Đề xuất phạt tù lái xe vi phạm nồng độ cồn

15/01/2018 11:21 AM | Xã hội

Những người uống rượu, bia cố tình điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng cần bị phạt tù.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần hình sự hóa những lỗi vi phạm ATGT nghiêm trọng, nhất là với lỗi sử dụng nồng độ cồn ở mức cao. Những người uống rượu, bia cố tình điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng cần bị phạt tù.

Đề nghị bổ sung xử lý vi phạm nồng độ cồn vào Bộ luật hình sự

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2017, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến.

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới. “Những vụ TNGT liên quan đến rượu bia phần lớn đều rất nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn xảy ra”, ông Nam cho biết và khẳng định: “Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, WHO cảnh báo, nếu không có sự kiểm soát tốt, từ nay đến năm 2020, số nạn nhân thiệt mạng vì TNGT còn tăng mạnh”.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, TNGT liên quan đến uống rượu, bia đang là vấn đề nhức nhối. “Chỉ khi nào Việt Nam không còn là thị trường hấp dẫn của các nhà sản xuất rượu, bia, TNGT mới giảm một cách căn bản. Để giảm TNGT cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó kiểm soát chặt vi phạm nồng độ cồn”, Trung tướng Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm 2015, khi góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ VN đã kiến nghị hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml, hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,5mg/1 lít, nhưng chưa được thực hiện. Hiện tại chỉ dừng ở xử phạt hành chính.

Tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở, mức phạt là 10-15 triệu đồng/người điều khiển xe ô tô và 2-3 triệu đồng đối với xe môtô. Đồng thời, bị tước GPLX 2 tháng.

Vẫn cần cân nhắc

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, ở nhiều nước trên thế giới, người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính rất nặng, tước giấy phép lái xe, người lái xe còn bị phạt tù có thời hạn. “Vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đây là nguồn nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của xã hội. Để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội, nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định”, ông Huyện nói.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho rằng, nhiều người nhận thức rõ uống rượu bia lái xe sẽ rất nguy hiểm, không còn tỉnh táo để xử lý tình huống, khả năng cao gây tai nạn cho mình và người khác nhưng vẫn cố tình uống và tham gia giao thông. Vì vậy, đây là hành vi cố tình gây hậu quả cho người khác. “Những hành vi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, phải dùng những biện pháp mạnh. Trước thực trạng người tham gia giao thông tại Việt Nam sử dụng bia rượu ngày một tăng, bên cạnh đó các chế tài hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe, biện pháp hình sự hóa lỗi vi phạm này cũng cần được tính đến”, ông Quế nói.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, không chỉ hành vi uống rượu, bia gây tai nạn, các hành vi vi phạm khác mà gây tai nạn có người bị chết sẽ bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Một số nước họ còn xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm ở mức cao. "Tại Việt Nam, mức xử phạt hành chính với vi phạm nồng độ cồn đã rất nặng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử phạt hành vi vi phạm này chưa quyết liệt. Theo tôi, chỉ cần xử phạt đúng, xử phạt nghiêm theo Nghị định 46 cũng đã đủ sức răn đe", ông Hùng nói.

Chuyển xử lý vi phạm hành chính sang xử phạt qua Tòa án

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo ATGT năm 2018 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, ở nước ngoài, lái xe tuân thủ nghiêm việc đã uống rượu, bia không lái xe. Văn hóa Việt Nam mỗi cuộc vui quen có chén trà, ly rượu, nhưng không phải uống say sưa và vi phạm pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng, tới đây, cần đặc biệt chú ý hoàn thiện thể chế về ATGT như tổng kết và xây dựng dự án Luật GTĐB sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cần xây dựng thể chế đảm bảo xử lý nghiêm minh kể cả vi phạm hành chính và hình sự. Xã hội phát triển, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh. Phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước văn minh, dần chuyển xử lý vi phạm hành chính sang xử phạt qua Tòa án. Lần đầu không đến nộp phạt sẽ bị gọi lên tòa và tăng mức xử phạt, đến lần thứ 3 là phạt tù.

T.Duy

Theo Trần Duy

Cùng chuyên mục
XEM