"Đệ nhất hán gian Thanh triều": Không e sợ Từ Hi Thái hậu, dám "trở mặt" bất bình với triều đình sau vài lần đến các nước Âu Mỹ
Không chỉ bất bình, nhân vật này còn oán than, nung nấu một kế hoạch to lớn thay đổi cục diện chính trị, kinh tế Thanh triều lúc bấy giờ.
Lý Hồng Chương là một đại thần trong triều đình nhà Thanh. Trong các chuyến thăm đến Mỹ và Châu Âu, Lý Hồng Chương cảm nhận sâu sắc sự ưu việt, vượt trội trong đường lối chính trị của các nước phương Tây, ông cảm thấy bất bình với chế độ chính trị bấy giờ của Trung Quốc.
Sau thất bại năm Giáp Ngọ (1894), các học giả vẫn luôn cho rằng Lý Hồng Chương "lấy sức một người chống lại cả một quốc gia", nhưng thực tế không phải vậy, nếu nói đúng ra, Lý Hồng Chương lúc bấy giờ là "lấy sức một người chống lại hai quốc gia" mới phải.
Trong quá trình thảo luận về Hiệp ước Mã Quan, Lý Hồng Chương từng than thở với Ito Hirobumi rằng: "Việc mà quý đại thần làm cũng chính là điều tất cả các ngài đều mong muốn, có ở trong hoàn cảnh của nhau thì mới biết được cái khó của đất nước chúng tôi, chẳng ai có thể nói thay được."
Lý Hồng Chương ngưỡng mộ Thiên hoàng Minh Trị "biết nghe lời khuyên" "biết lắng nghe ý kiến của triều thần" ①, còn chính quyền mà ông bất mãn, chẳng cần hỏi cũng biết ra sao.
Học theo phương Tây, nung nấu ấp ủ tham vọng cải tổ Thanh triều
Sự bất bình này đã hình thành từ rất lâu, từ những năm 1870, Lý Hồng Chương đã sớm nhận ra rằng, con đường cải cách từ nông nghiệp sang công nghiệp là con đường tất yếu để cứu lấy quốc gia, cứu lấy người dân.
"Người Trung Quốc không tỏ chuyện thế giới, chỉ biết ôm khư khư con đường cũ, giấu mình sau giấy vở và khinh thường ngành công thương. Nhưng họ nào có biết, văn minh nhân loại và công thương nghiệp ấy còn quan trọng hơn những thứ giấy vở kia. Các cường quốc phương Tây phương Đông xung quanh kia cũng chẳng ngoại lệ" ②.
Nhưng hơn 20 năm trôi qua, thậm chí sau thất bại thảm hại năm Giáp Ngọ, ngành công thương nghiệp của Trung Quốc cận đại dường như vẫn chỉ ở con số 0.
Sau hiệp ước Mã Quan, các phần tử yêu nước đã làm một câu đối tặng Lý Hồng Chương như sau: "Dương Tam dĩ tử vô Tô sửu, Lý Nhị tiên sinh thị Hán gian" (Dương Tam là người Tô Châu thường đóng vai hề tức sửu, nên được gọi là Tô sửu, Dương Tam chính là người diễn vai Tô sửu tốt nhất, còn Lý Nhị tức Lý Hồng Chương cũng chính là kẻ phản bội bán nước số một).
Ít lâu sau, Lý Hồng Chương phụng mệnh đi sứ đến Nga, đồng thời đến thăm các quốc gia Âu Mỹ. Tư tưởng cách mạng mới ở các quốc gia này đã tiến bộ ngày một xa hơn. Sau khi trở về Trung Quốc, Lý Hồng Chương trình bày lại những điều mình mắt thấy tai nghe cảm nhận:
"Người phương Tây thành lập nhà nước, chính trị và tôn giáo, những gì tôi kể ra đây, cũng giống như lời Quách Tung Đạo, Tăng Kỷ Trạch, Tiết Phúc Thành từng viết trong "Nhật ký", nhưng ngắn gọn hơn nhiều.
Trong chuyến đi lần này, tôi được đến thăm nhiều nơi, nhưng thời gian lại quá ngắn, song những gì tôi được thấy, được tìm hiểu và điều tra thì quả là trăm nghe không bằng một thấy.
Điều quan trọng nhất chính là họ trên dưới đồng lòng, một khi cả tập thể quyết tâm nhất chí, thì không gì là không làm được, tích lũy của cải để trở nên mạnh mẽ. Chính trị Trung Quốc hiện tại là một mớ hỗn độn, con đường kinh tế lại chẳng thể bắt kịp với họ. Mỗi khi nhìn vào, lòng tôi lại thêm lo lắng.
Hồ Văn Trung từng nói: "Nếu ta có tiền, thì chuyện trong thiên hạ đều có thể làm. Trước đây từng ngẫm nghĩ lời đó, đúng là giống như con đường thứ hai vậy". ③
Trong hoàn cảnh thất thế, lời nói và hành động của Lý Hồng Chương vẫn luôn vô cùng thận trọng. Song những điều ông nói với Ngô Vĩnh tuy có chút mơ hồ nhưng lại chẳng khó để hiểu được ý nghĩa thực sự của nó.
Lý Hồng Chương từng thẳng thắn trả lời truyền thông phương Tây rằng, mục đích chính trong chuyến đi lần này của ông là để "tìm hiểu đường lối chính trị của các quốc gia" để sau khi trở về nước, ông có thể "thay đổi, cải cách nền chính trị".
Chân dung Lý Hồng Chương.
Ủng hộ những người có tư tưởng cải tổ
Ông thừa nhận rằng, trước đây những hiểu biết của ông về "đường lối chính trị các nước" đều thông qua lời kể gián tiếp của Quách Tung Đạo, Tăng Kỷ Trạch, Tiết Phúc Thành.
Chuyến đi này, ông được tự mình quan sát, mới phát hiện ra "những điều mình thấy còn vượt xa so với những gì đã nghe". Hàm ý sau đó là, ông vừa vô cùng đồng tình với ba người Quách Tung Đạo, Tăng Kỷ Trạch và Tiết Phúc Thành nhưng chính bản thân ông cũng có những hiểu biết sâu sắc hơn.
Về ý kiến của Quách Tung Đạo, Tăng Kỷ Trạch và Tiết Phúc Thành, lấy Tiết Phúc Thành làm ví dụ. Tiết Phúc Thành phụng mệnh triều đình đi đến phương Tây, ông đã ghi chép lại 6 cuốn nhật ký tổng cộng hơn 170.000 từ.
Trong nhật ký đi sứ phương Tây, Tiết Phúc Thành chủ yếu tập trung thể hiện hai trọng điểm chính: Thứ nhất, kêu gọi triều đình nhà Thanh thực hiện cải cách nền kinh tế, xóa bỏ chế độ "quốc gia nông nghiệp" để thay thế bằng "quốc gia công nghiệp".
Thứ hai, kêu gọi nhà Thanh thực hiện cải cách trong chính trị, học tập theo các nước Anh, Ý… thực hiện chế độ "Quân dân cộng trị" ④.
Từ điều này, không khó để hiểu được lập trường chính trị của Lý Hồng Chương là như thế nào.
Hiểu được tính tất yếu của việc thực hiên cải cách chính trị để cứu nước, Lý Hồng Chương ngày một xa cách với triều đình nhà Thanh.
Tuy rằng Lý Hồng Chương viết rất nhiều thư cho bạn ông nói về chuyến thăm các nước Âu Mỹ lần này, nhưng lại chẳng có lá thư nào đề cập đến việc cải cách chính trị. Song, chi tiết "các nước phương Tây trên dưới đồng lòng, một khi cả tập thể quyết tâm nhất chí, thì không gì là không làm được" lại được nhắc đến nhiều lần. Ý nghĩa trong câu nói đó chẳng khó để hiểu, ba người Quách Tung Đạo, Tăng Kỷ Trạch, Tiết Phúc Thành đã giải thích rõ ràng, cải cách chính trị là phương pháp tất yếu để đạt được "trên dưới một lòng"; còn Lý Hồng Chương coi "phương pháp kinh tế" là "con đường thứ hai".
Nói theo cách chúng ta ngày nay, chính là: "Chính trị phải được cải cách trước, nếu không thì cải cách kinh tế cũng khó mà thành công được."
Nhận thức được điều đó, trong thời gian thực hiện duy tân Mậu Tuất, Lý Hồng Chương ra sức ủng hộ cho Đảng phái Khang Hữu Vi, cũng tự than rằng: "Khang Hữu Vi tài giỏi hơn ta, chuyện bãi bỏ khoa cử, ta đây ấp ủ mấy chục năm chẳng thành, nay ông ấy làm được, ta quả thực hổ thẹn vô cùng." ⑤
Sau này, khi Đảng Khang sụp đổ, các đối thủ chính trị tố cáo Lý Hồng Chương cũng thuộc Đảng Khang, Từ Hi Thái hậu sinh nghi, hỏi ông, Lý Hồng Chương thẳng thắn đáp:
"Thần chính thuộc Đảng Khang, chuyện phế lập thần không biết, nhưng lục bộ quả thật đáng bỏ, nếu theo cách cũ mà có thể giàu mạnh thì Trung Quốc đã thành hùng cường lâu rồi, há còn phải đợi đến bây giờ.
Nếu ai có chủ trương biến pháp đều là Đảng Khang thì thần cũng thế, thần chính là người của Đảng Khang."
Về sau, Lý Hồng Chương được giao cho cai quản vùng Lưỡng Quảng (tức Quảng Đông và Quảng Tây), tuy được lệnh bắt giữ Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, nhưng ông vẫn âm thầm bảo vệ họ thậm chí còn bí mật giữ liên lạc suốt thời gian dài.
Song, sự ủng hộ của Lý Hồng Chương với Đảng phái của Khang Hữu Vi lại bắt nguồn từ sự bi quan sâu sắc.
Ông từng nhiều lần luận bàn qua thư với người con cả của mình là Lý Kinh Phương về tương lai của cuộc duy tân, rồi kết luận rằng: "Trên triều đình… coi trọng biến pháp, gần đây cũng chỉ có nhóm người Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đứng lên, nhưng có phương pháp mà không có người thực hiện thì cũng không được, theo kẻ yếu kém thì há có nhân tài được việc, song cũng chỉ là qua loa lấy lệ mà thôi." ⑥
Về học vấn chính trị của thành viên Đảng Khang, Lý Hồng Chương cũng đánh giá rất thấp: "(Hoàng thượng) mỗi ngày bàn chuyện với quan lại trung khu, bàn chuyện học đường, chuyện công thương, coi trọng lũ vô năng, yếu đuối chẳng thể giúp đỡ, thậm chí bọn Khang Hữu Vi còn ăn cướp để làm sang thêm cái vẻ bề ngoài, nghe lệnh và phục tùng. Gần đây những sắc lệnh đều do Đảng Khang đưa ra, dùng để qua loa lấy lệ xong thực chất chả làm nên chuyện gì." ⑦
Lý Hồng Chương tuy bi quan là thế, nhưng ông vẫn không nề hà mạo hiểm bị đối thủ vạch tội là "Đảng Khang" để qua lại với Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, bởi vì ông đau đáu trong lòng việc Trung Quốc thiếu đi những nhân tài kiểu mới. Giống như ông từng chân thành nói với Ito Hirobumi rằng: "Ngày sau Khang Hữu Vi rồi sẽ làm nên chuyện lớn, nhưng với cái tầm nhìn hiện tại, thì lại chẳng làm được gì."
Sau này khi Lương Khải Siêu đi lưu vong, Lý Hồng Chương vẫn gửi gắm, cổ vũ Lương Khải Siêu "Phải học hỏi phương Tây, phải tôi luyện chính mình đợi một ngày dốc sức cho nước nhà" ⑨.
Bất bình như thế, nhưng cũng đầy hi vọng như thế, sau thất bại năm Giáp Ngọ, về mặt tư tưởng, "Hán gian" Lý Hồng Chương ngày một xa rời với triều đình nhà Thanh. Cuối cùng đến năm 1900, ông cùng Đảng Cách mạng đã cùng nhau lên kế hoạch "Độc lập cho vùng Lưỡng Quảng".
Tài liệu tham khảo
① Hội Nghiên cứu Lịch sử Trung Quốc: "Đông hành tam lục", NXB Hiệu sách Thượng Hải năm 1982, P240.
② Thư nhà Lý Hồng Chương: "Thị Nhi", bức thư được viết năm 1872 trong thời gian các con ở Mỹ.
③ Sơn Trường Ngô Thư viện Phục Liên Trì (ngày 1 tháng 9 năm Quang Tự thứ 22); sưu tầm trong "Lý Hồng Chương toàn tập – Chương thư số 8"; NXB Giáo dục An Huy, P109-110. Trong các bức thư khác gửi bạn, Lý Hồng Chương cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự.
④ Thầm Húc Bân "Tiết Phúc Thành kêu gọi triều đình nhà Thanh thực hiện cải cách chính trị"; Thay đổi Trung Quốc 1890.
⑤ Tôn Bảo Huyên "Nhật ký ăn chay" trích trong cuốn "Từ Giáp Ngọ đến Mậu Tuất: Khang Hữu Vi " trích lời nói đầu của Mao Hải Kiện.
⑥⑦ Gửi Lý Kinh Phương ( ngày 28 tháng 5 năm Quang Tự thứ 24); Gửi Lý Kinh Phương ( ngày 29 tháng 6 năm Quang Tự thứ 24); sưu tầm trong "Lý Hồng Chương toàn tập – Chương thư số 8" P184, P188.
⑧ "Hỏi đáp giữa Lý Bác Tương và Ito Hirobumi"; "Biến pháp Mậu Tuất" (3), P448.
⑨ "Bộ sưu tập Ẩm Băng Thất – tác phẩm sưu tầm số 5"; P55.