Đề xuất áp dụng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có đường: Đúng nhưng chưa đủ?
Trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế suất 10% lên mặt hàng nước giải khát có đường, hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chỉ ra một số điểm vô lý và bất cập, không phù hợp với thực trạng tiêu thụ đường, chất ngọt tại Việt Nam. Từ góc nhìn của hiệp hội, điều này dễ dẫn đến hệ quả bỏ sót đối tượng chịu thuế.
Trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất bổ sung mặt hàng giải khát có đường vào danh sách mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất dự kiến là 10%.
Đề xuất của bộ Tài chính được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Cụ thể, WHO khuyến nghị Chính phủ các nước thực hiện các hành động khuyến khích người dân có thói quen ăn uống lành mạnh bằng biện pháp đánh thuế nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng.
Theo đó, định nghĩa "nước giải khát có đường" được xác định theo tiêu chuẩn Việt Nam là những sản phẩm có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
VSSA cho rằng đề xuất dễ "bỏ qua đối tượng chịu thuế"
Trong công văn gửi tới Văn phòng chính phủ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã nêu ra điểm chưa hợp lý: Bộ Tài chính dẫn giải những khuyến cáo từ WHO, nhưng lại không sử dụng định nghĩa của WHO về đồ uống có đường mà sử dụng định nghĩa nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam.
Nếu chiếu theo tiêu chuẩn Việt Nam, những sản phẩm nước giải khát có chứa nhiều loại đường nhân tạo, không sản xuất từ đường mía rất dễ bị bỏ qua.
Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: "Tổ chức Y tế Thế giới WHO và ngân hàng thế giới World Bank đã mở rộng định nghĩa thành "đồ uống có chứa đường tự do (free sugars) khi sử dụng biện pháp đánh thuế nước giải khát có chứa chất ngọt".
Theo WHO, đồ uống có đường nghĩa là đồ uống chứa đường tự do (free sugars) sẽ bao gồm: đường đơn monosaccarit (glucose, fructose) và đường đa disaccarit (sucrose, đường ăn).
Chiếu theo định nghĩa của World Bank, đối tượng chịu thuế đồ uống có đường là đồ uống không cồn chứa chất làm ngọt có năng lượng, chẳng hạn như sucrose (đường) hoặc si-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), nhiều đường tự do (free sugars) dễ hấp thụ.
Theo ông Lộc, nếu áp dụng các định nghĩa này thì nước giải khát chứa đường hoặc si-rô ngô HFCS sẽ là đối tượng chịu thuế.
Vì thế, VSSA kiến nghị bỏ tiêu chí "hàm lượng đường trên 5g/100ml" vì không còn phù hợp thực tế, dẫn tới nguy cơ bỏ qua đối tượng chịu thuế chính hiện nay là đồ uống có chứa đường lỏng si-rô ngô HFCS.
Tại Việt Nam, đường lỏng si -rô ngô HFCS hiện nay là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát mà không phải đường sản xuất từ mía.
Năm 2023, lượng đường lỏng si-rô ngô, đa số được nhập khẩu bởi công ty sản xuất nước giải khát đã tăng với khối lượng hơn gấp đôi so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu 102.372 tấn; năm 2022 nhập khẩu 184.975 tấn; năm 2023 nhập khẩu 231.904 tấn đường si-rô ngô.
Ngoài ra, VSSA dẫn một số kinh nghiệm tương tự từ các nước trong khối ASEAN bao gồm Philippine và Indonesia.
Philippine thu thuế tiêu thụ đặc biệt có mức thuế khác nhau đối với đồ uống có đường và đồ uống có chứa đường lỏng si-rô ngô HFCS, trong đó đường HFCS bị áp thuế cao gấp 2 lần.
Kinh nghiệm từ nước bạn Indonesia là áp thuế phòng vệ thương mại đối với đường lỏng si-rô ngô HFCS vừa kiến nghị thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường và ga từ 1,500 rupiah đến 2,500 rupiah cho mỗi lít tùy loại đồ uống.
Từ những trường hợp ở các nước bạn, VSSA đề xuất Việt Nam nên áp dụng mức thuế suất 10% đối với đồ uống có đường và áp dụng mức thuế suất 20% đối với đồ uống có chứa đường lỏng si-rô ngô HFCS.