Dịch Corona bùng phát khiến giới doanh nhân ngày càng dùng nhiều "Force Majeure" để hủy hợp đồng

12/02/2020 10:30 AM | Kinh doanh

Vậy "Force Majeure" là gì?

Dịch Corona hiện đang hoành hành trên thế giới đang khiến rất nhiều người lo lắng. Tổng số người thiệt mạng tại Trung Quốc vì dịch bệnh này đã vượt con số 1.100, cao hơn cả số người chết vì dịch Sars cách đây 17 năm. Hiện Trung Quốc đã xác nhận hơn 44.600 người nhiễm virus Corona trong khi 24 nước trên toàn cậu đã xác nhận 319 trường hợp.

Tuy nhiên đối với giới doanh nhân, ngoài thách thức đình trệ sản xuất cũng như ảnh hưởng doanh số, việc vi phạm các hợp đồng cũng là một trong những rủi ro họ phải đối mặt vì Corona. Hãy tưởng tượng những hợp đồng giao dầu mỏ, nguyên liệu hay các sản phẩm gia công bị đình trệ do Corona tại các bến cảng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?

Bởi vậy, những ngày gần đây cụm từ "Force Majeure", hay còn gọi là "Điều kiện bất khả kháng" trong các hợp đồng được mọi người lưu tâm khá nhiều.

Dịch Corona bùng phát khiến giới doanh nhân ngày càng dùng nhiều Force Majeure để hủy hợp đồng - Ảnh 1.

Force Majeure là gì?

Điều kiện bất khả kháng hay Force Majeure là một điều khoản khá phổ biến trong các hợp đồng, về cơ bản sẽ giải phóng các bên liên quan khỏi các trách nhiệm pháp lý hay bổn phận khi các sự kiện, tình huống bất ngờ diễn ra nằm ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh, đình công, thiên tai hay dịch bênh.

Điều khoản này cho phép các bên miễn hoàn thành nghĩa vụ hay bổn phận của mình theo hợp đồng mà không bị truy cứu pháp luật.

Tuy nhiên, điều khoản này không bào chữa cho các sơ suất hay hành vi phi pháp của các bên liên quan. Ví dụ như việc không hoàn thành nghĩa vụ do những hậu quả thiên tai thông thường như một trận mữa làm ngừng sự kiện dự kiến được tổ chức hay những tác động vào việc thực thi hợp đồng đã được các bên dự tính rõ ràng .

( Dịch corona ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới ra sao? Xem thêm tại đây)

Nói đơn giản hơn, điều khoản này không thể trở thành lý do bào chữa cho một bên vi phạm hợp đồng vì những khó khăn khiến họ tốn thêm thời gian, tiền bạc để hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Các tòa án quốc tế thường không ủng hộ những điều khoản bất khả kháng có trong hợp đồng, nhưng họ vẫn sẽ thực thi nếu không có pháp luật hợp đồng nào bị vi phạm.

Dịch Corona bùng phát khiến giới doanh nhân ngày càng dùng nhiều Force Majeure để hủy hợp đồng - Ảnh 2.

Corona có phải là Force Majeure?

Quay trở lại tình hình dịch bệnh Corona với rất nhiều chuyến hàng bị kẹt tại cảng, những nhà máy chưa thể giao hàng vì nhân viên bị cách ly ở quê hay rất nhiều ảnh hưởng khác. Theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh Corona hiện nay đã đạt tiêu chuẩn để coi là Force Majeure nhưng bất kỳ công ty nào có điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng cũng phải chứng minh được mình không thể hoàn tất nghĩa vụ đã ký vì Corona.

Xin được nhắc lại, việc không thể hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng không đồng nghĩa với việc có thể làm nhưng sợ tốn tiền bạc và thời gian. Bởi vậy nếu bằng chứng không được tòa án công nhận, bên vi phạm hợp đồng vẫn sẽ bị xử phạt.

"Dịch Corona không phải là lý do hoàn toàn xác đáng để viện dẫn Force Majeure. Bạn phải nhìn vào tình hình thực tế và những hệ quả gây ra cho các bên để xử lý", chuyên gia Scannapieco của hãng luật Baker Donelson nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Vanessa Miller của hãng luật Foley&Lardner cho biết những hợp đồng thương mại xuyên biên giới thường có điều khoản bất khả kháng. Dẫu vậy những điều khoản này thường không được chú trọng và bị các bên sao chép y nguyên từ hợp đồng này qua hợp đồng khác. Hệ quả là khi Corona bùng phát, rất nhiều bên tranh cãi, kiện cáo lẫn nhau về những điều khoản trong hợp đồng.

Thông thường Force Majeure không nói đến dịch bệnh cụ thể trong các hợp đồng nhưng lại có đề cập đến những động thái từ chính phủ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Việc chính quyền Bắc Kinh hay chính phủ nhiều nước yêu cầu lao động hoãn trở về làm việc, cách ly thành phồ hay tạm đóng cửa các nhà máy, thị trường… có thể được coi là Force Majeure tùy theo mức độ ảnh hưởng của chúng đến các bên trong hợp đồng.

Dịch Corona bùng phát khiến giới doanh nhân ngày càng dùng nhiều Force Majeure để hủy hợp đồng - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp khóc ròng vì Force Majeure

Gần đây, nhiều công ty lớn của Trung Quốc như hãng khí đốt quốc doanh CNOOC đã phải hủy hợp đồng với ít nhất 3 đối tác mà theo nhiều nguồn tin là do Force Majeure. Tập đoàn dầu mỏ Pháp Total mới đây cũng thừa nhận bị một hãng dầu khí Trung Quốc hủy hợp đồng vì điều kiện bất khả kháng.

Cách đây 1 tuần, một doanh nghiệp khai thác đồng ở miền đông nam Trung Quốc cũng đã phải dùng Force Majeure để hủy hợp đồng.

Ngày 31/1/2020, một hãng môi giới thương mại quốc tế Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấp chứng nhận Force Majeure cho bất kỳ công ty nào đang hợp tác với hãng và bị ảnh hưởng bởi Corona.

Tất nhiên, việc sử dụng Force Majeure sẽ khiến 1 bên chịu thiệt hại và đây là lý do các toàn án thương mại quốc tế thường không ủng hộ việc đưa các điều khoản bất khả kháng vào hợp đồng. Nhiều công ty dù chịu thiệt hại khi đối tác viện dẫn Force Majeure để hủy hợp đồng nhưng không muốn tốn tiền kiện cáo mà chuyển sang tìm kiếm các đối tác tin cậy hơn.

Theo hãng tin Bloomberg, trên thực tế Force Majeure được rất nhiều hãng Trung Quốc sử dụng trước cả khi có đại dịch Corona. Ví dụ trên thị trường khí đốt, người ta thường giao dịch theo hợp đồng kỳ hạn, tức là mua hàng cho tương lai do tốn thời gian khai thác, vận chuyển. Dẫu vậy nhiều người mua Trung Quốc lại viện dẫn các Force Majeure để từ chối những chuyến hàng theo hợp đồng kỳ hạn nếu họ tìm được một nguồn bán khí đốt rẻ hơn.

Dịch Corona bùng phát khiến giới doanh nhân ngày càng dùng nhiều Force Majeure để hủy hợp đồng - Ảnh 5.

AB

Cùng chuyên mục
XEM