Địa phương là quán quân tăng trưởng, á quân năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ đầu tư hơn 95.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế
Đặc biệt, tổng số vốn đầu tư công này sẽ dành 80% cho các dự án hạ tầng trọng điểm.
Hải Phòng là một trong những thành phố có nền kinh tế phát triển tốt, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra. Trong giai đoạn 2017 - 2021, kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tăng trưởng bình quân 5 năm 2017- 2021 đạt 14,1%/năm.
Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2021, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng luôn là vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong danh sách những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2021 (%). Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng.
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 vừa qua là một năm thành công đối với TP. Hải Phòng. Tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước; thu ngân sách đạt 94.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,1 tỷ USD, gấp 3,4 lần so với năm 2020 và đứng vị trí số 1 cả nước.
Hải Phòng trở thành bến đỗ của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng năm 2021, Hải Phòng đã có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn FDI hơn 327 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, trong đó dự án của LG Display Hải Phòng với 2 lần điều chỉnh và tăng 2,15 tỷ USD vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Hải Phòng có nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, sẽ khởi công trong năm 2022, điển hình như: Các bến số 5, 6 Cảng nước sâu Lạch Huyện; Dự án Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn 11.100 tỷ đồng,…
Trong quý 1/2022, Hải Phòng có mức tăng trưởng khá, đạt 10,04% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn gấp 2 lần so với bình quân của cả nước (5,03%).
Tính đến ngày 21/4/2022, Hải Phòng thu hút nguồn vốn FDI đạt trên 640 triệu USD. Trong năm 2022, Hải Phòng phấn đấu thu hút vốn FDI đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của Hải Phòng đã thu hút được một số dự án của các tập đoàn kinh tế lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc),…
Xét về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong năm 2021, thành phố Hải Phòng đã bứt phá 5 bậc, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố với 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020 và nằm trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.
Điểm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và xếp hạng giai đoạn 2017 - 2021. Nguồn: VCCI.
Kết quả Chỉ số PCI năm 2021 đã ghi nhận những nỗ lực của Hải Phòng trong việc tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hàng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng.
Cùng với đó, trong năm 2021, Hải Phòng đã nỗ lực cải thiện 17 bậc về xếp hạng Tính minh bạch, 10 bậc về Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương và 2 bậc trong xếp hạng về Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Để tạo đà phát triển vượt bậc cho thành phố, Hải Phòng sẽ chi hơn 95.000 tỷ đồng cho phát triển kinh tế. Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Hải Phòng khoảng 95.032 tỷ đồng. Trong đó, thành phố tập trung phân bổ nguồn lực để chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao đông, hạ tầng khu công nghiệp, phát triển du lịch; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, thành phố sẽ dành 80% số vốn đầu tư công bố trí cho các dự án trọng điểm. Cụ thể, nguồn vốn sẽ được tập trung cho các dự án lớn như: Đường Vành đai 2, Vành đai 3, các tuyến đường giao thông kết nối khu trung tâm hành chính – chính trị thành phố; cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Rào 3,…
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200 ha. Các khu công nghiệp mới được xây dựng nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với TP. Hải Phòng.