Để người dân có ‘cần câu cơm tốt hơn’, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất phổ cập tiếng Anh toàn dân, sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa

21/09/2024 21:00 PM | Giáo dục

“Việc này không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu", ông Vượng nói.

Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội - đất nước.

Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phía doanh nghiệp, có lãnh đạo 12 doanh nghiệp, Tập đoàn lớn gồm Vingroup; SunGroup; Tập đoàn Thaco; Hòa Phát; Tập đoàn TH; Thủy sản Minh Phú; Masan; T&T Group; Tập đoàn Sovico; Cơ Điện Lạnh; Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn KN.

Tại hội nghị, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh đào tạo về giáo dục, công nghệ, dữ liệu. Ông đề xuất, để có những công dân toàn cầu, người dân có "cần câu cơm tốt hơn", Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân.

Để người dân có ‘cần câu cơm tốt hơn’, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất phổ cập tiếng Anh toàn dân, sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa - Ảnh 1.

Chủ tịch Vingroup tại Hội nghị

" Việc này không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu...", ông nói. " Bên cạnh đó "Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai", ông Vượng khẳng định.

Trước đó, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Việc này nhằm thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Ngoài ra, trong lĩnh vực đào tạo, ông Vượng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Nếu tập trung đào tạo, như vậy, theo thời gian, Việt Nam có thể tạo ra lực lượng lao động lớn ngành này. "Ngành này có thu nhập lớn hơn nhiều ngành khác" - ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.

Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
XEM