Đi bộ là “thuốc trường thọ” nhưng cần đảm bảo “4 không”, nếu không công sức đổ sông đổ bể

03/04/2024 17:00 PM | Sống

Đi bộ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe mỗi người. Thế nhưng chúng ta chỉ thực sự nhận được lợi ích nếu như đảm bảo “4 không” dưới đây.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chúng ta cần tăng cường vận động để có được sức khỏe tốt nhất. Trong đó, đi bộ là 1 trong những cách vận động được nhiều người lựa chọn. Đây là phương pháp luyện tập đơn giản, giúp nâng cao sức khỏe, sức bền. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đi bộ là cách tăng cường sức khỏe, đồng thời làm giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, có thể điều hòa huyết áp, duy trì vóc dáng thon gọn, cân nặng hợp lý…

Đi bộ là “thuốc trường thọ” nhưng cần đảm bảo “4 không”, nếu không công sức đổ sông đổ bể - Ảnh 1.

Đi bộ mang đến nhiều lợi ích to lớn cho cơ thể.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đi bộ đúng cách, khoa học. Khi mắc sai lầm trong việc đi bộ, công sức của chúng ta sẽ đổ sông đổ bể. Bởi vậy, nếu muốn đi bộ khoa học và hiệu quả nhất, mỗi người cần đảm bảo yếu tố này.

1. Không quên khởi động

Nhiều người thường nghĩ rằng đi bộ là phương pháp luyện tập đơn giản nên có thể bỏ qua bước khởi động. Thực tế, đây là suy nghĩ sai lầm, ảnh hưởng tới hiệu quả tập luyện của chúng ta.

Khi đột ngột đi bộ, cơ thể chưa thích nghi được với điều này và dễ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đi bộ cũng có thể dẫn đến chấn thương nếu như chúng ta không vận động đúng cách. Bởi vậy, ta cần tập các động tác giãn cơ trước khi đi bộ như giãn cơ bắp chân, cơ gân kheo, cơ tứ đầu đùi…

2. Không quên uống nước

Thêm 1 lưu ý chúng ta cần ghi nhớ khi đi bộ chính là cần bổ sung nước đầy đủ. Trước khi đi bộ khoảng 2 - 3 tiếng, bạn nên uống đủ nước, tránh để cơ thể thiếu nước khi đang tập luyện. Khi chúng ta cung cấp đủ nước cho cơ thể, các khớp sẽ hoạt động linh hoạt hơn, điều hòa thân nhiệt, giúp cơ thể không cảm thấy khó chịu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ước lượng mức nước nên bổ sung vào cơ thể. Nếu bổ sung quá nhiều nước, ta cũng có thể cảm thấy khó chịu khi đi bộ làm ảnh hưởng tới hiệu quả.

3. Không quên thời điểm lý tưởng

Nhiều người có thói quen đi bộ vô tội vạ, không đúng thời điểm nên hiệu quả giảm xuống. Thời điểm phù hợp nhất để chúng ta đi bộ là 5-7 giờ sáng hoặc 4-7 giờ tối. Buổi sáng là lúc chúng ta nên chăm chỉ vận động để có được cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn. Tùy vào điều kiện thời tiết, chúng ta có thể thay đổi 1 chút thời gian đi bộ. Ví dụ, trong mùa đông, chúng ta nên đi bộ muộn hơn 1 chút, khoảng 6-7 giờ.

Đi bộ là “thuốc trường thọ” nhưng cần đảm bảo “4 không”, nếu không công sức đổ sông đổ bể - Ảnh 2.

Chúng ta nên đi bộ trong 2 khung giờ sáng, chiều tối.

Buổi tối cũng là thời điểm lý tưởng để đi bộ vì cơ thể đang hoạt động ở mức cao nhất. Chúng ta không nên tập thể dục quá muộn, nhất là sau khi ăn vì sẽ ảnh hưởng tới vấn đề tiêu hóa.

4. Không sai tư thế

Nhiều người nghĩ rằng đi bộ là phương pháp luyện tập dễ nhất nên họ cũng không quan tâm tới tư thế đi bộ đúng. Không ít người có thói quen tám chuyện, vung tay vung chân khi đi bộ. Đây là sai lầm khiến chúng ta đi bộ đều đặn, thường xuyên nhưng không mang lại kết quả gì.

Nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp này, chúng ta cần đi bộ đúng tư thế. Khi đi bộ, chúng ta phải giữ cột sống thẳng, không chúi về phía trước cũng không ngả ra phía sau. Mỗi người cần lưu ý không được khom lưng, thu vai… khi đi bộ. Chúng ta nên để tay vung tự nhiên nhưng không vung quá mạnh. Bên cạnh đó, ta nên sử dụng những bộ đồ thể thao để tiện di chuyển, kèm 1 đôi giày vừa vặn, êm chân.

(Tổng hợp)

Theo Huyền Giang

Cùng chuyên mục
XEM