Đề xuất phát hành "trái phiếu vĩnh viễn" tại châu Âu

27/04/2020 15:39 PM | Xã hội

Trên báo chí châu Âu có một số ý kiến gợi ý Ủy ban châu Âu nên phát hành "trái phiếu vĩnh viễn".

Trái phiếu vĩnh viễn nghĩa là nhà đầu tư bỏ tiền ra mua rồi hàng năm chỉ nhận tiền lãi chứ không bao giờ được nhận lại tiền gốc - một công cụ tài chính quá đặc biệt. Nhưng hoàn cảnh đặc biệt thì phải dùng tới biện pháp đặc biệt, đó là lập luận của tỷ phú người Mỹ George Soros trên một tờ báo Irlande ra hôm thứ Năm (23/4).

Ông Soros viết: "Bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói rằng châu Âu cần 1.000 tỷ Euro để đối phó với đại dịch nhưng mà lấy đâu ra ngần ấy tiền?. Phát hành trái phiếu vĩnh viễn, huy động 1.000 tỷ Euro với lãi suất hàng năm 0,5%, thì mỗi năm chỉ tốn 5 tỷ Euro trả lãi, tức là chưa tới 3% tổng ngân sách của Liên minh châu Âu".

Tại Tây Ban Nha, một nhà kinh tế nổi tiếng đang là nghị sĩ châu Âu cũng đưa ra đề xuất tương tự. Nhưng theo tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha, ông Luis Garicano cho rằng "lãi suất hàng năm phải là 2,5%" thì mới có người mua, vì mua trái phiếu này là mất sạch vốn, nên lãi suất hàng năm phải cao. Người mua trái phiếu vĩnh viễn hàng năm nhận tiền lãi, mãi mãi, có thể chuyển nhượng cho người khác, để lại cho đời sau, đời sau nữa, trái phiếu này không bao giờ đáo hạn.

Thế kỷ 17, Hà Lan đã từng phát hành trái phiếu loại này và bây giờ vẫn tiếp tục trả lãi. Đầu thế kỷ trước, nước Anh cũng đã một lần làm như vậy. Nhưng từ cả trăm năm nay, châu Âu không huy động vốn theo cách này nữa. Phát hành trái phiếu vĩnh viễn là làm liều để có tiền tiêu ngay, để lại món nợ cho các thế hệ sau phải gánh.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phát hành một lượng lớn trái phiếu vĩnh viễn có lãi suất hàng năm từ 4,5 - 5,2%, như vậy là cao hơn nhiều so với lãi suất của trái phiếu chính phủ 3%/năm. Lãi suất như vậy nhưng thị trường tài chính Trung Quốc vẫn chê là chưa đủ cao để bù đắp rủi ro, nhỡ lạm phát bất thường thì mất cả chì lẫn chài. Nếu ở châu Âu có loại trái phiếu này thì chưa rõ thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao.

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào giữa tuần trước đã không bàn đến trái phiếu vĩnh viễn, dù Tây Ban Nha và Italy có đề xuất. Tờ Il Foglio Quotidiano ra tại Italy viết rằng: "Hà Lan lập tức phản đối, cho rằng theo luật thì phát hành trái phiếu vĩnh viễn không phải là vai trò của Ủy ban châu Âu, thế còn nước nào muốn thì xin mời cứ việc".

Một quan chức Ủy ban châu Âu giải thích rằng: "Khái niệm nợ vĩnh viễn là rất khó tiêu hoá đối với một số nước thành viên vì những lý do chính trị. Không thể nào thuyết phục nổi công luận và quốc hội chấp nhận cách làm này".

Theo Hồng Quang

Cùng chuyên mục
XEM