Đề xuất can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

05/06/2023 12:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định 6 trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm

Ngày 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đề xuất can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt - Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng

Dự thảo luật đã đưa ra các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng (TCTD). Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Cụ thể, Điều 144 dự thảo luật đã quy định 6 trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm. 

Thứ nhất, không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả như quy định tại luật này trong thời gian 3 tháng liên tục; 

Thứ hai, không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn quy định tại luật này trong thời gian 6 tháng liên tục;

Thứ ba, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 

Thứ tư, xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của NHNN; 

Thứ năm, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; 

Thứ sáu, bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN.

Đề xuất can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu dự thảo luật sáng 5-6. Ảnh: Phạm Thắng

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo Luật thực chất là xử lý TCTD đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ của từng TCTD, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa đánh giá thực trạng thực hiện giám sát tăng cường, những khó khăn, bất cập khi thực hiện biện pháp này để đề xuất đưa vào dự thảo luật.

Hồ sơ dự thảo luật cũng chưa đánh giá, làm rõ được sự tương quan giữa các biện pháp từ giám sát tăng cường đến can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt dẫn đến không làm rõ được bản chất của việc "can thiệp sớm" để có những biện pháp, công cụ tương ứng phù hợp.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn, theo hướng luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc "can thiệp sớm", không chuyển các trường hợp kiểm soát đặc biệt thành trường hợp can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ TCTD bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Các TCTD, thực tiễn thời gian qua đã có một số trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có thể xem xét, đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tuy nhiên, sau khi đánh giá mức độ tác động, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống ngân hàng, NHNN thực hiện giám sát các TCTD theo Quy chế giám sát tăng cường với các nội dung giám sát tương tự như giám sát đặc biệt.

Báo cáo cũng chỉ ra việc áp dụng quy chế giám sát tăng cường đối với các trường hợp này hiện nay chỉ là đặc thù, riêng lẻ, cần được quy định cụ thể hơn trong Luật các TCTD để áp dụng chung cho tất cả các trường hợp phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, an toàn, an ninh tiền tệ.

Theo Minh Chiến - Huy Thanh

Cùng chuyên mục
XEM