Đệ nhất đại mỹ nhân trong truyện Kim Dung khiến Ngô Tam Quế đưa quân Thanh chiếm Trung Nguyên là ai?
Mỹ nhân này được cho là nguyên nhân chính khiến Ngô Tam Quế quyết định hàng quân Mãn Thanh, phản lại nhà Minh.
Trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, không chỉ có các cao thủ võ lâm mà những mỹ nhân sắc nước hương trời cũng vô cùng được hâm mộ.
Chúng ta đã từng biết tới những "tường thành nhan sắc" như Tiểu Long Nữ, Hoàng Dung, Triệu Mẫn, Nhậm Doanh Doanh…
Kim Dung từng miêu tả về Hoàng Dung qua cái nhìn của Quách Tĩnh như sau: "Rất giống với tiên nữ trên núi tuyết của ta". Nàng có một dung mạo tuyệt trần, da trắng như tuyết, xinh đẹp tới mức không thể nhìn gần và không ai sánh bằng." Về phần Tiểu Long Nữ, khi Dương Quá nhìn thấy Tiểu Long Nữ đã ngỡ ngàng với sắc đẹp của nàng: "Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng."
Hay như Triệu Mẫn: "Xinh đẹp vô cùng, nhan sắc diễm lệ, mặt sáng như ngọc, mắt trong như nước, nét cười dịu dàng, diễm lệ. Chỉ trong một hai câu nói cũng không thể miêu tả được hết vẻ đáng yêu, thuần khiết và xinh xắn của nàng."
Tuy nhiên, trong số các mỹ nhân trong các tác phẩm của Kim Dung, có một người rất đặc biệt, nhân vật này không được ông sử dụng bất cứ sự miêu tả nào, mà chỉ tập trung vào phản ứng, thần thái, tâm lý và hành động của những người đàn ông khi nhìn thấy nàng. Bằng thủ pháp này, Kim Dung tuy không miêu tả trực tiếp nhưng lại khiến người đọc cảm nhận được vẻ sắc nước hương trời của mỹ nhân này. Người này là ai?
Đệ nhất đại mỹ nhân của Kim Dung
Tuyệt sắc giai nhân mà chúng ta đề cập đến ở đây chính là Trần Viên Viên. Nhân vật này được đưa vào hai tác phẩm của Kim Dung là Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký.
Trong Bích huyết kiếm, Kim Dung đã đưa vào tác phẩm rất nhiều mỹ nhân như công chúa A Cửu hay Ôn Thanh Thanh. Ông miêu tả công chúa A Cửu là mỹ nhân trong các mỹ nhân còn Ôn Thanh Thanh luôn tự phụ về nhan sắc của mình. A Cửu vốn khiến cho nhiều người đàn ông tranh giành nhưng khi Trần Viên Viên xuất hiện, tất cả những vị anh hùng thảo mãng kia ngay lập tức quên luôn cô công chúa xinh đẹp này. Họ đều bị vẻ đẹp của Trần Viên Viên làm cho mê mẩn đến nỗi đầu óc choáng váng, thậm chí Viên Thừa Chí "định lực cực cao" cũng xao động tới mức phải thốt lên: "Thiên hạ lại có nữ nhân xinh đẹp đến như vậy sao!".
Khoảnh khắc khi Trần Viên Viên xuất hiện được Kim Dung đặc tả như sau: "Trong điện Hoàng Cực nhất thời im lặng như tờ, bỗng 'xoảng' một tiếng, có chén rượu trong tay người rơi xuống đất, tiếp đó lại là 'xoảng, xoảng' hai tiếng vang lên, lại có người làm rơi ly rượu… khoảng mười mấy quan quân cùng ào đến cửa, tranh nhau muốn liếc mắt nhìn thêm, mãi đến khi hình bóng của Trần Viên Viên biến mất hẳn, mới quyến luyến mà từ từ trở về chỗ ngồi…".
Trong Lộc đỉnh ký, cố nhà văn Kim Dung lại xây dựng Trần Viên Viên là một đệ nhất đại mỹ nhân. Sắc đẹp của nàng vượt xa nhiều mỹ nữ trong các tiểu thuyết của ông. Khi Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên trong một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Dù từng quen nhiều người đẹp, trong đó có cả con gái của Trần Viên Viên nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn "gục ngã" trước tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình.
Cụ thể, đoạn miêu tả đó như sau: "Bỗng nghe ngoài cửa có tiếng bước chân nhè nhẹ êm ái. Một người đàn bà tiến vào nhìn Vi Tiểu Bảo hai tay chắp để trước ngực thi lễ nói: "Kẻ xuất gia là Tịch Tĩnh xin tham kiến Vi đại nhân. Giọng nói ôn hòa trong trẻo, đúng là khẩu âm Tô Châu.
Người đàn bà này cỡ bốn mươi tuổi, mình mặc áo màu biếc lợt, cặp lông mày xinh như vẽ, nét mặt thanh tú không bút nào tả xiết. Suốt đời Vi Tiểu Bảo chưa từng thấy ai đẹp như nàng. Tay gã cầm chum trà, miệng há hốc ra không ngậm lại được, chân tay luống cuống."
Mỹ nhân khiến Ngô Tam Quốc dẫn quân Thanh chiếm Trung Nguyên
Trần Viên Viên vốn là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Theo South China Morning Post, Trần Viên Viên sinh năm 1623 trong một gia đình nông dân. Mồ côi từ bé, nàng lớn lên với họ hàng ở Tô Châu, vùng đất nổi tiếng có nhiều mỹ nhân. Năm 14 tuổi, Viên Viên đã thành thạo các ngón đàn và bị bán làm kỹ nữ. Sau đó không lâu, Trần Viên Viên trở thành món hàng yêu thích của giới quý tộc địa phương.
Qua nhiều đời chủ, tròn 21 tuổi, Trần Viên Viên về tay Ngô Tam Quế. Có nguồn khác lại ghi lại: "Viên Viên được vào Hoàng cung để hầu hạ Sùng Trinh Đế, nhưng chỉ được 3 ngày, bị Hoàng hậu đưa ra cung. Sau được Chu quốc trượng gả cho Ngô Tam Quế". Về sau, Viên Viên cũng được họ Ngô sủng ái, tuy nhiên, khi Ngô Tam Quế được cử ra trấn thủ Sơn Hải quan để ngăn chặn quân Mãn Châu thì bà không theo ra trận mà vẫn ở lại Bắc Kinh.
Năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), lực lượng của Sấm vương Lý Tự Thành vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế. Sùng Trinh Đế bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Trần Viên Viên bị thuộc tướng của Lý Tự Thành là Lưu Tông Mẫn chiếm đoạt và cướp vào trong cung hầu hạ Lý Tự Thành.
Minh sử chép lại, khi nghe tin quân nổi dậy uy hiếp kinh đô, Ngô Tam Quế liền dẫn binh về cứu. Dọc đường, biết Bắc Kinh đã thất thủ, Minh Đế đã chết, lại nghe Lý Tự Thành dụ dỗ nên họ Ngô đã định hàng. Nhưng khi đến Loan Châu, Tam Quế hay tin ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, thế là Ngô Tam Quế nổi giận, đến xin hợp với quân của Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn đem quân quay về đánh kinh thành. Đây là một quyết định rất quan trọng ảnh hưởng nhất đến lịch sử Trung Quốc bấy giờ. Theo ghi chép sử sách, cuộc chiến giữa Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, khiến người đời oán giận trút lên đầu Trần Viên Viên.
Kết cục của Trần Viên Viên theo nhiều tài liệu ghi chép lẫn truyền miệng có các giả thuyết khác nhau. Một số cho rằng nàng đã đoàn tụ với Ngô Tam Quế nhưng sau đó vì thất sủng đã quyết định xuất gia. Cũng có tài liệu ghi rằng Trần Viên Viên bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ. Kết cục phổ biến nhất là Ngô Tam Quế lên làm đại tướng nhà Thanh. Ông ta ngại miệng đời nên đã đưa Trần Viên Viên lên một ngôi chùa hoang vắng để nàng sống ở đó tới cuối đời.