Đề xuất làm siêu dự án đại lộ ven sông đổi lấy 5% đất TP.HCM, Tập đoàn Tuần Châu nói gì?

27/10/2017 10:28 AM | Kinh doanh

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dự án BT đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TPHCM đối ứng cho doanh nghiệp quỹ đất khoảng 12.400ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của TP.HCM.

Tại công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM góp ý đề xuất dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông theo loại hình hợp đồng BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của đề xuất dự án này của Tuần Châu.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt bày tỏ lo ngại trong việc thu xếp đủ quỹ đất 12.938ha để thực hiện công trình BT và đất thanh toán cho nhà đầu tư. Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến được lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi. Những tính toán của bộ này chỉ ra rằng quỹ đất thu xếp cho dự án này tương đương 5% tổng diện tích đất toàn TP.HCM hiện khoảng 209.600ha, nên cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.

Bộ Kế hoạch và đầu tư khuyến cáo cần xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện nay hạn chế. Do đây là dự án quy mô lớn nên cần đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường đối với người dân khu vực và thành phố,…vì vậy thành phố cần lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề này.

Về phê duyệt đề xuất dự án, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành (Điều 17 Nghị định 136 của Chính phủ), do đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP.HCM thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

 Đề xuất làm siêu dự án đại lộ ven sông đổi lấy 5% đất TP.HCM, Tập đoàn Tuần Châu nói gì?  - Ảnh 1.

Phối cảnh siêu dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do tập đoàn Tuần Châu đề xuất

Phản hồi về ý kiến trên, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển cho rằng hồ sơ đề xuất dự án được làm theo quy định của pháp luật và sẽ được các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, đánh giá. Những đề xuất này dựa trên quy định ban hành khung giá đất của TP.HCM và tính toán dựa trên tổng mức đầu tư theo hồ sơ thiết kế dự toán. Phần lớn diện tích đất mà tập đoàn đề xuất ở khu vực hiện nay là đất ngập nước, hoang hóa.

Theo đó, trước khi đề xuất ý tưởng dự án, doanh nghiệp này đã mời các chuyên gia quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông có uy tín của nước ngoài trực tiếp khảo sát thực địa và quay phim toàn bộ phạm vi nghiên cứu dự án từ Quận 1 đến huyện Củ Chi.

Sau gần hai năm thu thập dữ liệu và thận trọng lựa chọn phương án, Tập đoàn mới đưa ra ý tưởng thực hiện dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn làm sao để vừa kết nối giao thông từ trung tâm thành phố ra huyện Củ Chi và vùng phụ cận, vừa để giãn dân ra vùng ven TP.HCM với ưu điểm gần như không phải di dời nhà cửa, vật kiến trúc khu vực dự án đi qua ở nội và ngoại thành cũng như góp phần chỉnh trang gia cố bờ sông Sài Gòn.

"Quan trọng hơn, giải pháp này là giải pháp hữu hiệu để đột phá phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng Củ Chi, giúp phát huy được một lượng đất bỏ hoang lớn ngập nước ở ven sông và ở huyện vùng ven này", ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu khẳng định.

Với tầm quan trọng của dự án trong việc kết nối hạ tầng giao thông TP.HCM phải đảm bảo: “Quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020” tại Quyết định 568/QĐ – TTg 08/04/2013 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên Tập đoàn đã yêu cầu tư vấn tiếp tục khảo sát địa hình, địa chất để thiết kế, lập hồ sơ đề xuất và đệ trình các cơ quan chức năng của thành phố, đồng thời Tập đoàn đã làm các thủ tục theo quy định pháp luật và được Cục bản quyền tác giả cấp cho ý tưởng thiết kế Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn".

"Hơn nữa, để dự án có cơ sở thực hiện, hồ sơ còn phải trải qua nhiều giai đoạn thẩm định, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia trong nước (quốc tế nếu thấy cần thiết) và các bộ, ngành để đưa ra những chủ trương, chính sách đảm bảo quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên", ông Tuyển nói thêm.

Do dự án đang ở giai đoạn lập hồ sơ đề xuất để xin ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương nên chưa đủ điều kiện để nhận định về dự án.

Ông Đào Hồng Tuyển khẳng định rằng dự án này đến nay không có bất kỳ vấn đề gì trục trặc, tập đoàn Tuần Châu sẽ quyết làm dự án này. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nghiên cứu khả thi trình các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương sẽ có một số chi tiết không phù hợp với quy định hiện hành, do vậy doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Tuyển, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu dự án được Tuần Châu thuê từ 4 quốc gia châu Âu có kinh nghiệm xây dựng những dự án quy mô khá lớn, nhưng với điều kiện quy hoạch của TP.HCM nên sau khi trình UBND TP.HCM bản thiết kế ban đầu và quá trình tham vấn ý kiến thì dự án buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch.

"Chúng tôi khẳng định rằng sẽ không dừng dự án này như nhiều thông tin đang đồn đại, vấn đề là chúng ta cần có thêm thời gian để có được đề án nghiên cứu khả thi hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để trình dự án này lên Quốc hội xem xét, do quy mô vốn đầu tư lớn", ông Tuyển nói thêm.

"Chúa đảo" Tuần Châu còn tiết lộ thêm, hiện Tập đoàn Tuần Châu đang cùng đội ngũ chuyên gia soạn thảo các văn bản cùng nhũng phân tích cụ thể về dự án này để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm trả lời thêm về những ý kiến của Bộ này vừa qua.

Theo Nam Phong

Cùng chuyên mục
XEM