Để người dùng chửi nhau, Facebook hay Youtube sẽ bị phạt 60 triệu USD
Theo quy định mới của chính phủ Đức có hiệu lực từ đầu năm 2018, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter… sẽ phải chịu khoản phạt lên tới 60 triệu USD nếu để người dùng có những phát ngôn thù hận nhằm vào nhau.
Trong nỗ lực làm trong sạch mạng xã hội, Chính phủ Đức đã đưa vào thực thi đạo luật nhằm ngăn chặn ngôn từ thù hận trên mạng xã hội. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như có trên 2 triệu người dùng như Facebook, Youtube, Twitter hay Reddit, Tumblr, Vimeo, Flickr… đều phải có trách nhiệm kiểm soát thông tin và ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận đồng thời xóa nó trong 24 giờ. Tính răn đe của đạo luật được thể hiện bằng khoản tiền phạt lên tới 60 triệu USD cho các nhà cung cấp.
Đạo luật Netzwerkdurchsetzungsgesetz (NetzDG) được thông qua giữa năm ngoái nhưng chính thức có hiệu lực vào 1/1 vừa qua sau 2 tháng gia hạn để các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phát triển các công cụ ngăn chặn phát ngôn gây thù hận.
Tuy nhiên, đạo luật mới của Đức cũng bắt đầu gặp phải sự phàn nàn. Nhằm tránh khoản phạt từ chính phủ, các nền tảng mạng xã hội mạnh tay khóa nhiều tài khoản, bao gồm các tạp chí châm biếm. Hiệp hội Báo chí Đức (DJV) cũng đã cảnh báo về tình trạng này khi đạo luật được thông qua trong năm ngoái đồng thời tuyên bố sẽ làm việc với chính phủ để giải quyết tình trạng này.
Đức là quốc gia có những đạo luật vô cùng nghiêm khắc nhằm xử lý tội phỉ báng, kích động tội phạm hay đe dọa bạo lực. Với sự ra đời của luật mới, Twitter, Facebook hay các nền tảng truyền thông xã hội khác đều đang nỗ lực thích ứng nhằm tránh được nguy cơ bị phạt tiền. Chính vì thế, không loại trừ khả năng họ “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, ra tay chặn các tài khoản dù chúng chưa thực sự đáng bị chặn.
Luật mới của người Đức có hiệu lực trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đang đau đầu giải quyết tình trạng ngôn từ kích động và tin tức giả mạo, vốn đang phát triển như nấm mọc sau mưa bởi tình trạng thiếu kiểm soát. Nhiều quốc gia đang nỗ lực xóa bỏ tình trạng này đồng thời gây áp lực buộc các nền tảng mạng xã hội phải kiểm soát thông tin.
Phản ứng trước luật mới của Đức, người phát ngôn YouTube cho biết nền tảng chia sẻ video này đang triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn phát ngôn gây thù nghịch không chỉ ở Đức mà còn trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, YouTube sẽ đầu tư mạnh để phát triển các nhóm phụ trách và tạo ra công cụ mới để ngăn chặn hiệu quả các nội dung vi phạm. Nền tảng chia sẻ video này cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các chính quyền để các biện phát ngăn chặn hiệu quả hơn.