Dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P): Tiềm ẩn quá nhiều rủi ro

23/07/2018 08:32 AM | Kinh doanh

Mới xuất hiện ở Việt Nam, mô hình P2P là xu hướng đang phát triển, giúp đẩy mạnh tài chính toàn diện.

“Vay tiền nhanh trong 30 phút mà không cần gặp mặt”, “Đầu tư lãi suất 20%/năm” là những quảng cáo hấp dẫn của Cty cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P Lending).

Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này, nên khi tranh chấp xảy ra, bị xù nợ, công ty phá sản… rủi ro là cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Mới đây, sự kiện hàng loạt Cty cho vay ngang hàng ở Trung Quốc sụp đổ, ngành công nghiệp 192 tỉ USD của nước này chao đảo chính là lời cảnh báo rõ rệt nhất đối với Việt Nam.

Lướt di động vay tiền

Chị V.D (Hà Nội) cần tiền gấp, nhưng ngại ra ngân hàng vì thủ tục lằng nhằng. Qua bạn bè, chị V.D biết đến ứng dụng cho vay tiền trên di động. Nếu vay theo giấy đăng ký xe máy với số tiền cho vay bằng 50% giá trị xe Lead, chị V.D có thể nhận ngay 15 triệu đồng. Sau thời hạn 30 ngày, chị phải trả cả gốc vã lãi là 17.250.000 đồng, (lãi suất 15%/tháng).

Ngoài ra, chị V.D có thể chọn hình thức vay theo sổ hộ khẩu hoặc hoá đơn điện nước với tiền vay là 10 triệu trong 30 ngày. Đến hạn, tổng số tiền chị phải trả là 11.500.000 đồng (lãi suất 15%/tháng).

Cho vay ngang hàng là gì?

Nói đơn giản, người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính. Mô hình khá giống Uber, Grab trong kết nối người có nhu cầu đi xe và lái xe. Các Cty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...

Sự xuất hiện của các các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và giúp giảm bớt việc vay tín dụng đen.

P2P có ưu điểm gì? Người vay theo hình thức truyền thống phải đến ngân hàng trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe. Mô hình vay P2P có ưu điểm đơn giản hoá mọi thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng, lãi suất cạnh tranh...

Chưa có hành lang pháp lý

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia cho biết ở Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho P2P. Mọi quan hệ cho vay vẫn áp dụng theo Bộ luật Dân sự.

Trước đó, tháng 3.2017 NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Fintech nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech, trong đó một trong những lĩnh vực cốt lõi là mô hình P2P.

Tính pháp lý của hợp đồng giao dịch điện tử hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng - cho rằng: “Cần phải nhìn nhận lại hợp đồng dân sự dưới góc độ ký kết giao dịch trên mạng điện tử, chứng từ điện tử được lưu giữ ra sao. Các chính sách hiện còn khoảng trống cần bù đắp”.

Trả lời PV Báo Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) cho rằng “Rủi ro lớn nhất của mô hình P2P là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu “sức ép lớn” khi bị đòi nợ. Nếu các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết. Nhưng nếu công ty P2P tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.

Bài học cay đắng ở Trung Quốc khi hàng loạt công ty P2P thời gian gần đây phá sản, vỡ nợ, ông chủ ôm tiền bỏ chạy là tiếng chuông cảnh tỉnh. Các công ty P2P ở Trung Quốc hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình lừa đảo kim tự tháp, người cho vay vì ham lãi suất cao giờ hốt hoảng đòi hoàn tiền.

Mù mờ thông tin

Toàn bộ khâu thẩm định hồ sơ vay đều do người cho vay tự đánh giá. Vì công ty P2P chỉ là “người mai mối” nên không chịu trách nhiệm nếu người vay “xù nợ”, người cho vay sẽ “lãnh đủ” nếu không có kinh nghiệm thẩm định lý lịch người vay.

Đối với ngân hàng, thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) vô cùng quan trọng. Nhờ CIC mà ngân hàng có cơ sở dữ liệu đánh giá tín dụng của khách hàng và quyết định phần lớn vào việc có cho vay không? Tuy nhiên, qua P2P, người cho vay hoàn toàn không biết thông tin này.

Trả lời PV của VTV24, ông Trần Thế Vĩnh - TGĐ Tima Group - cho biết: “Giao dịch chỉ thực sự diễn ra khi đơn vị cho vay gặp gỡ tiếp xúc với người vay. Họ thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của người vay trước khi họ cho vay hay không. Chúng tôi (Công ty Tima - PV) không có trách nhiệm khi xảy ra nợ xấu…”.

Xu hướng không thể chối bỏ hay sẽ bị cấm?

Các chuyên gia đang có những ý kiến trái chiều về P2P. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng “Mô hình này nhiều rủi ro, không nên khuyến khích nhân rộng ở Việt Nam khi chưa có hành lang pháp lý”.

Tuy nhiên, giám đốc công ty P2P cho rằng “Đây là dịch vụ góp phần vào tài chính toàn diện. Công nghệ là cánh tay nối dài cho các ngân hàng và Cty tài chính để hướng tới các khách hàng khó có khả năng chứng minh tài chính nhưng thông qua nguồn dữ liệu khác, cách chấm điểm khác thì vẫn có thể tạo ra cơ hội người vay tiếp cận được nhiều nhà đầu tư”.

Tại một số nước trên thế giới, mô hình P2P phát triển khá thành công và đem lại lợi ích góp phần vào tài chính toàn diện. Tại Hội thảo Khung chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tài chính toàn diện ngày nay đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, là chìa khóa giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội. Tại Việt Nam, người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại.

“Đây là một sáng tạo của nền kinh tế số và là xu hướng không thể cấm. Trong bối cảnh tỉ lệ tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp còn thấp như nước ta, đây mô hình nên khuyến khích. Tuy vậy, cần có biện pháp kiểm soát những Cty biến tướng” - một chuyên gia cho biết.


Trung Quốc lao đao về dịch vụ cho vay ngang hàng

Trang phân tích tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg cho hay: Các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỉ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2%. Chủ yếu là khách hàng cá nhân sẵn sàng chi trả mức lãi cao do không thể tiếp cận với các kênh ngân hàng chính thống.

Theo số liệu thống kê của Yingcan Group có trụ sở tại Thượng Hải, tính từ đầu tháng đến hôm 20.7, ít nhất 118 nền tảng cho vay P2P đã sụp đổ trong khi cách đây 3 ngày con số chỉ là 57 vụ. Con số nói trên - bao gồm cả các nền tảng đang tạm thời ngừng hoạt động hoặc đang bị cảnh sát điều tra - là cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Cơ quan giám sát ngành ngân hàng của Trung Quốc phát đi một lời cảnh báo bất thường rằng người gửi tiền nên chuẩn bị sẵn tinh thần mất trắng số tiền đã đầu tư vào các sản phẩm lợi suất cao. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng quá trình đăng ký rất phức tạp để làm sạch hệ thống cho vay ngang hàng. Có 160 vấn đề bất ổn được chỉ ra như lãi suất quá cao, nguồn vốn huy động được sử dụng sai mục đích và các con số về lợi suất bị thổi phồng. L.A

Theo Lan Hương

Từ khóa:  cho vay , p2p
Cùng chuyên mục
XEM