Để không bị “cháy túi” vào cuối tháng
Thói quen chi tiêu vô tội vạ khiến nhiều người chưa đến cuối tháng đã bị 'cháy túi'. Việc chi tiêu cần phải có nguyên tắc. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây.
1. Kiểm tra chi tiêu của bạn trong quý vừa qua. Ghi chép những khoản chi sẽ giúp bạn nhìn thấy cần cắt giảm chi tiêu ở chỗ nào.
2. Sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu. Nếu bạn dùng tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà hoặc dùng thẻ tín dụng để thanh toán những đợt mua sắm hàng tháng thì có nghĩa là bạn đang tiêu nhiều hơn thu nhập có được. Việc này chỉ khiến số nợ tăng thêm và tiết kiệm giảm đi.
Vì vậy, hãy trung thực với chi tiêu hàng tháng của mình và đảm bảo bạn chỉ chi trong giới hạn thu nhập. Điều đó có nghĩa là bạn cần phân bổ tiền cho chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng.
3. Tạo quỹ và chi tiêu trong giới hạn của quỹ. Xác định các khoản chi cơ bản hàng tháng để tránh chi tiêu quá khả năng. Các khoản chi này bao gồm: Tiền thuê nhà và sinh hoạt phí; tiền đi lại; tiền thực phẩm; tiền chăm sóc sức khoẻ; các khoản tiêu vặt.
Tính tất cả các chi phí mà bạn có thể nghĩ ra, nhờ đó, bạn sẽ biết chính xác mình tiêu tiền vào việc gì. Nếu bạn phải trả nợ, hãy ghi vào mục khoản chi cần thiết trong quỹ chi tiêu.
4. Luôn có sẵn mục tiêu trong đầu khi đi mua sắm. Mục tiêu đó có thể là: Đôi tất mới thay cho đôi đã bị thủng hoặc thay điện thoại bị hỏng. Có mục tiêu khi mua sắm, đặc biệt đối với những đồ không cấp thiết, sẽ giúp bạn tránh mua sắm một cách bộc phát.
Tập trung vào vật dụng cần thiết khi mua cũng giúp bạn biết rõ số tiền cần chi cho mỗi lần mua sắm.
5. Đừng bị cuốn hút vào hàng giảm giá. Dù giảm giá mạnh vẫn có nghĩa là chi tiền nhiều. Thay vào đó, bạn chỉ nên cân nhắc mua sắm trong hai trường hợp: bạn có cần đồ vật đó không? Và bạn có đủ tiền mua đồ vật đó không? Nếu câu trả lời là không cho cả hai câu hỏi này, tốt nhất hãy để mặt hàng đó lại và tiết kiệm tiền để mua đồ vật bạn cần, thay vì bạn muốn dù đang giảm giá.
6. Để thẻ tín dụng ở nhà. Chỉ mang lượng tiền mặt bạn cần dựa vào kế hoạch chi tiêu để có đủ tiền tiêu cho cả tuần. Bằng cách đó, bạn sẽ tránh được việc mua sắm không cần thiết nếu đã chi hết tiền.
7. Giảm ăn hàng. Ăn hàng có thể rất tốn kém, đặc biệt nếu bạn chi 200 nghìn-300 nghìn mỗi ngày, 3-4 lần mỗi tuần. Giảm ăn hàng xuống một lần mỗi tuần và dần dần chỉ còn một lần mỗi tháng. Bạn sẽ biết mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi mua thực phẩm để nấu ăn tại nhà. Bạn cũng sẽ thấy việc đi ăn hàng vào dịp đặc biệt có giá trị hơn nhiều.
8. Hạn chế chi tiêu. Kiểm tra thói quen chi tiêu bằng cách chỉ mua những thứ bạn cần trong một tháng. Hãy xem bạn đã chi tiêu cho một tháng ít như thế nào khi tập trung vào mua những thứ bạn cần thay vì những thứ bạn muốn. Cách này sẽ giúp bạn xác định thứ gì được coi là cần thiết và thứ gì có cho vui.
9. Để dành tiền cho mục tiêu cuộc đời. Làm việc vì mục tiêu cuộc đời (như đi du lịch châu Âu hay mua nhà), bằng cách để dành tiền hàng tháng trong tài khoản tiết kiệm. Tự nhắc nhở bản thân rằng tiền tiết kiệm đó không phải để mua quần áo hay đi chơi hàng tuần mà dành cho mục tiêu lớn hơn của cuộc đời.