Địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước đón dòng vốn FDI cao kỷ lục trong 4 tháng đầu năm
Trong 4 tháng đầu năm, địa phương này đã đón dòng vốn FDI lên tới 2,41 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh nghiệp lớn đến từ từ Đan Mạch đã đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, dòng vốn FDI vào Bình Dương đạt 2,41 tỷ USD, tăng 390% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào khu công nghiệp trên địa bàn với gần 1,8 tỷ USD, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn khoảng 39,3 tỷ USD.
Mới đây, hai doanh nghiệp lớn đến từ Đan Mạch là Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN VSIP 3 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Hai doanh nghiệp đầu tư hơn 1,1 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động tại Việt Nam.
Tập đoàn LEGO ký kết hợp tác với chủ đầu tư KCN VSIP tại Bình Dương để xây dựng nhà máy trung hoà carbon có giá trị 1 tỷ USD. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024.
Cùng với đó, Tập đoàn Pandora (chuyên về trang sức) đã ký kết với chủ đầu tư KCN VSIP 3 để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Các nhà máy này có quy mô lớn, sử dụng 100% năng lượng tái tạo điện mặt trời, được đầu tư xây dựng vào khu công nghiệp ở Bình Dương.
Hiện nay, Bình Dương có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Các KCN lớn trên địa bàn tỉnh gồm: Mỹ Phước, Bàu Bàng, Sóng Thần III, Việt Nam – Singapore I và II, … Trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, hơn 70% thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng.
Toàn tỉnh có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư. Cùng với đó, để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh.
Việc xây thành phố thông minh của Bình Dương gắn liền với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Không chỉ vậy, Bình Dương còn tập trung hướng tới đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An tại Bình Dương đã gần như cạn kiệt. Do đó, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.
Theo định hướng phát triển kinh tế của Bình Dương, tỉnh lấy công nghiệp làm nền tảng, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, Bình Dương là tỉnh được đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước trong năm 2021. Điều này thể hiện rõ tinh thần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư của tỉnh.
Cùng với đó, trong thời gian tới, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh sẽ sớm triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng. Một trong số dự án điển hình đó là dự án đường vành đai 3, mở rộng quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn,…