Trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn, có thể kể đến như: di tích thành cổ Cổ Loa, đền Sái thờ Huyền thiên Trấn Vũ, đình Ba Voi, đình Đào Thục… Trong ảnh là di tích thành cổ Cổ Loa, toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc.
Bản đồ hành chính huyện Đông Anh.