img

2 giờ sáng 30 Tết. Một cú điện thoại hốt hoảng gọi đến Trung tâm Cấp cứu. Bị cướp, gãy chân. Đang nằm dưới chân cầu vượt quận 12.

Chiếc xe lao đi gần 20 km trong đêm. Từ xa đã thấy ánh đèn xe của đội Cảnh sát cơ động nhấp nháy sáng hẳn một đoạn đường ngoại thành tối và vắng ngăn ngắt.

Nạn nhân là một nam thanh niên, không rõ có bị cướp hay không nhưng chiếc xe máy còn nguyên, còn người thì bay khoảng 15 m qua lan can cao khoảng nửa mét ven đường, rơi xuống nằm khoanh trên bãi đất dốc thấp sâu dưới mặt đường và mọc kín cây dại. May mắn không tưởng là tuy nạn nhân văng xuống nằm sát cây cột điện nhưng không bị đụng đầu. May mắn thứ hai là điểm bị tai nạn nằm ngay trước trạm sơ cấp cứu quận 12, một người phụ nữ nghe tiếng động mạnh chạy ra phát hiện nạn nhân. Nếu không, với vị trí bị nạn khuất hẳn khỏi tầm mắt như vậy có lẽ anh ta sẽ phải nằm đó đau đớn đến sáng.

Nạn nhân được quấn khéo léo trong chiếc chăn rồi đưa lên băng ca, nẹp chân, sơ cứu ngay trên lề đường, sau đó đưa đến bệnh viện 175 theo yêu cầu.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 2.

Ca trực đêm 29 Tết là một đêm khá u ám của nhóm trực tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM. Có hai ca tử vong, một ca uống thuốc tự tử lúc gần sáng, và 14 ca tai nạn giao thông, cùng với rất nhiều ca tự ngã, hôn mê, khó thở, sinh rớt, sặc thức ăn, đủ loại.

Chỉ cách một hàng rào, ngay từ 25 Tết suốt vỉa hè khá rộng của con đường Lý Thường Kiệt quận 5, đoạn trước cổng Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Trưng Vương đã ngập tràn những chậu cúc vàng tươi khổng lồ cao gần ngang đầu người, vòng bụng phải hai ba người giăng tay ôm mới hết. Sát cổng Trung tâm là dãy dãy mai vàng đang nở lốm đốm. Đối diện là hàng hàng sạp hàng tết không ngừng phát nhạc xuân. Trong sân Trung tâm,, cây bọ cạp vàng cổ thụ cũng không ngừng thả rơi những bông vàng tươi đẹp đẽ trông như cẩn nổi trên nền nhựa đen. Khắp nơi tràn đầy không khí Tết.

Trên hai cánh cửa Phòng điều hành Trung tâm 115 hôm nay cũng có chút tươi tắn khác ngày thường với những bông hoa giấy hồng  hồng và chiếc phong bao lì xì hình con heo ngộ nghĩnh. Ngoài ra vẫn là không khí bận rộn và khẩn trương như mọi ngày.

Trong căn phòng dài mà ánh đèn không bao giờ tắt, chuông điện thoại reo dồn dập. Những hồi chuông xuất xe reng reng kéo dài báo hiệu một người đang cần được khẩn cấp giúp đỡ về y tế. Những bóng người mặc bộ đồ xanh dương tươi với rất nhiều vạch phản quang - dấu hiệu công việc của họ là bên ngoài và về đêm - xách va li thuốc và thiết bị hối hả chạy ra xe. Tiếng còi rền rĩ xé không gian, bất kể gần sáng hay nửa đêm.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 3.

Đây là trung tâm tiếp nhận, điều phối và xử lý toàn bộ cuộc gọi cấp cứu y tế suốt ngày đêm của mười mấy triệu người dân sinh sống trên khắp 2.095 km2 của TP HCM. Trung bình mỗi ngày đêm Trung tâm nhận khoảng 70-80 cuộc gọi cấp cứu trên toàn địa bàn.  Khoảng ⅔ được chuyển tiếp đến 28 trạm cấp cứu vệ tinh (nằm trong các bệnh viện quận huyện và khu vực) gần địa điểm gọi cấp cứu nhất để rút ngắn thời gian đến địa chỉ người bệnh. Số còn lại, 89 nhân viên y tế của Trung tâm xử lý.

Trung bình ngày thường Trung tâm thực hiện khoảng 20-30 chuyến xe cấp cứu/ngày đêm.  Nhưng vào cao điểm như mưa bão, đêm 29, 30 tết, hoặc sau trận đá bóng thắng của Việt Nam khiến người dân đổ xô ra đường, tiếng chuông reo liên miên. Từ 25 tết đến nay, hôm nào cũng lên đến gần trăm cuộc gọi. Số xe xuất đi đều trên 30 chuyến. Số ca tai nạn giao thông tăng vọt. Trong hai ca trực 28 và 29 tết, hôm nào cũng 14, 5 ca tai nạn giao thông, có những ca hai ba nạn nhân. Có những lúc xe cấp cứu chạy liên tục, có những kíp y bác sĩ vừa xử lý xong một ca lại quay đầu xe chạy đến ca khác.

Cho tới tháng 10 năm ngoái, công việc tiếp nhận điện thoại và lưu trữ thông tin yêu cầu cấp cứu vẫn còn được xử lý thô sơ và thủ công. Nhân viên nghe điện thoại, ghi số điện thoại của người yêu cầu và địa chỉ vào phiếu, nhận xuất xe của Trung tâm hoặc tiếp tục bấm điện thoại đến các trạm vệ tinh nhắc lại thông tin, yêu cầu hỗ trợ. Nhiều khi trạm không xuất xe đi (xe bận đi cấp cứu của bệnh viện, đưa bệnh nhân chuyển viện hoặc bác sĩ bận trực bệnh không đi được), bệnh nhân/nạn nhân chờ lâu không thấy lại gọi lại. Trình tự kể trên lặp lại, mở rộng ra các trạm xa dần cho đến khi có trạm tiếp nhận hoặc Trung tâm phải tự xuất xe đi dù quãng đường xa hơn. Không ít trường hợp, xe đến nơi thì bệnh nhân/nạn nhân chờ lâu quá đã tự bắt xe vào bệnh viện. Hoặc người bệnh quá nghèo, người bệnh bị tai nạn nặng hoặc đã tử vong… Những trường hợp này, trong sổ sách Trung tâm ghi là “thất thu”, vì kíp trực và xe đã lên đường, hoặc đã cấp cứu ban đầu xong, đưa nạn nhân an toàn đến bệnh viện nhưng không thu lại được đồng chi phí nào.

Một nhân viên lâu năm của Trung tâm cho biết mỗi năm số tiền thất thu lên đến vài trăm triệu đồng. Con số rất nhỏ so với bệnh viện hoặc thậm chí một phòng khám lớn, nhưng với một cơ sở nhà nước được gói gọn một cục chi phí và không có nguồn kinh doanh nào bù đắp như Trung tâm 115 thì khá lớn. Nhất là khi, thu nhập trung bình của điều dưỡng ở đây chỉ vỏn vẹn xấp xỉ 5 triệu đồng, với trung bình tám ca trực đêm (làm việc 24 tiếng liên tục) mỗi tháng. Điều dưỡng thâm niên mười mấy năm cũng chỉ lãnh tổng cộng khoảng 7 triệu. Vị trí bác sĩ, ngay cả giám đốc Trung tâm cũng không quá 8 triệu đồng.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 5.

Một lãnh đạo Trung tâm 115 kể, trong cuộc họp giao ban trước tết, ông rớt nước mắt vì nhân viên mong ngóng thưởng tết nhưng đến 25 tết vẫn chưa thấy đâu. “Cái áo cho con em hôm bữa 80.000 đ nay lên trăm hai rồi bác ơi”- có nữ điều dưỡng nói với ông như vậy.

Để tiết kiệm, nhiều nhân viên y tế của Trung tâm mang gạo đến nấu cơm ăn tại chỗ.

Nhân viên của Trung tâm 115 làm việc theo lịch: y sĩ và điều dưỡng trực 24 tiếng liên tục; ra trực được nghỉ 24 tiếng, quay vào làm 2 ca theo giờ hành chính (7 giờ sáng đến 4 giờ chiều - bác sĩ thì làm ba ca hành chính) rồi tiếp tục trực 24 tiếng. Giờ giấc oái oăm khiến có muốn họ cũng rất khó kiếm được việc làm thêm ổn định.

Để có thêm tiền cho cuộc sống, có những lái xe của Trung tâm sau khi ra trực thì đi lái xe tải.  Có những nữ điều dưỡng sau ca trực đáng lẽ nghỉ ngơi thì tranh thủ đóng gói tăm bông, bán hàng online. Cứ 100 gói tăm bông mới được trả công 4.000 đ. Nếu tranh thủ giờ nghỉ ngồi làm luôn tay, một ngày cô đóng gói được khoảng 300-400 gói tăm bông. Cộng cả sáng chiều hai lần đi giao và nhận tăm bông cho những “cơ sở” khác làm, một tháng cô được thêm khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể những lần chở bao tải tăm bông đi thì bị cảnh sát phạt vì chở hàng cồng kềnh.

“Được đồng nào đỡ đồng đó chị ơi. Mấy tháng này có chính sách cho công chức của TP  nên mới được tăng lên là 5,6 triệu đồng/tháng. Chớ năm năm nay em lãnh cao nhất là 4,9 triệu đồng. Tiền nhà 2 triệu.  Em còn phải nuôi nguyên một đứa con 12 tuổi. Thì tiện tặn, mẹ con ăn rau thôi. Tháng nào chậm lương là muốn khóc”- cô kể và dặn đi dặn lại tôi phải giấu tên kẻo bị trách.

“Có điều dưỡng nam ra trực thì đi giữ xe. Có người chạy xe ôm. Có người ra xa xa ngoại thành làm phục vụ quán ốc vì sợ đi làm trong trung tâm gặp người quen”- một nhân viên khác cũng yêu cầu giấu tên kể với tôi như vậy.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 7.

“Nếu làm điều dưỡng ở phòng khám tư hoặc bệnh viện tư thì thu nhập phải gấp hai, gấp ba số này, mà không phải đi trực đêm. Trước kia có đôi vợ chồng cùng làm điều dưỡng trong trung tâm nhưng sau anh chồng nghỉ, ra làm ở Phòng chẩn đoán hình ảnh, lương gấp hai gấp ba. Chứ không thì không đủ sống”- người này nói thêm.

“Lương tôi chỉ đủ nuôi  bản thân. Hai đứa con là chồng nuôi, còn may… Đi trực như này, bỏ con ở nhà, mẹ chồng xót cháu cứ càu nhàu, nhưng tôi làm mười mấy năm rồi, yêu nghề, mà cũng không muốn bươn chải nữa. “-một nữ điều dưỡng khác kể.

“Bác sĩ chỉ xem chỗ này là bến đậu tạm thời thôi. Ở đây cũng không có điều kiện để nâng cao chuyên môn nên giữ anh em khó lắm”- vẫn vị lãnh đạo trên nói tiếp.

Chỉ trong năm 2017, 23 nhân viên Trung tâm gồm 6 bác sĩ, 1 y sĩ, 6 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên đã nghỉ việc, gây một chấn động lớn trong ngành y tế TP HCM. Lãnh đạo TP HCM hứa hẹn điều chỉnh thu nhập để giữ chân nhân viên, nhưng đã 9 tháng qua đi, lời hứa chưa thành hiện thực.

“Lương thấp đến nỗi hai năm trời tuyển một hộ lý (làm công việc vệ sinh, quét dọn; lương khoảng 3 triệu đồng) cũng không ai làm lâu. Được vài tháng họ lại nghỉ”-ông nói thêm.

12 giờ đêm 29 Tết, một ông cụ 86 tuổi ở quận 5 bị khó thở. Nhà ở lầu 3, thang khá hẹp và tối, người nhà phải cõng ông đưa ra xe cấp cứu

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 9.

Vẫn có những người gắn bó với nghề rất lâu  dài, như Điều dưỡng trưởng Trà Thanh Vĩnh đã làm nghề này đến 30 năm, nhiều anh chị khác làm đến mười mấy, 20 năm. Nhưng hầu hết họ được đảm bảo thu nhập nhờ nghề nghiệp của gia đình, của vợ hoặc chồng, hoặc có những lý do khác rất thực tế như Trung tâm gần nhà, còn đi đón con được. Hoặc còn rất trẻ, mới ra trường vài năm, cha mẹ vẫn còn cho tiền thêm và chưa bị nhiều trách nhiệm choàng lấy.

“Đi làm vất vả không kém mà lương thấp hơn bạn cùng học cả hai, ba lần, em có chạnh lòng không?”- Tôi hỏi Thuận. Thuận năm nay mới bước sang tuổi 24, học điều dưỡng xong là vào làm ở 115 này được hai năm, nay đang học lên Cao đẳng.

“Em cũng không nghĩ nhiều. Thích nghề này thì cứ làm thôi, chớ hồi trước em học cơ khí xong ra đi làm cứ thấy mình không phải là mình. Hai năm làm ở đây em dạn dĩ và biết cuộc sống nhiều hơn, ngoài chuyên môn ra còn đi theo các anh chị lớn học được cách xử lý tình huống nữa. Ví dụ có trường hợp cấp cứu đến mà không kịp, người bệnh đã chết trước đó hoặc không hồi sức thành công, nhiều khi người nhà kích động lắm.”- Thuận đáp.

“Nghề này là cái nghề bị ăn hiếp chị à”- Long, một y sĩ trẻ cười nói khi thấy tôi sôi máu vì bực tức. Lúc đó  xe cấp cứu đang rú còi chạy qua một ngã tư thì bị chiếc xe tải nhỏ cố chạy vượt ngang trước mũi xe, và rất nhiều lần người đi đường nghe còi nhưng vẫn thản nhiên không nhường, thậm chí còn tạt đầu xe-“Có người còn chạy lên ngang xe mình gõ gõ vô kính. Em tưởng có chuyện gì, kéo cửa xuống thì họ hất hàm nói “Có bịnh nhân đâu mà hú còi?”.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 10.

“Có người gọi điện la rùm trời nhưng không cho địa chỉ, cứ nói nhà ở khu Trung Sơn đó. Mình hỏi địa chỉ, họ chửi luôn, nói đang cấp cứu gấp vậy mà không tới cứ hỏi hỏi hoài. Nhưng họ vẫn không nói địa chỉ nên mình đâu có xuất xe đi được. Vậy mà họ viết đơn gởi Ban giám đốc nói trung tâm cấp cứu bỏ mặc bệnh nhân”- một nữ điều dưỡng có thâm niên 5 năm kể khi chúng tôi đang lao đến một ca người già bị ngã trong nhà vệ sinh, đang khó thở.

“Chị nhớ viết cho người dân hiểu là gọi 115 thì phải nói rõ địa chỉ, giới tính với tuổi của người bệnh, hiện trạng ra sao và có tiền căn gì như huyết áp, tiểu đường… không, thì tụi em mới chuẩn bị tốt và điều xe đi nhanh được. Chậm phút nào là qua thời điểm vàng cứu sống bệnh nhân phút đó”- cô dặn.

4 giờ chiều 29 tết. Một người đàn ông 37 tuổi, rất vạm vỡ, làm công cho một tiệm bán đồ trang trí bể cá kiểng ở quận 3, xế chiều vừa nhậu tất niên với người trong tiệm. Vài tiếng sau, anh vào nhà vệ sinh. Mãi một lúc sau, nghe tiếng ngã huỵch và tiếng vòi nước bị đụng gãy xả nước ra rất mạnh, người trong tiệm mới biết và tìm cách cạy cửa đưa ra. Đường Sài Gòn vắng đến vui mừng, chiếc xe rú còi chạy vun vút tới nơi nhưng không cứu kịp. Trên tay chân của người đàn ông đã nổi đầy bông màu tím dấu hiệu tử vong đã lâu. Vợ anh cũng vừa qua đời vì biến chứng tiểu đường chưa đầy một năm, bỏ lại đứa con mới 7 tuổi.

Bên cạnh xác anh, người mẹ mếu máo “Đã dặn rồi mà không nghe. Đột quỵ một lần rồi mà cứ uống uống rồi giờ chết vầy đây con ơi”.

10 giờ đêm, lại một ca tử vong khác, lần này ở tuốt quận 12. Đêm nay tai nạn và số người gọi cấp cứu tăng quá, các trạm vệ tinh đều bận không hỗ trợ được. Ngôi nhà ở rất xa trong hẻm. Một người đàn ông 62 tuổi nằm đó như đang ngủ, nhưng dưới lưng những vết hoen tử thi đã rất sẫm màu. Vợ ông mếu máo kể ông vừa ở quê lên 1 tháng, tính ăn tết ở Sài Gòn. Chiều nay 5 giờ bà đi làm về thì thấy ông khó thở, bên cạnh còn chai dầu gió. Bà xức dầu gió rồi xoa bóp lồng ngực cho ông nhưng một lát thì thấy ông không còn thở nữa.

Gần 2 giờ đêm. Liên tiếp có thêm 3 ca tai nạn giao thông trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nhiều người ăn nhậu quá trớn, say xỉn và bất cẩn.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 12.

Một đêm khá u ám qua đi với niềm vui đến vào đúng ca cuối cùng của nhóm trực. Lúc ấy đã là 7 giờ sáng 30 Tết. Một sản phụ ở tít bên Thanh Đa sinh rớt em bé trong nhà vệ sinh. Bé gái khoảng gần ba ký, gương mặt tròn trặn hồng hào. Nằm áp vào ngực mẹ trên chiếc băng ca đang được các cô chú y bác sĩ, điều dưỡng hối hả đẩy nhanh ra xe cấp cứu đưa vào bệnh viện, bé há cái miệng nhỏ xinh ngáp những cú ngáp đầu đời trông sao mà đáng yêu.

Cảnh tượng bình yên này bất giác trả lại niềm vui nhỏ bé cho những nhân viên y tế mệt mỏi đúng vào thời điểm rạng rỡ đầu ngày cuối cùng của năm.

Một bàn tay đan vào bàn tay người mẹ để trấn an, cô gái điều dưỡng trẻ nở nụ cười tươi. Xong ca trực này, với niềm vui này cô sẽ về Bến Tre ăn tết với cha mẹ, tận hưởng được bốn ngày không có những tiếng còi cứu thương  rền rĩ và những người đau đớn hay sắp chết.

Hơn 100 giờ theo chân các nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 luôn khuấy động trong chúng tôi những cảm giác lạ lùng mà tuổi trẻ ít khi nghĩ đến một cách thật sâu sắc. Đó là cảm giác hiển hiện như sờ thấy được về sự sống quý giá, về sự mong manh và vô thường của một kiếp người. Chỉ mới đây thôi đi lại nói năng, rồi bỗng nhiên hơi thở tắt, và con người chỉ còn vô hồn nằm đó, không còn bất cứ mối liên hệ gì với tất cả những ai, những điều đã thật là quan trọng và nhiều khi phải giành giật để chiếm hữu.

Tôi chớm hiểu vì sao những nữ điều dưỡng lo sinh kế đến lao đao, cứ một tuần hai đêm thức trắng trong ca trực, và bấm bụng để con ở một mình trong khu xóm trọ nhưng vẫn vùng dậy lao đi bất kể khi nào tiếng chuông báo hiệu xe vang lên. Tôi chớm hiểu vì sao những nam điều dưỡng trẻ đã làm nghề khác nhưng rồi lại quay lại học y và đeo bám lấy công việc cấp cứu ban đầu không danh, không lợi này. Vì sao có bác sĩ đã hai lần viết đơn xin nghỉ việc vì đồng lương quá thấp, rồi vẫn ở lại cùng với anh em. Vì sao những giọt nước mắt đã rơm rớm trên khóe mắt người thầy thuốc già khi ông nói ông tự hào về những người đồng nghiệp trẻ của mình. Họ chịu cảnh đãi ngộ không xứng đáng đến vậy nhưng khi có việc vẫn lao vào chẳng chút nề hà.

Vì họ biết, trong thời khắc cầm điện thoại lên bấm số 115, mọi hy vọng của người bệnh và thân nhân  đều trút vào tiếng còi xe giục giã. Vì họ là những người chia sẻ đầu tiên sự lo âu hay nỗi mất mát thất vọng của những con người đang vô cùng bối rối. Vì họ cần thiết biết bao để an ủi, xoa dịu và giúp đỡ mọi người.

Đêm 29 Tết trong Trung tâm Cấp cứu 115 - Ảnh 14.
Hoàng Xuân
Hoàng Long
Hằng Thân, Hoàng Long
Minmaxx
Theo Trí Thức Trẻ07.02.2019

Trí Thức Trẻ