"Despacito" - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin?

18/08/2017 09:14 AM | Sống

Không chỉ là một thứ giai điệu giải trí bắt tai, "Despacito" còn là phép màu vực dậy sự nghiệp Luis Fonsi, cũng như nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin.

Với ngôi vị quán quân tại bảng xếp hạng âm nhạc của 45 quốc gia trên toàn thế giới, liên tục đứng đầu suốt 12 tuần trên bảng xếp hạng Billboard hot 100 và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, "Despacito" đích thực là ca khúc của mùa hè 2017. Trái ngược với tên gọi "Despacito" (có nghĩa là "thật chậm"), ca khúc lại có bước thăng hạng thần tốc và thành công nhanh chóng.

Được phát hành vào hồi đầu năm, chỉ sau 7 tháng, "Despacito" đã cán mốc 3,2 tỷ lượt xem trên YouTube và gần 2 tỷ lượt nghe trên các trang nghe nhạc số như Spotify hay Deezer, trở thành bài hát có số lượt truy cập cao nhất trên các trang này.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 1.

Không chỉ thế, "Despacito" đã phá mọi kỷ lục kể cả về số lượt người truy cập cho tới lượng tải trên thị trường trực tuyến, đánh bại đối thủ đáng gờm "See you again" của Charlie Puth và Wiz Khalifa cũng như ca khúc đình đám "Gangnam Style" của Psy.

Vào tháng 3, "Despacito" đứng đầu bảng xếp hạng Latin Airplay Chart, và chỉ sau 97 ngày từ khi ra mắt, video đã đạt tới một tỷ lượt xem. Không những thế, khi bản remix "Despacito" (phiên bản tiếng Anh) của Justin Bieber ra mắt, single trở thành bài hát tiếng Tây Ban Nha đầu tiên đứng đầu ở Billboard Hot 100 và trụ vững hơn chục tuần liên tiếp.

Điều gì đã khiến cho một ca khúc tiếng Tây Ban Nha dành được lượt view khủng và được dịch ra làm 16 phiên bản ứng với 16 thứ tiếng khác nhau. Điều gì đã khiến vực dậy được một tên tuổi dần bị lãng quên? Luis Fonsi chắc cũng không thể tiên liệu được sự thành công ngoài mong đợi của "Despacito" và tầm ảnh hưởng không tưởng của nó, không chỉ đối với sự nghiệp của riêng anh mà còn cả với quê hương Puerto Rico.

Chàng ca sĩ tài năng chưa gặp thời và chặng đường dài bền bỉ

Luis Fonsi sinh ra tại thủ đô San Juan, Puerto Rico. Năm 11 tuổi, anh rời quê hương chuyển đến Orlando và sau đó là Miami, nhưng vẫn thường quay lại San Juan hằng năm để thăm gia đình. Chất hào hoa, tính cách nồng nhiệt rất Puerto Rico chưa bao giờ bị vùi lấp trong trái tim người đàn ông xa quê hương từ nhỏ này.

Vẻ đẹp trai lãng tử đặc trưng của đàn ông Nam Mỹ cộng với chất giọng ngọt ngào truyền cảm, Luis Fonsi nhanh chóng tìm được chỗ đứng trong làng nhạc Latin. Anh từng ghi âm 9 album nhạc pop latin, cũng từng đóng phim truyền hình nhiều tập và làm tốt vai trò của một nhạc sĩ với nhiều bản ballad latin. Tuy nhiên, chỉ với "Despacito" thì cái tên Luis Fonsi mới chính thức vươn ra tầm thế giới.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 2.

Có lẽ nếu không nhờ "Despacito" thì sẽ ít ai lục lại lịch sử ca hát khá vẻ vang của chàng ca sĩ 39 tuổi này. Nhận danh hiệu đĩa vàng năm 19 tuổi với album "Comenzeré", anh từng hợp tác với Christina Aguilera song ca bản "Si no te hubiera conocido" trong album tiếng Tây Ban Nha của cô. Nam ca sĩ cũng từng hát mở màn cho những tour diễn vòng quanh nước Mỹ của Britney Spears và còn từng biểu diễn trong lễ trao giải Nobel tại Oslo năm 2009 trước Cựu tổng thống Barack Obama.

Nhưng tất cả chỉ dừng chân ở đó, Luis không thể tiến xa hơn thị trường Nam Mỹ và một vài ca khúc tiếng Tây Ban Nha song ca cùng những ca sĩ nổi tiếng khác. Cánh cửa đưa anh ra thế giới vẫn luôn đóng kín trước mặt, Luis Fonsi vẫn chưa làm được điều mà Marc Anthony hay Enrique Iglesias đã làm được dù có một nền tảng khá tốt. Mãi đến năm 2003, Luis mới cho ra mắt được album đầu tiên tại Anh.

Những năm 2000 là những năm tháng khá tĩnh lặng trong sự nghiệp của Luis Fonsi, chật vật với chất liệu quá quen thuộc và kén người nghe nhạc. Nguồn cảm hứng bị bó buộc trong những bản ballad tuy ngọt ngào mà thiếu đi chất riêng, anh hài lòng với cương vị của một nhà sản xuất, lùi lại hậu trường và sáng tác nhiều hơn, dù vẫn hạnh phúc bên người vợ vốn là siêu mẫu người Tây Ban Nha Adamari Lopez vừa xinh đẹp vừa là hậu phương vững chắc.

Phải đến năm 2007, nắm bắt được xu hướng nhạc điện tử đang lên ngôi, Luis mới quyết định làm mới mình với dòng nhạc reggaeton đặc trưng Nam Mỹ, cùng Wisin y Yandel cho ra đời ca khúc "Yo te Quiero".

Để có thể chạm tới bộ phận người nghe nói tiếng Anh, sau đó là khán giả toàn cầu, nhất là thị trường châu Âu vốn nổi tiếng là khó tính, Luis đã phải chờ đợi gần hai mươi năm trời để tạo được một cú bứt phá ngoạn mục. Vẫn là ca từ nóng bỏng ướt át, nhưng lần này trên một nền nhạc thời thượng và bắt tai hơn, hit "Despacito" đã thành công ngay tức khắc trong việc chinh phục giới hâm mộ trẻ tuổi trên thị trường quốc tế và đưa tên tuổi Fonsi lên khắp các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của thế giới.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 3.

Ngày 16 tháng 6 vừa qua, Luis đã ra mắt thành công album "Despacito & Mis Grandes Éxitos", phát hành riêng cho thị trường Pháp, tập hợp bản thu gốc của "Despacito", bản remix cùng Justin Bieber, bản salsa với Victor Manuelle và ca khúc "Wave your flag" cùng phù thủy âm thanh Afrojack. Được biết, album này sẽ cho ra mắt toàn thế giới vào ngày 15 tháng 9 tới đây.

Phép màu cho nền kinh tế Puerto Rico

Với vỏn vẹn 3,4 triệu dân, hòn đảo nằm trong vùng biển Caribe, vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ này là mảnh đất nghèo khó nhất trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn Washington Post, Fonsi chia sẻ: "Tôi đã phải chứng kiên cuộc đấu tranh mà Puerto Rico đã và đang phải trải qua". Khi những ca từ của Despacito còn đang thai nghén, thì Puerto Rico vẫn còn đang oằn mình chống đỡ với virus Zika, chật vật với suy thoái kinh tế và tỷ lệ đói nghèo chạm ngưỡng 50%. Vào tháng 7, người dân Puerto Rico còn bỏ phiếu để trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Mọi thứ dường như sắp vượt qua sức chịu đựng của quốc gia nhỏ bé này.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 4.

"Despacito" là sự tổng hòa của những vẻ đẹp đậm chất Puerto Rico, từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ quyến rũ của Cựu Hoa hậu Hoàn vũ Zuleyka Rivera

Được thiên nhiên ưu đãi nhưng dường như vẻ đẹp của Puerto Rico vẫn chưa được đầu tư và khai thác đúng mức, khi du lịch chỉ chiếm 6% trong GDP vào năm 2015. Dù chỉ sở hữu ba hoặc bốn khách sạn thuộc hàng sang trọng, thủ đô San Juan vẫn thu hút và nhộn nhịp về đêm với hỗn hợp của nhạc jazz và âm nhạc của người dân bản xứ.

Lấy chất liệu dân dã ấy, Luis Fonsi đã quyết định gửi gắm vào "Despacito" tình yêu anh dành cho mảnh đất quê hương Puerto Rico. Song ca cùng chàng ca sĩ 39 tuổi là đồng hương kiêm ông hoàng nhạc reggaeton - Daddy Yankee, cả hai đều sinh ra tại thủ đô San Juan (Puerto Rico). Anh chia sẻ: "Tôi rất yêu đất nước của mình, nhưng chưa bao giờ có cơ hội đưa nó vào trong một bài hát. Puerto Rico chính là nhân vật chính của ca khúc và video này". Quả thực, đoạn video YouTube của bài hát đã được ghi lại ở nhiều địa điểm đẹp mắt của quần đảo Puerto Rico.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 5.

"Despacito" là sự tổng hòa của những vẻ đẹp rất đậm chất Puerto Rico, từ vẻ đẹp thiên nhiên của bờ biển bên thủ đô San Juan, vẻ đẹp kiến trúc của khu phố cổ La Perla, cho đến vẻ quyến rũ của Cựu Hoa hậu Hoàn vũ Zuleyka Rivera. Không chỉ thế, video còn cho thấy nhịp sống sôi động về đêm của con người Puerto Rico qua những điệu nhảy nóng bỏng tại La Factoría Club thuộc Old San Juan.

Năm phút phim ngắn ngủi vẫn đủ để người xem có ấn tượng khó phai về Puerto Rico. Ai ai cũng mong muốn được trải nghiệm những điều mà Luis Fonsi giới thiệu trong video với câu hát "This is how we do it down in Puerto Rico" (Đây chính là cuộc sống ở Puerto Rico).

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 6.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 7.

Khu bờ biển, phố cổ La Perla

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 8.

Hoa hậu Hoàn vũ 2006 Zuleyka Rivera

Phép màu dường như đã xảy ra với đất nước từng tuyên bố phá sản để tái kiến thiết lại nền kinh tế bị suy thoái bởi một khoản nợ 70 tỷ đô-la. Chỉ ba tháng sau khi đĩa đơn của "Despacito" xuất hiện trên radio, phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nền kinh tế Puerto Rico đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong kinh doanh du lịch.

Theo một báo cáo của Un Nuevo Dia, hai tháng sau khi bản Remix trình bày bởi Justin Bieber được ra mắt, số lượng khách du lịch tới Puerto Rico đã tăng 45%. Đồng thời, lượt truy cập những địa điểm xuất hiện trên MV cũng tăng vọt 24% trên trang du lịch TripAdvisor.

Trên các trang web bán vé máy bay, các chuyến đặt tới Puerto Rico liên tục cháy vé. Theo Hopper, lượt tìm kiếm các chuyến bay đến Puerto Rico đã tăng 58% chỉ 1 tháng sau khi "Despacito" ra mắt, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 38% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã chứng tỏ Despacito đã có một tác động không hề nhỏ cho nhu cầu du lịch tại đất nước này.

Nắm bắt được thời cơ này, thành phố San Juan đã đầu tư vào thay thế diện mạo. 1.600 căn nhà tại khu La Perla đã được phủ lên một lớp sơn mới bắt mắt và sặc sỡ hơn. Luis Fonsi đã không giấu nổi niềm tự hào trên Instagram với một tấm ảnh chụp lại một khu thuộc La Perla được sơn sửa lại: "Thật hạnh phúc khi nhìn thấy những đổi thay tích cực của quê hương mình".

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 9.

Khu La Perla đã được sơn sửa lại bắt mắt hơn

Với lượng đặt phòng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, "mọi dấu hiệu khả quan đều cho thấy Puerto Rico lại có thể nắm giữ ngôi vị điểm đến số một tại vùng biển Caribe", José Rico, giám đốc điều hành công ty du lịch Puerto Rico trực thuộc chính phủ cho biết. Có thể "Despacito" không phải là nguyên nhân duy nhất của những biến chuyển này, nhưng ảnh hưởng của bài hát rõ ràng là không hề nhỏ.

Đưa dòng nhạc Reggaeton và Pop Latin lên ngôi thống trị

Nhạc Latin không còn mấy xa lạ với khán giả trẻ, đặc biệt là những người đam mê vũ đạo và tập thể thao. Tuy nhiên, nhạc Latin lại nổi tiếng hơn ở những nước phương Tây nhờ giai điệu bắt tai, vũ đạo bốc lửa… phù hợp từ trong những quán bar, quán pub, hộp đêm cho đến những bữa tiệc ấm cúng cùng gia đình, bạn bè tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Ngược dòng thời gian, chúng ta phải lùi về mùa hạ năm 1996 mới tìm thấy một ca khúc tiếng Tây Ban Nha từng làm mưa làm gió trên toàn cầu. Đó là bài "Macarena" (phiên bản hoà âm thứ hai) của nhóm Los del Río. Ca khúc cũng đứng đầu bàng xếp hạng Billboard Hot 100 suốt nhiều tuần liền.

Sự thành công của "Despacito" được nhiều yếu tố góp sức đem lại, nhưng công lớn nhất phải thuộc về sự lựa chọn dòng nhạc. Trong phiên bản gốc, "Despacito" được hoà âm theo điệu cumbia, một vũ điệu chủ yếu thịnh hành và quen thuộc với thính giả các nước Nam Mỹ. Chính hai nhà sản xuất người Colombia - Andrés Torres và Mauricio Rengifo đã đề nghị mở rộng thành phần thính giả khi hoà quyện cumbia với một chút nhạc urban pop và điệu reggaeton.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 10.

Trước khi ra mắt, Victor Martinez, chủ tịch Đài phát thanh tiếng Tây Ban Nha khi nghe đến sự kết hợp giữa Luis Fonsi và Daddy Yankee còn tự hỏi làm như thế nào mà một Luis Fonsi vốn ướt át, mộng mơ trong những bản ballad có thể hòa quyện được với giọng rap mạnh mẽ và sôi động của Daddy Yankee. Thế nhưng sau khi ca khúc được phát thử nghiệm trong chương trình radio buổi sáng, chỉ trong 10 phút nhà đài đã lập tức nhận được hơn 100 lượt phản hồi tích cực từ phía người nghe: "Chúng tôi thích ca khúc này".

Với mục tiêu chinh phục giới trẻ sống ở thành thị, từ trước khi ra mắt, "Despacito" đã xác định sẽ có thêm lời tiếng Anh nhắm vào thị trường Anh - Mỹ và tiếng Bồ Đào Nha dành cho Brazil, chưa kể tới hàng loạt phiên bản cover hay hoà âm lại theo điệu salsa, rumba, cha cha, kizomba, flamenco, phối khí mộc hay hoà âm điện tử…

Cách nhả chữ trong cụm từ Des-pa-cito cũng là một "chiêu" mà Luis Fonsi muốn tất cả mọi người, kể cả những khan giả không biết tiếng Tây Ban Nha cũng có thể dễ dàng hát theo được.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 11.

Giai điệu ngọt ngào và dễ gây nghiện của "Despacito" đã khiến Justin Bieber không giấu nổi thích thú và mong muốn "được trở thành một phần của nhịp điệu ấy" khi anh ngồi trong một quán bar nhân tour diễn ở Nam Mỹ. Justin ngay sau đó đã hỏi tên người hát ca khúc và mong muốn được gặp Fonsi. Justin thậm chí còn gây bất ngờ hơn với việc đồng ý giữ nguyên đoạn điệp khúc tiếng Tây Ban Nha và đây cũng là lần đầu tiên anh chàng thử sức với một ca khúc tiếng nước ngoài. Fonsi chia sẻ: "Justin khiến tôi vô cùng bất ngờ khi cậu ấy quyết định hát tiếng Tây Ban Nha. Đoạn điệp khúc của bài hát không hề ‘dễ xơi’ ngay cả với một người thành thạo tiếng Tây Ban Nha như tôi".

Theo Nir Serroussi, Giám đốc phụ trách mảng nhạc Latin của Sony, "Despacito là cái tát cho những ai không tin tưởng nhạc Latin có thể trở thành hiện tượng toàn cầu" và càng củng cố ngôi vị khó soán đổi của tiếng Tây Ban Nha trong thị trường âm nhạc thế giới. Cùng với Shakira, Ricky Martin, Daddy Yankee, Don Omar hay Enrique Iglesias, Luis Fonsi đã một lần nữa chứng minh rằng âm nhạc là thứ ngôn ngữ có khả năng vượt qua mọi biên giới để làm khuynh đảo hàng triệu trái tim người nghe nhac.

Despacito - Vì sao chỉ một giai điệu vui tai lại có thể vực dậy cả nền kinh tế lẫn âm nhạc Latin? - Ảnh 12.

Trong hoàn cảnh cộng đồng các nước Mỹ Latin đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn về kinh tế và chính trị, sự thành công của "Despacito" trên phạm vi toàn thế giới càng khẳng định hơn những chia sẻ của Luis Fonsi: "Khi bạn nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị phân cách, âm nhạc có thể đem chúng ta lại gần bên nhau".

Theo Alex Dinh/ Thiết kế: Link Phuong

Cùng chuyên mục
XEM