Địa ốc Alibaba lại làm khó khách hàng

16/07/2018 14:48 PM | Bất động sản

Dù chưa ký biên bản thanh lý hợp đồng, công ty địa ốc Alibaba đã mang lô đất của khách hàng đi bán lại cho người khác.

Trễ 2 ngày, bị thanh lí hợp đồng

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, chị N.T.N (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết tháng 1-2018, 2 vợ chồng chị đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Alibaba Tân Thành 2 của Công ty CP Địa ốc Alibaba.

Theo đó, 2 vợ chồng chị đã đóng tiền cho công ty 2 đợt theo đúng tiến độ mà hợp đồng đưa ra. Tuy nhiên, đến đợt đóng tiền thứ 3, do khó khăn về tài chính, hai vợ chồng chị đã làm đơn xin gia hạn thời gian đóng tiền (30 ngày) theo đúng điều khoản được ký kết trong hợp đồng mua bán giữa 2 bên.

 Địa ốc Alibaba lại làm khó khách hàng  - Ảnh 1.

Công ty địa ốc Alibaba dẫn khách đi xem đất nền ở Long Thành, Đồng Nai.

"Ngày đóng tiền của tôi là 12-5, tôi có gia hạn thêm 1 tháng thì hạn đóng tiền là 12-6. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, do kẹt việc gia đình nên ngày 14-6 tôi mới chuyển khoản được cho công ty. Thời điểm đó, thay vì chỉ đóng tiền đợt 3, thì 2 vợ chồng đã thanh toán luôn cả đợt 4 do đã tới hạn. Tôi chuyển khoản tiền cho công ty vào buổi chiều thì đến sáng hôm sau, lại nhận được thông tin, lô đất mà tôi mua đã bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng và mang ra thanh lý, bán cho người khác" - chị N kể.

Quá bức xúc, 2 vợ chồng chị đã lên tận công ty Alibaba để yêu cầu được gặp ban lãnh đạo công ty. "Khi tụi tôi tới nơi, ông Luyện (Thái Văn Luyện - CEO của địa ốc Alibaba) xuống chỉ tay vô khách hàng bảo nhân viên đuổi về chứ ông không tiếp. Ông còn thách đố báo chí hay cơ quan chức năng tới làm việc với thái độ hết sức ngông ngênh" - chị N., bức xúc.

Một điều bất ngờ, là dù trễ hạn thanh toán chỉ 2 ngày nhưng trên thông báo công nợ của công ty, 2 vợ chồng chị đã trễ hạn thanh toán tới… 56 ngày. "Rất nhiều người bị tình trạng giống 2 vợ chồng tôi, chỉ trễ hạn thanh toán 1, 2 ngày nhưng công ty lại nói lên thành 50 – 80 ngày để làm cớ thanh lý hợp đồng. Nói thật, tôi đi mua đất cũng nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào khách hàng trễ hạn chỉ 2 ngày mà đã khăng khăng đòi thanh lý" - chị N nói.

Tìm hiểu kỹ hơn, PV Người Lao Động được biết trong hợp đồng giữa 2 bên, không hề thể hiện ngày tháng ký kết. Tất cả các mốc thời gian thanh toán, chỉ căn cứ "miệng" giữa khách hàng và nhân viên sale từ lúc ký hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng cũng có rất nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng như công ty không có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng đóng tiền; trong trường hợp thanh lý hợp đồng, khách hàng chỉ nhận lại được 50% số tiền đã đóng…

Đáng nói hơn là đến ngày 10-7-2018, chị N. và công ty Alibaba mới ký biên bản thanh lý hợp đồng nhưng ngày 3-7-2018, lô đất nói trên đã được công ty mang đi bán cho người khác.

"Đây giống như là công ty cố tình kiếm chuyện để thanh lý hợp đồng với tôi. Vì lô đất đó, thời điểm chúng tôi mua giá chỉ hơn 290 triệu đồng, nay công ty thu hồi lại và bán ra với giá hơn 500 triệu đồng. Lúc chào bán cho chúng tôi, họ nói hay lắm, hứa hẹn đủ kiểu, nhưng giờ xảy ra chuyện mới biết, là hầu như mọi bất lợi đều nằm về phía khách hàng" - chị N thông tin thêm.

 Địa ốc Alibaba lại làm khó khách hàng  - Ảnh 2.

Một buổi mở bán dự án của địa ốc Alibaba

Đang bị điều tra vẫn vô tư mở bán sản phẩm

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, giữa tháng 11-2017, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) phát ra cảnh báo về hoạt động "mờ ám" của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba đã mạo nhận chủ đầu tư, tiến hành nhận đặt chỗ của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (Công ty Alibaba đổi tên thành dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi).

Ngay sau cảnh báo của HoREA, hàng loạt cơ quan, ban ngành tại TP HCM đã vào cuộc kiểm tra, rà soát lại hoạt động của công ty này để có phương án xử lý.

Ngày 23-11-2017, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46)- Bộ Công an cũng đã làm việc với các sở, ngành tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại những địa phương này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù đã hơn 7 tháng, phía C46 vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về vụ việc nói trên, khiến dư luận đang hoài nghi về việc vụ án có dấu hiệu "chìm xuồng".

Trong thời gian này, công ty Alibaba vẫn ngang nhiên chào bán thêm nhiều dự án, trong đó nhiều dự án bán cho khách hàng đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có pháp lý, sổ và thậm chí chưa giao nền rõ ràng. Một số khách hàng đã từng phản ánh với phóng viên về tình trạng này và cho biết đến nay công ty vẫn chưa giao đất. Có người phải chấp nhận bán lại cho công ty nhưng chưa nhận được tiền, có người thì chưa thỏa thuận được giá để bán lại cho địa ốc Alibaba.

Đáng nói, tại một số thời điểm, công ty này đã nâng mức cam kết lợi nhuận sau 1 năm ở các dự án do địa ốc Alibaba mở bán lên đến 38% mà không có bất cứ ràng buộc pháp lý cụ thể nào.

Nhận định về hoạt động của Công ty Alibaba, một chuyên gia bất động sản cho rằng công ty này có dấu hiệu của hoạt động huy động vốn.

"Một sản phẩm bất động sản, có thể sinh lời cao ở mức 30% – 40% không phải là chuyện hiếm nhưng chỉ là những dự án ở quy mô nhỏ và có tính thời vụ. Nhưng ở đây, công ty này luôn cam kết lợi nhuận trả cho khách hàng ở mức 28% – 38% là điều bất thường. Bởi nếu trả cho người mua mức lãi như vậy thì công ty phải đạt mức sinh lời ít nhất 50%. Điều này là không thể ở tất cả các dự án" - vị này nói.

Cũng theo chuyên gia này, hình thức cam kết lãi suất của công ty Alibaba gần giống với việc huy động vốn của một số cá nhân, tổ chức trước đây. Tức là dùng tiền của người mua sau để trả lãi cho người mua trước. Cho đến khi mức huy động vốn quá lớn, công ty không còn khả năng chi trả hoặc cố tình không chi trả, thì sẽ dẫn đến việc người mua rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Theo Sơn Nhung - Minh Nghĩa

Từ khóa:  địa ốc , Alibaba
Cùng chuyên mục
XEM