Đề xuất mới nhằm quản lý Grab và taxi công nghệ tại VN
Theo báo cáo mới nhất gửi lên Quốc hội, Bộ GTVT cho biết đã đề xuất lên Chính phủ về 8 quy định mới nhằm quản lý Grab và các loại hình ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử hay còn gọi là taxi công nghệ.
70.000 xe taxi công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), tính đến tháng 6/2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, Grab cung cấp dịch vụ cho 189 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 44.653 xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng hợp đồng điện tử.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Grab hiệncó 98 đơn vị vận tải với 28.971 xe, tại thành phố Hồ Chí Minh là 91 đơn vị vận tải với 15.682 xe đang hoạt động. Khoảng 30.000 xe còn lại thuộc về 13 đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe khác trên thị trường.
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc quản lý làm sao để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa taxi công nghệ và các loại hình taxi truyền thống.
Trước sự gia tăng nhanh chống về số lượng ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử hay taxi công nghệ, Bộ GTVT cho rằng, hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải điện tử có nhều điểm tương đồng so với các xe taxi. Do đó, cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng, công khai minh bạch.
Để cụ thể hóa điều này, Bộ GTVT đã 11 lần trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên do còn nhiều tranh cãi, dù đã 3 năm sau khi bản dự thảo đầu tiên được trình lên Chính phủ, Nghị định này đến nay vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Taxi công nghệ sẽ không phải “gắn mào”
Trong báo cáo mới nhất gửi lên Quốc hội, Bộ GTVT đề xuất bổ sung thêm 8 quy định mới nhằm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử.
Theo đó, xe sử dụng hợp đồng điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển, phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách.
Xe sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất để đảm bảo cạnh tranh công bằng với xe taxi. Đơn vị cung cấp xe phải có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông. Các lái xe taxi công nghệ cũng phải tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông như taxi truyền thống.
Bộ GTVT đề xuất taxi công nghệ phải gắn phù hợp “XE HỢP ĐỒNG” bằng vật liệu phản quang ở cả trước và sau xe với kích thước tối thiểu 6 x 20cm. |
Bộ GTVT đề xuất chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ với lý do để dễ dàng cho hoạt động quản lý và thu thuế.
Quy định này có một số ý kiến cho rằng chưa phù hợp với Luật giao dịch điện tử năm 2005 và Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, luật quy định các hộ gia đình cũng có thể kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Nếu ban hành quy định này, Bộ GTVT sẽ hạn chế quyền được ứng dụng khoa học công nghệ của các hộ kinh doanh.
Đáng chú ý khi Bộ GTVT cho rằng, xe taxi công nghệ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng.
Quy định này nhằm mục đích kiểm soát tình trạng xe đăng ký tại các địa phương khác nhưng hoạt động chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, gây khó khăn cho công tác quản lý, ùn tắc giao thông và xáo trộn hoạt động vận tải tại các đô thị.
Bộ GTVT cũng đề ra quy định, xe taxi công nghệ phải gắn biển “XE HỢP ĐỒNG” bằng vật liệu phản quang lên kính trước và phía sau xe theo kích thước quy định. Đây là quy định mới nhằm thay thế cho đề xuất “gắn mào” cho taxi công nghệ từng gây nên nhiều ý kiến chỉ trích trong dư luận thời gian trước đây.